10 năm bị dè bỉu ‘gái độc không con’, không ngờ lý do hiếm muộn lại từ chồng

NHƯ LOAN/VTC News,
Chia sẻ

Kết hôn 10 năm không có con, chị Thoa bị mẹ chồng dè bỉu “gái độc không con”, nhưng thật không ngờ lý do hiếm muộn lại xuất phát từ chính người chồng.

Chị Lê Thị Thoa (35 tuổi) và anh Bùi Đức Bảo (40 tuổi) quê Quảng Ninh kết hôn 10 năm vẫn chưa có con. Chị sợ và né tránh tất cả những ngày lễ tết, nơi tập trung đông người vì thường xuyên bị hỏi thăm chuyện con cái.

Bị chì chiết con dâu “không biết đẻ”

Chịu không nổi áp lực, vợ động viên chồng đi khám hiếm muộn nhưng anh nhất định không đi. Anh một mực khẳng định sức khoẻ bản thân hoàn toàn bình thường. Trong khi đó, người xung quanh đều cho rằng nguyên nhân từ phụ nữ.

Mẹ chồng thường xuyên buông lời dè bỉu, trách móc con dâu “không biết đẻ”, “gái độc không con”.

Lâu dần giữa hai người nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Bà khuyên con trai sớm ly hôn, tìm người phụ nữ khác sinh cháu cho mình.

Anh Bảo nghe lời mẹ, đối xử với vợ tệ bạc. Thời gian này, anh cũng qua lại với nhiều người phụ nữ khác. Chị Thoa âm thầm chịu đựng cho đến khi chồng mang người tình về nhà thì chị quyết định ly hôn.

Trước khi ra tòa, chị đến bệnh viện kiểm tra và đề nghị xin tinh trùng làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Chị được bác sĩ hướng dẫn về việc tráo đổi mẫu tinh trùng theo quy định. Để xin được tinh trùng đang trữ trong ngân hàng, chị đưa anh ruột đến đổi.

Do chưa có quyết định ly hôn của tòa án nên bệnh viện yêu cầu chị phải được chồng xác nhận đồng ý cho xin tinh trùng. Người chồng ban đầu không chấp nhận nhưng sau chị tìm mọi cách thuyết phục, anh cũng đồng ý.

Tại bệnh viện, bác sĩ lắng nghe câu chuyện của hai vợ chồng và mong muốn hai bên hàn gắn. Bác sĩ đề nghị anh Bảo thử kiểm tra sàng lọc, dùng tinh trùng của anh để làm thụ tinh cho vợ thay vì xin của người khác.

Sau hàng loạt các xét nghiệm sàng lọc, kết quả cho thấy người chồng gặp bất thường về gene sinh tinh dẫn đến không có tinh trùng. Nhận kết quả, anh Bảo suy sụp, không nghĩ lý do hiếm muộn lâu nay lại từ chính mình.

Còn chị Thoa bật khóc như được giải toả hết tất cả những oan ức trong lòng.

Một tháng sau, hai vợ chồng anh Bảo quay lại bệnh viện, họ cho biết không ly hôn nữa và bày tỏ mong muốn xin tinh trùng trong ngân hàng để làm thụ tinh trong ống nghiệm.

10 năm bị dè bỉu ‘gái độc không con’, không ngờ lý do hiếm muộn lại từ chồng - Ảnh 1.

Bác sĩ Hà Ngọc Mạnh tư vấn cho người bệnh đến khám hiếm muộn. (Ảnh: Như Loan)

Nhiều cặp đôi xin tinh trùng để sinh con

ThS.BS Hà Ngọc Mạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ (Hà Nội) chia sẻ, những người đến bệnh viện đều có chung khao khát tìm cho mình cơ hội được làm mẹ, sau nhiều năm tháng thiếu vắng tiếng cười con trẻ. Độ tuổi tìm đến bệnh viện khám và điều trị vô sinh trung bình từ 22 đến 50 tuổi, cũng có trường hợp ngoài tuổi 50.

Để có con, nhiều cặp đôi còn phải xin tinh trùng trong ngân hàng dự trữ. Tuy nhiên thực tế hiện nay, lượng dự trữ tinh trùng ở ngân hàng rất khan hiếm. Nguyên nhân xuất phát từ tâm lý e dè nên ít người đến hiến.

“Khi thực hiện hỗ trợ sinh sản cho cặp vợ chồng cần tinh trùng, chúng tôi buộc phải thực hiện nguyên tắc đổi mẫu. Cặp đôi nào muốn xin một mẫu tinh trùng trong ngân hàng, họ phải đưa người nhà hoặc bạn bè đến hiến tinh trùng”, bác sĩ Mạnh nói.

Độ tuổi hiến tinh trùng theo quy định là từ 22 đến 55 tuổi, đủ điều kiện về sức khỏe, tâm thần. Người hiến sẽ được kiểm tra, sàng lọc các loại bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, viêm gan C, HIV và đánh giá chất lượng tinh trùng.

Sau khi xét nghiệm đầy đủ không có các bệnh lây truyền qua đường tình dục và bất thường nhiễm sắc thể, người hiến sẽ được lấy 3 mẫu tinh trùng cách nhau tối thiểu 3 ngày.

Ba tháng sau, họ quay lại để làm xét nghiệm HIV, nếu kết quả âm tính thì khi đó các mẫu tinh trùng mới đủ điều kiện sử dụng. Toàn bộ công việc hiến và sử dụng tinh trùng sau khi hiến sẽ đảm bảo nguyên tắc vô danh.

Đơn vị thực hiện hỗ trợ sinh sản bằng mẫu tinh trùng hiến phải đảm bảo người cho và người nhận không biết thông tin về nhau. Đặc biệt, mẫu sẽ thực hiện chọn ngẫu nhiên. Người hiến không có nghĩa vụ, quyền lợi gì với gia đình đứa bé sinh ra từ tinh trùng mình đã cho.

“Xét về góc độ nhân văn, việc hiến tinh trùng là việc tốt, giúp đỡ những gia đình hiếm muộn có cơ hội làm cha làm mẹ, tránh những tổn thương và hệ lụy liên quan đến hạnh phúc gia đình”, bác sĩ Hà Ngọc Mạnh nói.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam có khoảng 7,7% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh nở bị vô sinh, hiếm muộn (tương đương với 1 triệu cặp vợ chồng). Trong đó, cặp vợ chồng dưới 30 tuổi chiếm tỉ lệ 50% và đang gia tăng theo thời gian.

Chuyên gia cho biết, các trường hợp vợ chồng vô sinh do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh các yếu tố bệnh lý, những thói quen xấu cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe sinh sản lối sống thiếu lành mạnh, thường xuyên sử dụng các chất kích thích, lạm dụng bia rượu, hút thuốc lá.

Để hiện thực hóa thiên chức làm bố mẹ, các chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên xây dựng lối sống lành mạnh. Đặc biệt ở người trẻ, nên chủ động đi khám tiền hôn nhân để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường về sức khỏe sinh sản và giảm thiểu chi phí điều trị.

Chia sẻ