'Sốc’ vì điểm bài kiểm tra, đánh giá đầu lớp 6 quá thấp: Giáo viên, phụ huynh nói gì?
Nhiều phụ huynh, học sinh “sốc” khi bài kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong học kỳ I, lớp 6 điểm quá thấp. Còn giáo viên, nhà quản lý cho rằng, kết quả bài kiểm tra là để cho giáo viên và phụ huynh cùng giúp cho học sinh tốt lên chứ không phải mang ra để đánh giá học sinh.
Về vấn đề nhiều phụ huynh thấy sốc khi nhận tin điểm con thi quá kém, Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh cho rằng, từ đầu năm đến giờ trường THCS Thái Thịnh không có bài khảo sát đầu năm cho học sinh khối lớp 6.
Quan điểm của thầy Cường, nếu đưa ra bài kiểm tra, đánh giá thì nhà trường cần chỉ ra mục đích bài kiểm tra đó là gì.
Nếu đã là bài kiểm tra, đánh giá thường xuyên của nhà trường thì cần phải làm ở tất cả các môn coi các môn học như nhau chứ không thể nói ba môn kiểm tra là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh là những môn học chính còn các bài kiểm tra môn học khác chỉ là phụ được.
Mặt khác theo thầy Cường, đã là bài thi kiểm tra thì cần có chuẩn đề bài, bài kiểm tra có ma trận đề không, đề thi có thể hiện được ra đề thi phù hợp với đối tượng học sinh hay không?
“Bởi vì nếu bài kiểm tra đầu năm thì kiến thức rất ít ỏi của lớp 6 có thêm có một số kiến thức cũ của lớp 5 thì ma trận đề thi có đáp ứng được hay không?”- thầy Cường nêu vấn đề.
“Việc đó không biết các trường có mang kết quả ra cung cấp cho cha mẹ học sinh hay không? Việc làm này có nhiều cách đánh giá chứ không chỉ là bài kiểm tra, bài khảo sát. Vì có cách thông qua việc dạy học hàng ngày, phát biểu tại lớp, việc đánh giá của các giáo viên bộ môn thì hoàn toàn có thể đánh giá được học sinh.
“Câu chuyện để đánh giá ở các cấp học không chỉ dừng lại ở việc xếp hạng của các cấp học mà để biết việc nắm kiến thức của học sinh ở cấp độ đó thế nào và cải thiện mức độ đó ra sao. Cuối cùng mới là ở đánh giá, xếp loại theo quy định”- thầy Cường nêu quan điểm.
“Với quan điểm của tôi, không nên có bài khảo sát, đánh giá đầu năm. Mà ở đây muốn học sinh ở năng lực nào thì cần sau một thời gian thì các thầy cô bộ môn đó trực tiếp thông báo qua việc trực tiếp với học sinh và thông qua việc giảng dạy trên lớp và kiểm tra thường xuyên của môn học, khi đó giáo viên nắm bắt năng lực của từng học sinh ở bộ môn mình. Trên cơ sở đó phối hợp với giáo viên và cha mẹ học sinh để giáo dục tốt lên, có thể bù đắp kiến thức cho học sinh.
"Kết quả kiểm tra quá thấp là do đâu?, thầy Cường cho rằng, điều quan trọng nhất là tìm ra giải pháp chứ không phải tìm ra nguyên nhân. Phụ huynh sẽ cùng với giáo viên, bù đắp kiến thức, kĩ năng cũng như tâm lý cho học sinh”- ông Cường nói.
Học sinh đi học thêm quá nhiều, sao điểm thi vẫn thấp?
Có một thực tế, nhiều học sinh được phụ huynh đầu tư đi học liên tục, không kể ngày nghỉ mà bài thi điểm vẫn thấp?
Anh Nguyễn Minh Tùng (Hà Nội) cho hay, thực sự con anh được học nhiều hơn thế hệ anh trước đó nhưng sao điểm vẫn kém. Anh Tùng cho rằng, một tuần con anh đã học 3 buổi học thêm ở trường cho ba môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Ngoài ra, con anh cũng còn đi học 2-3 thầy cô khác nữa nên lịch kín mít cả tuần. Tuy nhiên, con anh có những bài thi đạt điểm rất thấp mà thậm chí ở những câu hỏi cực dễ. Vợ chồng anh choáng váng khi bài khảo sát đầu năm cũng như kiểm tra định kỳ 1,2 tháng vừa qua đều chỉ dưới điểm trung bình.
“Tôi đã nói chuyện với con và vợ mình về vấn đề con học thêm quá nhiều mà không hiệu quả. Thay bằng đi học liên miên cả tuần như trước, tôi phải tính giảm bớt thời gian đi học thêm để có thời gian học ở nhà”- anh Tùng chia sẻ.
Hiệu trưởng một trường THCS ở huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, tưởng khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới thì học sinh sẽ bớt đi học thêm nhưng thực tế không phải vậy.
“Chính tôi đã được nhiều phụ huynh đề nghị dạy môn Văn thêm cho con cái họ. Vì tôi từ chối, phụ huynh tìm ngay thêm 2,3 thầy cô khác cho con đi học để.... yên tâm. Sự thực là có một bộ phận phụ huynh quá ép con. Khi con học quá nhiều không có thời gian ở nhà thẩm thấu kiến thức thầy cô dạy nên việc học kém vẫn hoàn kém”- vị hiệu trưởng này chia sẻ.
Mặt khác, theo vị hiệu trưởng này, chính áp lực của phụ huynh lên các con quá lớn chuyện bắt con đi học ở nhiều thầy cô giáo cùng bộ môn khác nhau đã làm con không giỏi lên mà còn có khả năng học kém đi.
"Có học sinh hàng ngày được "bủa vây" bởi rất nhiều giáo viên bộ môn. Phụ huynh không tiếc tiền chi tiền cho con học thêm mong con giỏi. Có thầy cô chỉ chuyên dạy để làm bài tập, có thầy cô chuyên ôn luyện nâng cao. Học sinh gần như về nhà là không có thời gian ngủ nghỉ, lấy đâu thời gian ngồi ôn lại bài trên lớp"- vị hiệu trưởng này cho biết.
Cô giáo Đỗ Ngọc Dung, giáo viên dạy môn Hóa trường THCS Dương Liễu, Hà Nội chỉ ra rằng, có một thực thế là nhiều học sinh không có khả năng tự học, tự làm bài.
Cô Dung cho rằng, có nhiều gia đình đi học về cho con ăn tạm rồi “tống” con đến nhà cô giáo nhờ cô kèm để làm bài.
“Sau một thời gian dài con dựa dẫm vào sự hỗ trợ của giáo viên nên không có khả năng tự học, đến khi lên cấp 2 học hành sa sút hẳn. Nhiều học sinh ỷ lại việc đi học thêm không nghe giảng trên lớp nên kiến thức hổng dần”- cô Dung chia sẻ.
Cô Dung cũng cho rằng, nhiều cha mẹ bây giờ là “trăm sự nhờ thầy cô”. Tuy nhiên, sự tiến bộ lại phụ thuộc vào từng học sinh: “Nhiều phụ huynh luôn muốn nhanh chóng con mình bỗng một ngày trở lên giỏi. Nhưng giáo viên có phải là thánh đâu mà hô biến thế được. Việc học phải từ từ, kiến thức tự ngấm vào chứ không phải như ăn là xong”- cô giáo này cho biết.