Câu đố Tiếng Việt: Vì sao nói 'Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà'?

Ứng Hà Chi,
Chia sẻ

Phần kiến thức này cực kỳ thú vị, không phải ai cũng biết.

Thành ngữ Việt Nam có rất nhiều câu nói phê phán kẻ xấu phản phúc, luôn lợi dụng và rắp tâm hãm hại người khác. Trong số đó phải kể đến câu thành ngữ quen thuộc "Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà". Có bao giờ bạn thắc mắc về nguồn gốc của câu thành ngữ trên không?

Trước hết, chúng ta thảo luận về câu "Nuôi ong tay áo". Người ta vẫn thường hiểu câu này mang nghĩa đen là "nuôi con ong trong tay áo". Nhưng thật ra không ai dại mà đi nuôi ong trong tay áo bao giờ. "Ong tay áo" ở đây chỉ một loài ong đen làm tổ trên cành cây. Loại tổ ong này chảy xệ xuống như ống tay áo. 

Tay áo thời ngày xưa thường được may rộng chứ không gọn gàng như bây giờ. Chính vì vậy, người ta gọi là "ong tay áo" vì hình dáng cái tổ của chúng giống như tay áo người. Theo như người xưa, loại ong đen thường bị cho là điềm gở (giống như quạ đen), mỗi lần xuất hiện đều bị người dân xua đuổi.

Do đó, "Nuôi ong tay áo" mang hàm nghĩa: Nếu để bầy ong tay áo/ong đen sinh sống trong khu nhà mình kiểu gì cũng gặp họa. 

Câu đố Tiếng Việt: Vì sao nói "Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà"? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Còn "Nuôi khỉ dòm nhà" bắt nguồn từ câu chuyện dân gian về đôi vợ chồng nọ nuôi khỉ. Vì khỉ thường bắt chước những việc làm của người. Một hôm vợ chồng ấy thịt gà, con khỉ trong chuồng đã thấy được các thao tác trên. Ngày hôm sau cả hai vợ chồng lên rẫy, con khỉ ở nhà bắt chước các thao tác, vô tình làm hại con của chủ. Từ sau câu chuyện buồn đó, không còn ai nuôi khỉ để nó dòm vào nhà nữa. Mọi người đều sợ khỉ sẽ học theo những hành vi không tốt. 

Có thể lý giải câu thành ngữ "Nuôi khỉ dòm nhà" nghĩa là nuôi kẻ thiếu trí tuệ, chỉ biết làm theo, không biết lợi hại cho chủ. 

Ngoài ra, còn có một số thành ngữ có hàm nghĩa tương tự như:

- "Nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà": Nhằm chỉ việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho người xấu phản chủ, rắp tâm hãm hại người trong gia đình. Câu thành ngữ là lời cảnh báo, nhắc nhở chúng ta cần cẩn trọng trước người ngoài, đừng vì lòng thương mà sẵn sàng giúp đỡ người khác để bị họ lợi dụng, hãm hại.

- "Nuôi ong tay áo, nhờ cáo trông gà": Cùng mang nghĩa "giúp" kể xấu hãm hại, gây họa cho bản thân và gia đình. "Nhờ cáo trông gà" giống như việc ai đó lợi dụng chức vụ, quyền lực để thực hiện những hành vi xấu xa của mình nhưng người ngoài vẫn nghĩ họ làm việc tốt, việc thiện. Câu "Nuôi ong tay áo, nuôi cáo trông gà" có phần nghiêm trọng hơn, cần được mọi người lưu ý và đề phòng.

Chia sẻ