Yêu 'chay' có bất thường không?

Ths-Bs Lan Hải,
Chia sẻ

Trong nhiều năm giảng dạy về “Giáo dục giới tính và tình dục” cũng như tham gia các diễn đàn về tình yêu trên truyền thông, tôi thường được các bạn trẻ mời làm trọng tài cho những cuộc tranh luận giữa hai phe: “Tình yêu thực sự không cần sex” và “Tình dục thực sự không có nghĩa là yêu”.

Yêu “chay” không phải là bất thường

Thời nay trai gái yêu nhau ít dằn vặt vì chuyện “bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn” cho bằng bị xung đột giữa quan niệm “quá cổ hủ” và “quá thoáng”; “cho hay giữ”; sống thử hay là kết hôn sớm và sinh con đúng tuổi,…

Cả hai phía không hẳn chủ trương yêu “chay”/kiêng/nhịn sex, mà là chưa quyết định được chuyện: “Có phải yêu đương phải đi liền với tình dục?”, “Yêu bao lâu là hợp lý nhất để quan hệ tình dục với nhau?”, “Quan hệ tình dục quá sớm sẽ giết chết một mối quan hệ?”, “Có nên chiều những sở thích phiêu lưu của người yêu trong chuyện tình dục?”, “Liệu quan hệ rồi sẽ chán nhau và dẫn đến tắt lửa lòng?”, vv… Nhiều bạn tặc lưỡi “Khó quá, bỏ qua”/next.

Các bạn ấy băn khoăn cũng phải. Nhà văn Mỹ Joe Grant (1908- 2005) từng nói trắng ra: “Đàn ông sử dụng tình yêu để đạt được tình dục còn phụ nữ đáp ứng tình dục để nuôi dưỡng tình yêu. Tất nhiên, đàn ông không đánh đồng quan hệ tình dục với tình yêu, càng không đồng nhất với hôn nhân”. Khi chưa thống nhất được mục tiêu chung, nhiều bạn chọn cách “cứ yêu thôi hẵng cho nó lành, trì hoãn quan hệ thì đã chết ai”.

Yêu 'chay' có bất thường không? - Ảnh 1.

Ngay cả trong hôn nhân, người ta viện đầy cớ để từ chối hoặc né tránh chuyện phòng the, nhất là phụ nữ. Cũng có khi đó là bằng chứng “hy sinh trong tình yêu”, chẳng hạn không đòi hỏi vợ “trả bài” trong những “ngày mưa”/ đang bầu bí/ bỉm sữa; nhịn sex khi đi làm xa,... Nhiều cặp đi làm và chăm con quần quật đến nỗi thèm ngủ hơn thèm “yêu”; cả đời không tìm được sự hòa hợp chăn gối vẫn sống nhăn và khẳng định “sỏi đá vẫn cần có nhau”.

Đến thời thoái trào của tình dục trong một mối quan hệ lâu năm hoặc vì tuổi tác, nhiều người “đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ”. Vậy là ở một giai đoạn nào đó trong đời người/ đời vợ chồng, người ta yêu mà không làm tình.

Tình dục không chỉ là “lên giường với nhau”

Theo “Từ điển tình dục” (1987): “Tính dục (Sexuality) là khả năng con người thực hiện những hành vi tình dục, tức là đáp lại các kích thích tình dục và tìm kiếm sự thỏa mãn từ các hoạt động tình dục (vuốt ve, giao hợp, tự kích thích). Nói đến dục tính không chỉ nói đến cơ quan sinh dục, mà bao gồm cả những vùng nhạy cảm của cơ thể cũng như mong muốn, khát vọng và tưởng tượng liên quan đến tình dục. Tình dục (Sex) là sự cụ thể hóa dục tính của con người bao gồm sự tưởng tượng, ước mơ về quan hệ tình dục và những hành vi quan hệ tình dục (âu yếm, giao hợp) với đối tượng. Những nền văn hóa khác nhau thì có quan niệm, thái độ và hành vi tình dục khác nhau”.

Trên thực tế, nhiều người đồng nhất “tình dục” là “quan hệ tình dục”. Thật ra tình dục có nhiều mức độ với nhiều hành vi khác nhau. Tình dục trong tình yêu bao gồm khóe mắt trao cả một lời hẹn, cái nắm tay, nụ hôn,… cho đến đỉnh điểm là sự hóa thân và hóa hồn khi hai người trở nên một.

Tình dục đóng vai trò quan trọng trong tình yêu nhưng không phải là quan trọng nhất trong một mối quan hệ. Nói một cách giản dị, người nam chú trọng đến cảm giác và chuyện tình dục hơn, người nữ quan tâm đến cảm xúc yêu đương hơn. Vấn đề là ở giai đoạn nào của yêu đương sẽ có hành vi tình dục nào tương xứng, vừa giúp thăng hoa tình cảm vừa giữ được giới hạn cho cả hai, tránh làm tổn thương người trong cuộc. Trước khi chọn mức độ thể hiện, hãy nghĩ về những hậu quả.

