11 câu hỏi quen thuộc khi phỏng vấn nhưng không phải ai cũng biết cách ứng đáp cho chuẩn

Hạ An,
Chia sẻ

Tùy từng công ty và vị trí ứng tuyển, bộ câu hỏi có thể khác nhau, tuy nhiên 11 câu hỏi sau đây thường xuất hiện hầu hết tại các buổi phỏng vấn.

1. Hãy giới thiệu đôi nét về bản thân bạn?

Đối với câu hỏi này, nhiều ứng viên rơi vào trạng thái phân vân, không biết nên nói về những thành công trong quá khứ của bản thân hay chia sẻ những câu chuyện mang tính riêng tư hơn. Để bắt đầu một cách tự nhiên nhất, bạn nên nhớ chuẩn bị những câu mô tả về bản thân nhưng liên quan đến vị trí ứng tuyển. Đừng quên làm nổi bật những thế mạnh trong công việc cũng như cuộc sống, đồng thời tìm mối liên quan giữa đam mê của bản thân và lý do xin việc để gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng chị em nhé.

2. Điều gì khiến bạn trở nên khác biệt?

Đây là một câu hỏi chọn lọc của nhà tuyển dụng nhằm tìm ra những phẩm chất riêng của từng ứng viên. Nhiều người còn cảm thấy lúng túng vì không biết chắc nhà tuyển dụng cần phẩm chất gì. Khi gặp những câu hỏi kiểu này, điều quan trọng nhất là chị em nên nắm được những điểm mạnh riêng của bản thân để thuyết phục nhà tuyển dụng chọn bạn thay vì ứng viên khác. Tuy nhiên, cần chọn lọc những ưu thế đặc trưng liên quan đến vị trí công việc và đừng quên đưa ra những ví dụ cụ thể nhé.

11 câu hỏi quen thuộc khi phỏng vấn nhưng không phải ai cũng biết cách ứng đáp cho chuẩn - Ảnh 1.

3. Tại sao bạn lại chọn công việc này?

Để tăng sức thuyết phục cho loại câu hỏi này, ứng viên cần khoe những kinh nghiệm và kỹ năng phù hợp với vị trí công việc, có lợi ích cho công ty. Đồng thời, cần phải đặt ra những mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng để doanh nghiệp nhìn thấy tiềm năng phát triển ở bạn. Ngoài ra, các chị em cũng nên chú ý chọn lọc những yếu tố có liên quan đến đặc thù ngành nghề của từng công ty, tránh tình trạng trình bày lan man nhé.

4. Tại sao bạn muốn làm việc ở đây?

Đây là một cơ hội tuyệt vời để ứng viên trình bày sự hiểu biết và quan tâm đến công ty. Trước vòng phỏng vấn, bạn nên dành thời gian tìm hiểu những thông tin về doanh nghiệp càng nhiều càng tốt. Tuyệt đối không nên phàn nàn về công việc cũ hoặc nói xấu sếp cũ. Thay vào đó, hãy đưa ra những lý do thuyết phục hơn như công việc tại đây phù hợp với sở thích, kinh nghiệm và kỹ năng của bản thân.

11 câu hỏi quen thuộc khi phỏng vấn nhưng không phải ai cũng biết cách ứng đáp cho chuẩn - Ảnh 2.

5. Điểm mạnh của bạn là gì?

Đây có thể là một câu hỏi khó đối với những người không thích "khoe mẽ". Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải kể hết ưu điểm của bản thân. Hãy chọn lọc những điểm mạnh liên quan đến công việc ứng tuyển và kết nối bằng những thành quả đã đạt được. Ví dụ: nếu đang ứng tuyển vị trí quản lý, chị em hãy nhấn mạnh khả năng lãnh đạo và điều hành nhóm chuyên nghiệp. Những kinh nghiệm trong công việc trước đó cũng là một điểm sáng để chị em ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.

6. Điểm yếu của bạn là gì?

Có chị em nào bối rối vì câu hỏi này không? Đừng lo, câu hỏi phổ biến nhưng có phần "đáng sợ" này sẽ giúp ứng viên tự nhận thức những thiếu sót của bản thân. Trước câu hỏi này, bạn đừng lúng túng mà liệt kê hết những điểm yếu nhé. Hãy tìm một vài điểm yếu thực sự mà bản thân đang nỗ lực cải thiện. Một mẹo nhỏ dành cho chị em, đó là đưa ra điểm yếu càng ít ảnh hưởng đến công việc càng tốt.

11 câu hỏi quen thuộc khi phỏng vấn nhưng không phải ai cũng biết cách ứng đáp cho chuẩn - Ảnh 3.

7. Bạn thấy mình ở đâu trong 5 năm tới?

Mặc dù đây là câu hỏi về kế hoạch ngắn hạn nhưng bạn cần lưu ý những câu trả lời đưa ra phải đảm bảo mục tiêu dài hạn, sao cho phù hợp với tầm nhìn của công ty. Nếu gặp câu hỏi dạng này, chị em cần thận trọng khi đưa ra kế hoạch phát triển bản thân và cống hiến cho công ty, tuyệt đối không nên để nhà tuyển dụng biết bạn chỉ xem công việc này là bước đệm ngắn hạn.

8. Bạn mong muốn mức lương bao nhiêu?

Đây có thể là một câu hỏi khó trả lời, bởi vì nhiều người khi xin việc không muốn phí sức lao động với mức lương bèo bọt nhưng cũng không muốn đội giá lên quá cao. Cách tốt nhất là nên tìm hiểu trước khoảng lương trung bình dành cho công việc ứng tuyển là bao nhiêu để có căn cứ "trả giá" với nhà tuyển dụng.

9. Tại sao chúng tôi nên tuyển bạn?

Đây là cơ hội để chị em PR bản thân trước nhà tuyển dụng. Hãy đưa ra những kỹ năng và mục tiêu cụ thể, cho nhà tuyển dụng thấy được bạn phù hợp với công việc mà họ đang tuyển, đồng thời nhìn ra tiềm năng phát triển của bạn đối với công ty. Trong câu hỏi này, bạn đừng ngại nhắc lại niềm đam mê và nhiệt huyết của mình đối với công việc mong muốn.

11 câu hỏi quen thuộc khi phỏng vấn nhưng không phải ai cũng biết cách ứng đáp cho chuẩn - Ảnh 4.

10. Làm thế nào để bạn xử lý áp lực công việc?

Gặp câu hỏi này, bạn hãy bình tĩnh đưa ra lập luận chứng minh bản thân có thể giải quyết tình huống linh hoạt. Bạn có thể minh chứng bằng một giai đoạn áp lực công việc trong quá khứ và cách để vượt qua nó. Những cách xử lý thông minh sẽ giúp nhà tuyển dụng thấy bạn là một người đương đầu tốt với những tình huống phát sinh mà không ảnh hưởng đến chất lượng công việc.

11. Tại sao bạn nghỉ việc tại cơ quan cũ?

Cho dù bị sa thải hoặc từ chức vì lý do cá nhân, ứng viên cũng đừng nên nói xấu chỗ làm cũ, đa phần người tuyển dụng không thích điều này. Thay vào đó, bạn hãy hướng đến những câu trả lời mang sắc thái tích cực nhất có thể, ví dụ: theo đuổi cơ hội mới, môi trường mới để thử thách bản thân, v.v. Làm được điều này, nhà tuyển dụng sẽ thấy được thiện chí và không có cớ để bắt bẻ. Chúc chị em vượt qua vòng phỏng vấn thành công.

Tham khảo B.I

Chia sẻ