Xuất ngoại siêu tốc nhờ... kết hôn giả
Có thể thấy dòng ngoại hối “chảy” về như nước đã giúp đời sống dân Tam Dị hôm nay “thay da đổi thịt”. Tuy nhiên, hậu quả của con đường xuất ngoại siêu tốc thông qua hình thức kết hôn với người nước ngoài như chị Thêu thì vẫn còn ngồn ngộn đâu đó sau mỗi căn biệt thự cao ngút trời. Khi đi dễ bao nhiêu, giờ về chung chiêng lắm.
Chủ tịch xã: "Chán chẳng muốn nói nữa"
Tôi bị ám ảnh mãi nét hồn nhiên của đứa bé gái năm tuổi chạy chơi vô tư trước sân nhà và đôi mắt người mẹ trẻ đau đáu bao nỗi lo âu, ân hận. Giận, vì cái lúc được tự do nơi xứ người thì ai là người thỏa nguyện thay cho chị? Giận, khi ngoái lại ngôi nhà cao tầng phải ngẩng cao cổ mới nhìn đến tầng thượng. Nhưng rồi lại thấy thương khi nhìn sang nét ngây thơ của đứa trẻ. Các em bé đâu đáng phải chịu hậu quả từ những việc làm mà các em không hề hay biết?
Tôi dừng xe trước cổng UBND xã Tam Dị lúc khoảng ba giờ rưỡi. Bản thân tôi rất muốn có một câu trả lời thấu đáo cho những gì mình tận mắt chứng kiến sau hai ngày lang thang ở Tam Dị. Tuy nhiên, chờ khá lâu sau đó, mặc dù đã trình bày lý do và xuất trình đủ giấy tờ cần thiết, tôi thấy sự xuất hiện của mình bị lờ đi. Mạnh dạn bước vào phòng làm việc của ông Chủ tịch khi đồng hồ chỉ kim giờ và phút đều qua số 4. Ông Chủ tịch Nguyễn Văn Lục nhìn tôi không mấy thiện cảm và chưa kịp nghe tôi trình bày đã tỏ ra gay gắt: "Báo chí? Lại XKLĐ chứ gì? Lại kết hôn giả chứ gì? Những vấn đề này đã phản ánh nhiều quá rồi, có gì để mà nói nữa. Tôi không muốn nói nữa. Nếu hỏi về cái khác thì tôi bố trí người cung cấp thông tin"...
Tôi hơi nóng mặt nhưng vẫn cố nhẫn nhịn trình bày lại ý muốn tìm hiểu xem Tam Dị đã có chuyển biến gì sau sự phản ánh của báo chí thời gian trước đó? Đặc biệt, với những đứa con được sinh ra ở nước ngoài mà chưa có giấy khai sinh sẽ giải quyết ra sao? Sau một hồi nghe tôi phân trần, ông Lục giới thiệu tôi qua phòng tư pháp hộ tịch xã.
Qua trao đổi ông Nguyễn Hữu Thuần, cán bộ tư pháp hộ tịch xã cho biết: "Hiện nay, theo con số thống kê chưa thật chính xác, xã có khoảng 4.000 người đi XKLĐ. Lý do không có con số chính xác là vì nhiều người khi hết hạn hợp đồng lao động ở nước ngoài trở về thì không ra xã báo cáo, chỉ đến khi có việc cần giải quyết liên quan đến thủ tục giấy tờ, họ mới chịu xuất hiện. Trong số đó, có 178 trường hợp xuất ngoại với hình thức kết hôn với người nước ngoài, tập trung chủ yếu ở các thôn Thanh Giã, Đông Thịnh, Đại Lãm, Hà Phú... Nếu nói kết hôn giả thì không đúng, vì việc kết hôn là đã được Nhà nước Việt Nam và nước bạn cho phép, tiến hành đúng thủ tục ở sở Tư pháp và các cơ quan Nhà nước được ủy quyền. Trên cơ sở pháp luật thì mọi thủ tục đều được làm đúng theo quy định ở tất cả các cấp chính quyền. Tuy nhiên, bản thân chúng tôi là những người đại diện cho chính quyền không thể căn vặn và thấu đáo việc họ kết hôn với người nước ngoài có phải là do họ thỏa thuận từ trước hay không để mà ngăn chặn hậu quả rối ren như bây giờ".
