10 bài học trẻ em nào cũng cần được dạy trước khi lớn, bạn đã dạy con được bao nhiêu điều dưới đây?
Bố mẹ nên nhớ rằng, không có trẻ hư, mà chỉ có hành vi hư. Vì vậy để trẻ lớn lên thành một người lịch sự, được yêu mến thì nên uốn nắn, dạy dỗ con về 10 bài học dưới đây.
Để con có hành vi và cách cư xử tốt, chúng ta cần phải dạy con ngay từ khi con bắt đầu hiểu những gì chúng ta đang nói. Tất nhiên, chúng cũng sẽ học về cách cư xử trong suốt thời thơ ấu và sẽ chịu thêm ảnh hưởng của các nhóm đối tượng khác nữa, nhất là từ khi đi học.
Nhưng, điều quan trọng nhất vẫn là nền tảng và sự tin tưởng của con vào bố mẹ cũng như hành vi của bố mẹ. Cách đơn giản nhất là khuyến khích khi còn làm gì đó đúng và khi con sai thì không nên trừng phạt ngay tắp lự mà hãy nói nhẹ nhàng để con biết cách làm lại tốt hơn và tại sao lại như vậy.
Không có đứa trẻ hư, mà chỉ có hành vi hư. Điều mà người lớn cần phải làm đó là giúp trẻ nhận ra và điều chỉnh những hành vi đó trở nên đúng đắn hơn và giải thích cho chúng hiểu tại sao.
Dưới đây là 10 bài học về cách cư xử mà bất cứ bố mẹ nào cũng cần lưu ý để làm gương cho con:
1. Chờ tới lượt và không ngắt lời người khác khi nói. Sẽ không ai nghe được ai nếu chúng ta nói chuyện song song với nhiều người cùng lúc. Hãy nhẹ nhàng nói trẻ đợi bố mẹ nói xong, rồi sau đó hỏi trẻ muốn gì. Đừng quên lắng nghe con một cách cẩn trọng để con thấy sự tích cực với việc chờ tới lượt.
Những em bé lên 2-3 có thể gặp khó khăn trong việc chờ tới lượt, nhất là các bạn nhỏ là con đầu lòng - đây là một hành vi bình thường và sẽ thay đổi dần khi con lớn lên nếu có sự can thiệp và làm gương thường xuyên của bố mẹ. Khi trẻ đang chờ tới lượt, hãy đặt tay lên vai hoặc cầm tay con để nói với con rằng: "Mẹ biết con đang muốn nói với mẹ, con đợi mẹ một chút xíu nhé".
2. Luôn chào đón ai đó khi có khách tới nhà. Tùy vào văn hóa gia đình và xã hội, bạn có thể dạy con bắt tay hoặc tối thiểu là nói lời chào với người lớn và những đứa trẻ khác.
3. Thường xuyên nói "Cảm ơn" và "Con có thể…/Con xin phép". Nó cho thấy sự tôn trọng và đối với những bạn bè và người lớn khác, điều này cho thấy đứa trẻ đang được nuôi dạy tốt. Cho tới giờ mình vẫn thường xuyên nói và nhắc Ốc nói câu "Cảm ơn" hoặc "Xin lỗi" vì đôi khi con quên. Nhưng con đặc biệt rất biết các giới hạn và hiểu rằng khi muốn đi quá các giới hạn đó thì cần phải có sự cho phép của bố mẹ, ví dụ bạn ấy có thể tự nói "Con xin phép mẹ cho con đi xe đạp đi học hôm nay được không?".
4. Gọn gàng, sạch sẽ sau khi chơi hoặc làm. Dù ở nhà hay đang đi chơi, trẻ vẫn luôn phải tự dọn dẹp. Đó là mớ hỗn độn con tạo ra, và con phải là người tự dọn sạch sẽ. Điều đơn giản này sẽ là nền tảng cho các ứng xử trong các tình huống phức tạp hơn sau này khi con trưởng thành. Nếu con không tự dọn dẹp, hãy đưa ra giới hạn: "Nếu con muốn bắt đầu chơi hoặc làm một việc khác, hãy dọn dẹp trước đã".
5. Hành vi khi chơi thể thao. Nếu sau trò chơi, bất kể kết quả thế nào, con cũng nên cư xử có chừng mực. Ví dụ nếu con thắng, hãy giải thích để con đừng quá hả hê hoặc thể hiện. Nếu con thua cuộc, hãy giải thích để con không hờn dỗi hoặc tức giận.
6. Đón nhận lời khen một cách lịch sự. Nếu ai đó khen ngợi con, hãy giúp con bình tĩnh và nói lời cảm ơn. Cũng đừng nói thêm về những khiếm khuyết khác của con.
7. Mở cửa giúp người khác. Khi đi vào thang máy hay các tòa nhà, trẻ nhỏ thường chạy trước người khác. Hãy dạy con biết giữ cửa nếu nhìn thấy người còn muốn đi vào, nhất là khi có các em bé và người già. Cũng phải dạy con nếu ai đó giữ cửa cho con, con cần phải nói lời cảm ơn.
8. Những nguyên tắc đi ra vào. Thang máy: trước khi bước vào, hãy đứng đủ xa để chờ người bên trong đi ra hết. Tương tự với các tòa nhà, nếu cả hai cùng đi vào - ra một lúc, con có thể chờ để người kia đi ra trước và tới lượt mình.
9. Tôn trọng sự khác biệt. Nếu bạn bè của con khác con về văn hóa, chủng tộc hay tôn giáo thì hãy dạy con sự tôn trọng. Cho con biết mỗi gia đình khác nhau sẽ làm những điều thú vị khác nhau và có những nghi lễ riêng. Đừng dạy con hay vô tình nói ra những điều có ý phân biệt và khiến đầu óc con hình thành những tư duy về phân biệt, đặc biệt là phân biệt về giàu - nghèo, địa vị, nghề nghiệp hay vẻ bề ngoài.
10. Đi vệ sinh. Với bé trai, hãy dạy con biết nhấc tấm ngồi lên trước khi đi tè. Với tất cả các bé, hãy dạy con biết đậy nắp bồn cầu xuống trước khi xả nước, rửa tay sau khi đi vệ sinh và bỏ rác vào đúng nơi quy định.
Vài nét về tác giả:
Chị Linh Phan là một chuyên gia tư vấn phụ huynh theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời là tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu". Theo Linh Phan, làm cha mẹ tốt nhất đối với con và đối với chính mình là khi tin vào bản năng của mình.
Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích, giúp đỡ các bố mẹ có cuộc sống ôn hoà, bình tĩnh trên hành trình nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc, biết lắng nghe, hợp tác và tích cực.
Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.
Các mẹ có thể tìm đọc những bài viết của chị Linh Phan TẠI ĐÂY.