Xương cá trốn sâu chỗ hiểm, 5 bệnh viện không phát hiện ra

NGUYỄN THẠNH,
Chia sẻ

Hóc xương cá, gà, vịt… có thể xử trí đơn giản tại phòng khám chuyên khoa bằng thủ thuật nội soi nhưng ở trường hợp này xương ghim ở sau sụn nhẫn rất hiếm gặp.

Sáng 2-10, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho hay vừa phẫu thuật mở cổ lấy ra được xương cá xuyên sâu thực quản gây áp xe cho 1 trường hợp đi 5 cơ sở y tế cũng không phát hiện ra. Bệnh nhân là bà N.P. (64 tuổi, ở TP HCM), đau vùng cổ, khó nuốt sau cá chép nhiều ngày.

Xương cá trốn sâu chỗ hiểm, 5 bệnh viện không phát hiện ra - Ảnh 1.

Mảnh xương xuyên sâu ở vị trí hiểm trong thực quản bệnh nhân rất khó phát hiện

Qua chụp X-quang cột sống cổ nghiêng, bác sĩ nghi ngờ có dị vật vùng mặt sau sụn nhẫn (bộ phận của thanh quản). Kết quả chụp CT vùng cổ cho thấy một vật hình que dài khoảng 3 cm, đâm xuyên thành sau hạ họng vào lớp cơ cổ bên. Quanh dị vật có dấu hiệu viêm, tụ dịch, vùng cổ trái đã áp xe.

Qua nội soi vùng họng – thực quản nhưng không thấy dị vật, các bác sĩ phải mổ hở đường cổ và gắp ra được mẫu xương cá dài 3,4 cm. Vùng mô gần thực quản sưng nề, chứa mủ, được hút dẫn lưu mủ và rửa sạch. Ca mổ thành công sau 90 phút.

Theo ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, vị trí hóc xương cá ở sâu (ngang miệng thực quản đi xuống), lại nằm ngay phía sau sụn nhẫn nên khó phát hiện. Hình dạng xương cá dài nhưng mỏng, chụp CT cắt lớp dày có thể bỏ sót dị vật.

"Hóc xương cá, gà, vịt… có thể xử trí đơn giản tại phòng khám chuyên khoa bằng thủ thuật nội soi họng. Trường hợp xương ở sau sụn nhẫn như bà P. khá hiếm gặp. Xương cá đã đâm qua thực quản, xuyên vào các cấu trúc xung quanh. Nếu không xử lý sớm khối áp xe lan rộng gây nhiễm trùng nặng, bệnh nhân có nguy cơ tử vong", bác sĩ Hằng nhấn mạnh.

Chia sẻ