Cũng theo ông Thuần, hiện nay, nhiều trường hợp kết hôn đã trở về và chung sống không hôn thú với chồng cũ là người Việt Nam trước đây đã từng ly hôn để được kết hôn với người nước ngoài. UBND xã đang rà soát lại từng trường hợp cụ thể, hướng dẫn họ hợp thức hóa mối quan hệ hôn nhân để có thể khai sinh cho con. "Tuy nhiên, đây là vấn đề không hề đơn giản, bởi thẩm quyền giải quyết thuộc tòa án nhân dân cấp huyện và tỉnh. Bản thân chúng tôi ở cấp chính quyền địa phương chỉ có thể hướng dẫn cho họ. Do nhiều trường hợp bây giờ không tìm được người chồng theo hôn thú bên nước ngoài nên thủ tục có phần phức tạp hơn. Quả thật, vấn đề này còn rất nan giải, chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai", ông Thuần nhấn mạnh.
Hệ lụy từ không tuân thủ luật pháp
Liên quan vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Phan Văn Phất (văn phòng luật sư An Phát Phạm, đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: "Đối với những trường hợp người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài trở về muốn cấp lại giấy tờ tùy thân không quá khó. Nhưng với những đứa trẻ được sinh ra khi cha mẹ không có giấy hôn thú và trên danh nghĩa đã làm thủ tục kết hôn với người nước ngoài thì có thể làm thủ tục xác nhận cha mẹ cho con. Có nhiều cách xác nhận, chẳng hạn, có thể là xác định qua ADN, các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ xác định rõ cha mẹ cho cháu để làm giấy khai sinh, giúp các cháu có đủ thủ tục đến trường".
Pháp luật quy định, mọi công dân đều phải xác định được hành vi pháp lý của mình. Trên thực tế, có nhiều trường hợp vì muốn được xuất ngoại mà bất chấp mọi việc, không lường trước hậu quả sau này hoặc cũng có thể biết hậu quả rắc rối nhưng vì những lợi ích trước mắt mà không màng tới tương lai. "Ví dụ, nhiều người có người thân ở nước ngoài, muốn xuất ngoại dễ dàng nên lấy hôn nhân để hợp thức hóa về mặt nhập quốc tịch. Hoặc có những người bỏ cả đống tiền ra chỉ thuê một người chồng ngoại quốc để được xuất ngoại. Họ chấp nhận đánh đổi. Nếu không ngăn chặn kịp thời và thay đổi nhận thức pháp luật cho người dân thì rất dễ biến thành một vấn nạn", luật sư Phất nhấn mạnh.
Về những câu chuyện đau lòng hậu kết hôn với người nước ngoài, luật sư Phất chia sẻ: "Chuyện ở xã Tam Dị là một bài học cho mỗi cá nhân cần ý thức cao hơn nữa về luật pháp, tránh những hậu quả khôn lường. Mọi công dân nên biết mình có trách nhiệm phải tuân thủ theo hiến pháp và pháp luật Việt Nam, cũng như xác định được hành vi pháp lý của mình. Chính ý thức hành vi pháp luật kém của người dân đã vô tình làm đau đầu các nhà chức trách. Không phải việc làm trái pháp luật nào cũng có thể hợp pháp hóa khi nó đã xảy ra".
Không còn hiện tượng kết hôn giả
"Chúng tôi là cán bộ xã, làm việc tuân thủ pháp luật và quyền, nghĩa vụ của công dân. Nếu có sự thỏa thuận giữa vợ chồng để kết hôn hay ly hôn thì chúng tôi không thể biết mà khống chế được. Tuy nhiên, hậu quả của hình thức "xuất ngoại siêu tốc" nay đã rõ. Nhiều đứa bé sắp đến tuổi đi học vẫn chưa có giấy khai sinh. Hiện nay, tại địa phương, chúng tôi không còn thấy trường hợp nào đi xuất ngoại qua hình thức kết hôn với người nước ngoài nữa", ông Nguyễn Hữu Thuần, cán bộ tư pháp hộ tịch xã Tam Dị cho biết.