Trừ các ngoại lệ

Đó là “tình yêu không tình dục” ở những người không muốn thể hiện tình cảm của mình thông qua tình dục, dù đang có một mối quan hệ lãng mạn và hẹn hò với người khác.

Thứ nhất, người vô tính (asexual), không bị hấp dẫn tình dục, hoặc không/ít quan tâm đến các hoạt động tình dục với bất kỳ ai ở bất kỳ giới tính nào.

Thứ hai, người “tự kỷ ám thị tình dục” (autosexual) chỉ có nhu cầu tự thỏa mãn chính mình hơn là quan hệ tình dục với người khác, dù là cùng phái hay khác phái.

Ths.BS Nguyễn Lan Hải tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội khóa 1978-1984. Cộng tác viên của nhiều báo và Đài truyền hình trong lĩnh vực tâm-sinh lý con người. Là tác giả của nhiều cuốn sách về chủ đề giới tính: Long lanh như những giọt sương (2009), Cẩm nang GDGT và phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em (NXB Phụ nữ, 2016), Thì thầm chuyện nhỏ chuyện to: từ tình yêu đến tình dục (NXB Phụ nữ 2021)…

Các bạn trẻ cần có nguyên tắc sống của mình, chịu trách nhiệm cho những gì mình làm: yêu đương trước khi kết hôn có thể có hoặc không có tình dục; tình dục trước hôn nhân có thể xuất phát từ tình yêu hoặc chỉ đơn thuần là giải quyết nhu cầu sinh lý. Tùy mức độ tình cảm và khung cảnh, một ước muốn được gặp nhau, cái nắm tay, ngả đầu lên vai nhau hoặc ôm hôn,… đã là sự “thỏa mãn tình dục”. Nhiều khi xa nhau, trò chuyện trên điện thoại đã thấy rạo rực, “hôn em”/“hôn anh” qua tin nhắn mà mặt nóng bừng, gây nên cơn bão hormon!

Tình dục là phần vật chất nhất của tình yêu, tình yêu luôn mang trong mình tình dục mà không cần đặt câu hỏi “Yes or No”.


Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa: Con người không yêu chay được

Thời của chúng tôi, yêu đương nó e ấp lắm. Yêu mà không dám động vào thân thể nhau. Giai gái ngồi cạnh nhau trong bóng tối là điều bất khả, phải bật đèn. Nhất là tôi ở trong quân đội, kỷ luật nhà binh càng nghiêm ngặt. Nhà thơ Xuân Diệu, ông hoàng thơ tình đấy, ấy thế mà cũng chỉ rón rén viết về tình yêu như thế này: Một tuần công việc tạm xong/ Cầm tay chủ nhật hòa trong phố người. Hai câu này Xuân Diệu làm đề từ tập thơ Cầm tay (in 1962). Có ai yêu mà đợi cả tuần đến chủ nhật mới yêu? Lại còn phải đến chỗ đông người mới dám… cầm tay. Yêu làm gì có mùa. Giả vô cùng. Đời sống đâu có thế, ngay cái thời hà khắc ấy mà vẫn có người phụ nữ chửa hoang, bị gọt đầu bôi vôi, thậm chí còn thả trôi sông. Cho nên yêu chay là không có đâu.

V.H.T: Có phải vì ảnh hưởng của cái thời khắc nghiệt ấy mà bao lâu nay nhà thơ Trần Đăng Khoa vướng nghi án giới tính… không bình thường?

T.Đ.K: Thời tôi còn trẻ trung, cũng có cô nghi tôi có vấn đề về giới tính. Theo tôi, con người, nhất là đàn ông khi yêu thì không “chay” được đâu. Nếu có chay thì chỉ trong 3 trường hợp: Người trong cuộc giữ gìn để thăng tiến (tôi cho đó là… người không ra gì), không có điều kiện để yêu “mặn” hoặc người bệnh hoạn.

Võ Hồng Thu (thực hiện)


NSƯT, ca sĩ Minh Thu: Yêu không 'động chạm' như tình yêu ảo

V.H.T: Theo chị yêu “chay” có phải là bất thường không?

M.T: Bất thường chứ. Tình yêu mà không có sự “động chạm” nó gần như một tình yêu ảo vậy. Cũng có người yêu chay do xa cách, xong rồi mới gần nhau được thì cũng bền và hạnh phúc. Nó tùy thuộc vào sự may mắn của mỗi cuộc tình.

V.H.T: Ý nghĩa của tình yêu với cuộc sống của chị?

M.T: Khi yêu, làm gì cũng cảm thấy có năng lượng, có sự hưng phấn. Rất quan trọng với nghề ca sĩ của Minh Thu. Trong cuộc sống đôi khi không tìm thấy tình yêu với một người đàn ông nhưng mình tìm được một cái gì đó trong nghệ thuật âm nhạc, ví dụ thế. Mình “đổ” hết tình yêu vào đó. Cũng là một cách yêu.

Võ Hồng Thu (thực hiện)

Chia sẻ