Xử phạt hành chính trong giáo dục: Không chỉ nộp tiền là xong
Dư luận đang quan tâm mức phạt tiền từ 5-10 triệu đồng áp dụng với cả giảng viên và người học tại Nghị định 88 được Chính phủ ban hành ngày 26/10 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (Trung cấp, Cao đẳng).
Nghị định này có 2 điều khoản liên quan quy định mức phạt và bồi thường vi phạm hành chính trong trường hợp xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo và người học (chưa đến mức bị truy cứu hình sự). Theo đó, mức phạt được áp dụng từ 5 - 10 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng với người học nếu có hành vi tương tự với nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động trong trường.
Ngoài nộp phạt tiền mặt, người gây ra hành vi phải xin lỗi công khai người bị xúc phạm, trừ trường hợp nạn nhân yêu cầu không công khai. Giảng viên nếu kỷ luật sinh viên sai quy định thì phải hủy bỏ quyết định, khôi phục quyền học tập với sinh viên. Những điều khoản liên quan việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm của giảng viên và người học là điểm mới của Nghị định 88 so với quy định hiện hành.
Nghị định không nêu rõ hành vi xúc phạm, xâm phạm thân thể người học là như thế nào. Trong khi để xác định được hành vi ấy phải có đủ các yếu tố cấu thành tội xâm phạm thân thể thì cần công an vào cuộc. Điều này một khi xảy ra sẽ gây rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến tinh thần của cả người dạy lẫn người học. Hơn nữa, những bạo lực về mặt tinh thần còn không có định lượng để cân đong đo đếm.
Trong quá trình quản lý hồ sơ người học, nếu giảng viên sửa chữa các tài liệu liên quan việc đánh giá kết quả của sinh viên hoặc lập, lưu trữ, bảo quản hồ sơ không đúng quy định, mức phạt được áp dụng là từ 5 đến 10 triệu đồng. Khi thu, giữ, quản lý giấy tờ của sinh viên không đúng quy định, giảng viên bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng. Mức phạt cũ là 2 đến 5 triệu đồng.
Điểm mới nữa của nghị định này là giảng viên bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng nếu tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng trong thời gian được cử đi đào tạo ở nước ngoài hoặc không được tốt nghiệp. Mức phạt tăng lên 40-60 triệu đồng nếu giảng viên lợi dụng việc đi học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật để lao động hoặc ở lại nước ngoài trái pháp luật. Trong trường hợp khai man, sửa chữa hồ sơ để được ra nước ngoài, giảng viên bị phạt 10-20 triệu đồng. Mức phạt tối đa với cá nhân là 75 triệu đồng.
Cần nhưng chưa đủ
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng, cần có sự hỗ trợ của các quy định pháp lý để chấn chỉnh nền nếp, kỷ cương trong các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, giáo dục là môi trường đặc thù nên các hành xử trong nhà trường cần phải lưu ý để đừng gây nên những hệ quả phản giáo dục. Ví dụ một sai phạm xảy ra thì trước hết phải xem xét trên yếu tố giáo dục trước. Nếu mức độ nghiêm trọng thì phải xử lý hành chính, thậm chí là xử lý hình sự. Nhưng trường hợp phải xử phạt hành chính thì nên để các cơ quan chức năng xử lý, chứ không nên để ngành giáo dục xử phạt.
“Tôi nghĩ trong một nhà trường mà chỉ chăm chăm soi xét để phạt tiền cán bộ, giáo viên thì cũng rất khó. Nhà trường không phải đồn cảnh sát. Lỡ tát người học một cái khi họ có hành động, thái độ hư khiến nhà giáo mất kiểm soát mà nhà giáo phải chịu phạt tiền luôn thì tôi e sẽ phản giáo dục. Tôi cũng không đồng tình với cách giáo dục nặng về “roi vọt”. Nhưng trong tình huống đó, mục tiêu giáo dục sẽ không đạt được”, ông Lâm nói.
PGS.TS Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, nêu quan điểm: “Việc áp dụng cơ chế phạt trong lĩnh vực này cần lưu ý và nên đặt trọng số nhiều hơn vào mục tiêu giáo dục thay vì vật chất. Nếu không, nó có thể tạo nên sự bất bình đẳng trong giáo dục”. Do đó, theo ông, nguyên tắc xử lý là phải giáo dục hành vi về sau. Nên nếu phạt hành chính cũng chỉ là phụ, cần phải bổ sung quy định phạt giáo dục, giống như ở nước ngoài, con bắt nạt, bạo hành bạn, phụ huynh phải đi học khóa làm cha mẹ tích cực và quản lý hành vi con cái tích cực.