"Xui" cho những người lên Sài Gòn sớm: Quán ăn vẫn còn nghỉ Tết, phải ăn mì gói, đồ khô cầm cự
Không muốn di chuyển xa nên khi các quán ăn gần nơi ở đóng cửa nghỉ Tết, nhiều người đành bấm bụng ăn thức ăn đóng hộp, mì gói hay quà bánh mang từ quê lên.
Năm nay nhiều quán ăn đến mùng 6 tháng Giêng âm lịch mới khai trương bán lại. Ghi nhận tại một số tuyến đường trung tâm Sài Gòn, hàng loạt các quán cơm, phở, hủ tiếu từ mặt tiền vào hẻm đều treo bảng nghỉ bán. Có quán còn "chơi Tết" xả láng đến qua ngày rằm mới bán lại.
Nhiều hàng quán đến mùng 6 tháng Giêng mới khai trương.
Do công việc bắt đầu sớm nên một số người dân nhập cư, người lao động đã rời quê lên Sài Gòn từ mùng 4, mùng 5 Tết. Chỉ có chốn ở mà không có sẵn nơi ăn gần nhà, họ đành bấm bụng ăn những thức ăn còn sót lại của kỳ nghỉ Tết ở quê mang lên.
Quán hủ tiếu này thậm chí đến 11 tháng Giêng mới mở cửa.
Bạn Khánh Băng (24 tuổi, quê Cà Mau) cho biết, vì phải đi làm sớm nên từ 1 ngày trước đã có mặt ở Sài Gòn. Tuy nhiên rảo 1 vòng khu vực quận Bình Thạnh hàng quán đa số đều nghỉ bán.
Khung cảnh vắng lặng tại các hàng quán ở quận Bình Thạnh chiều mùng 5 Tết.
Kể cả quán cơm trong hẻm cũng không ngoại lệ.
"Năm ngoái mình đã chịu đói một lần vì lên sớm, phải đi đến quận 3 tìm quán ăn nên năm nay rút kinh nghiệm, trước khi đi mình kêu gia đình gói cho ít tôm với vài con khô để lên nhà trọ có cái nấu cơm ăn" - chàng thanh niên chia sẻ.
Chủ quán bánh mì đặc ruột cũng tranh thủ đóng cửa du xuân.
Vợ chồng cô Hai (quê Bến Tre) lên Sài Gòn sinh sống từ lâu. Đã mùng 5, thức ăn dự trữ trong nhà cạn dần nhưng quán xá chưa bán nên không thể ăn tiệm. Muốn tiện lợi, hai người đành chạy ra ngoài mua bánh mì không về ăn kèm với xôi.
Lên Sài Gòn sớm, nhiều người lao động phải ăn bánh mì, thức ăn nhanh chống đói.
Vợ chồng cô Hai vừa xem truyền hình vừa ăn xôi.
Xui cho những người ở gần quán cơm chay trên đường Bùi Đình Tuý, quán bán từ mùng 1 đến mùng 4 Tết nhưng đến mùng 5 lại... đóng cửa.
Quán cơm gà này nghỉ hẳn đến 18 tháng Giêng.
"Cũng không vấn đề gì, lâu lâu đổi khẩu vị cũng tốt. Ngày mai là các quán bán hết rồi nên ráng ăn đơn giản một ngày cũng được" - người vợ chia sẻ. Với bạn Hoa, sinh viên trường Đại học Hutech (quận Bình Thạnh), dù chưa có lịch học nhưng cô gái phải lên sớm làm thêm. Trước việc các quán cơm bình dân đóng cửa, mì gói là lựa chọn tối ưu của Hoa để tiết kiệm chi phí.
Nhiều người chọn cách vào quán cà phê ăn kèm các món quán có bán.
Đó cũng là món ưa thích của người lao động nghèo trong những ngày vắng cơm. Chú Thành Long (43 tuổi) chạy xe ôm khu vực quận Gò Vấp cho biết, kinh nghiệm là cứ vào quán cà phê quen kêu nước rồi kêu thêm mì gói là vừa nhanh gọn vừa rẻ.
Các món ăn vặt bán sớm cũng được chọn lựa.
Quán hủ tiếu dọn hàng chuẩn bị bán buôn hôm sau.
Bàn ghế được chở đến sẵn sàng cho một năm làm ăn mới.
Từ giờ cho đến sáng mai, nhịp sống hối hả của Sài Gòn sẽ dần trở lại.