Ý kiến trái chiều về đề xuất bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên

HOÀI ANH/ VTC News,
Chia sẻ

Nhiều người đồng ý với việc bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên, số khác cho rằng việc này gây thiệt thòi cho học sinh “suýt soát” điểm đỗ.

ThS Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) hoàn toàn ủng hộ đề xuất không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên ở dự thảo mới đây của Bộ GD&ĐT. Theo ông, không nên để lẫn lộn nhiều hệ trong trường chuyên, vì một học sinh lớp thường nếu học trong trường chuyên sẽ vẫn mang phù hiệu trường chuyên. Cùng với đó, phải sử dụng ngân sách nhà nước đúng mục tiêu và đúng con người thụ hưởng.

Ông cũng đề nghị cần xoá bỏ hình thức lớp chuyên trong trường thường vì làm vậy sẽ phân tán học sinh giỏi, hao tổn ngân sách của nhà nước, không hiệu quả. “Trường chuyên phải hiểu đúng là nơi bồi dưỡng cho học sinh có năng khiếu đặc biệt ở tất cả các môn văn hóa”, ông Phú nói và nhấn mạnh thêm không thể lấy học sinh trường chuyên tham gia các cuộc thi học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học với học sinh trường thường.

Còn theo ThS Đinh Đức Hiền - giáo viên Sinh học tại Hệ thống giáo dục HOCMAI, chúng ta cần thay đổi mô hình và triết lý đào tạo của trường chuyên chứ không phải chỉ là xoá lớp không chuyên. Trường chuyên phải thực sự là môi trường đào tạo tinh hoa theo đúng nghĩa chứ không phải nơi đào tạo "gà nòi" như nhiều đơn vị đang thực hiện.

Trường chuyên phải là đầu tàu đổi mới, mô hình, biểu tượng cho giáo dục địa phương. Lâu nay, mọi người thường dùng con số về việc học sinh của trường chuyên đi thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế để đánh giá thành tích mà quên để ý đến những tiêu chí khác.

Ông Hiền nhấn mạnh, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh cần và được phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất. Trường chuyên bên cạnh việc phát hiện bồi dưỡng những tinh hoa về lĩnh vực cụ thể thì cũng không thể đứng ngoài cuộc xu thế giáo dục để học sinh trở thành công dân toàn cầu. Do đó, theo thầy Hiền, việc xoá bỏ lớp không chuyên là không nên, mà nó phải trở thành mô hình chuẩn không chuyên chất lượng cao và hội nhập.

Ý kiến trái chiều về đề xuất bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên - Ảnh 1.

Tranh luận xung quanh đề xuất bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên.

Các phụ huynh cũng đưa ra ý kiến trái chiều liên quan vấn đề trên. Anh Nguyễn Việt Hoà - phụ huynh có con học lớp 10 ở Hà Nội cho rằng, đề xuất bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên là cần thiết, bởi hiện nay, nhiều đại học ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng cho học sinh trường chuyên. Trong khi đó, nhiều học sinh không thật sự có năng lực nhưng vẫn được hưởng những ưu tiên này nhờ theo học lớp không chuyên của trường chuyên.

"Nếu cứ duy trì lớp không chuyên, lớp chất lượng cao thì e rằng dễ phát sinh biến tướng, mở rộng để hưởng quyền tuyển thẳng. Như vậy thật không công bằng”, anh Hoà nói.

Đồng quan điểm, chị Vũ Minh (Hải Phòng) cho rằng hệ thống trường chuyên cấp 3 sẽ đào tạo ra những tinh hoa tri thức cho đất nước, vậy nên, trường chuyên chỉ nên tập trung cho các lớp chuyên. “Bất kỳ xã hội nào cũng cần sự phân cấp, người giỏi thì học trường chuyên, người học lực bình thường thì học trường bình thường. Vì thế học sinh học lực không quá tốt cũng không nên cố vào những lớp không chuyên của trường chuyên”, chị Minh nêu quan điểm.

Trong khi đó, theo chị Lê Bình (Hà Nội), việc bỏ lớp không chuyên sẽ thiệt thòi cho học sinh chỉ thiếu rất ít điểm, vì hầu hết học sinh lớp không chuyên là những bạn chỉ thiếu 0,5 điểm do thiếu may mắn. Chị đã đọc và theo dõi những học sinh học lớp không chuyên tại trường chuyên nhưng đạt nhiều giải quốc gia và quốc tế. Nếu bỏ lớp không chuyên thì sẽ bỏ sót rất nhiều tài năng.

Trong dự thảo Bộ GD&ĐT mới công bố quy định không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên. Lớp học trong trường chuyên phải được tổ chức theo các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo ban hành, gồm Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ 1. Mỗi lớp chuyên không quá 35 học sinh.

Trên cơ sở các điều kiện bảo đảm chất lượng và đề nghị của hiệu trưởng trường chuyên, cơ quan quản lý trực tiếp trường chuyên quyết định số môn chuyên và số lớp chuyên đối với từng môn chuyên.

Hệ thống trường chuyên gồm trường chuyên thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một trường chuyên. Tuy nhiên, hiện không ít các trường chuyên có các lớp không chuyên, lớp chất lượng cao dành cho học sinh không đủ điểm trúng tuyển vào lớp chuyên.

Thời gian góp ý cho dự thảo từ 14/10 đến 14/12 tại cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chia sẻ