Xử lí xác hiến - nghề đầy thử thách và nhiều hy sinh

TT,
Chia sẻ

Sau khi tiếp nhận những xác chết hiến tặng, bộ phận xử lí xác phải thao tác tỉ mỉ, cẩn thận như thể chăm sóc người đang sống vậy.

Hiến xác là hành động đẹp cho y khoa

Hiến xác là hành động tự nguyện của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân, có ý nghĩa cao đẹp, nhằm phục vụ cho hoạt động nghiên cứu của y khoa. Bác sĩ Lê Quang Tuyền (Bộ môn Giải phẫu - ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch) từng cho biết: Từ khi thành lập đến nay, phòng bộ môn đã nhận được khoảng 3.600 hồ sơ xin hiến xác, và thực tế đã nhận được 150 xác, trong đó hiện có hơn 60 xác đang được lưu giữ tại bệnh viện để sử dụng cho công tác nghiên cứu.

Những ai muốn hiến xác sẽ làm phiếu đăng kí tự nguyện, một bản lưu tại bệnh viện và một bản do người thân giữ. Khi đối tượng mất, thân nhân của người hiến xác sẽ báo tin cho bệnh viện đến nhận xác trong vòng 24 giờ.

Lần mở hồ sơ, chúng tôi bắt gặp nhiều thành phần và đối tượng hiến xác khác nhau. Chúng tôi ấn tượng trước lá phiếu của Nguyễn. Nhựt. H. (SN 1991). Phiếu được kí vào ngày 8/6/2006, khi ấy anh mới 15 tuổi, tấm ảnh 3x4 dán ở góc trái là tấm ảnh anh mặc áo trắng học sinh, có đeo khăn quàng đỏ.

Góc bên phải của đơn có ghi chú: Đã nhận xác ngày 13/5/2012. Ông Hoàng Duy Hòa (Trưởng bộ phận tiếp nhận và xử lí xác) chia sẻ: “Nhựt H. là đối tượng nghiện ma túy. Có lẽ cậu ấy hiến xác vì muốn ít ra khi nằm xuống mình cũng có thể giúp ích cho xã hội, chứ không hoàn toàn là con nghiện báo hại gia đình. Cậu cũng từng nhiều lần cai nghiện nhưng không thoát được lối cũ. Tháng 5/2012, sau khi “phê thuốc” quá liều và tham gia đánh lộn, H. bị sốc thuốc mà chết. Người nhà đã gọi cho bệnh viện để hoàn thành tâm nguyện của cậu ấy”.

Xử lí xác hiến - nghề đầy thử thách và nhiều hy sinh 1
Phòng thực hành giải phẫu của sinh viên. Mỗi hòm chứa một xác đã qua xử lí. Khi thực hành, sinh viên sẽ mở hòm, nâng xác lên.

Xử lí xác hiến - nghề đầy thử thách và nhiều hy sinh 2
Thiết Đồ là những lát cắt cơ thể, được ngâm trong phóoc - môn để bảo quản, dùng làm dụng cụ trực quan trong y khoa.

Công việc xử lí nhiều thử thách

Hiện Bộ phận xử lí xác có ba thành viên: Ông Hoàng Duy Hòa (SN 1953, Trưởng bộ phận), anh Nguyễn Thái Bình (SN 1976), anh Tân Lộc (SN 1989). 

Xử lí xác hiến - nghề đầy thử thách và nhiều hy sinh 3
Anh Tân Lộc giới thiệu về thiết đồ.

Xử lí xác hiến - nghề đầy thử thách và nhiều hy sinh 4
Anh Nguyễn Thái Bình. Chính các anh làm nhiệm vụ cắt lát, tạo ra những thiết đồ

Xử lí xác hiến - nghề đầy thử thách và nhiều hy sinh 5
Phòng làm việc, nghỉ ngơi của hai anh cạnh phòng xử lí và ngâm xác.

Những xác hiến khi nhận về sẽ được tắm rửa, bơm hóa chất bằng bình áp suất vào người để đẩy hết mầm bệnh, vi khuẩn, chất thải trong người ra ngoài.

Nếu xử lí dạng xác tươi, xác sẽ sớm được đưa vào phòng lạnh, ướp và lưu giữ. Đối với thi thể xử lí dạng xác khô, sau 15 ngày xác sẽ được chuyển sang giai đoạn ngâm hóa chất. Xác khô sẽ được sinh viên y khoa dùng vào việc mổ xẻ, nghiên cứu trực quan. Cũng có những xác được cắt lát ra, ngâm trong phóoc - môn, được gọi là thiết đồ, để người học quan sát, nghiên cứu. Những sinh viên chuyên về bộ phận nào (não, khớp, gan, thận,…) sẽ dùng một thiết đồ tương ứng để nghiên cứu.

Với công việc này, người làm phải rất can đảm. Về góc độ tâm linh, anh Lộc tâm sự: “Chúng tôi không nghĩ gì cả, chúng tôi tôn trọng họ vì đã hiến xác cho y khoa. Chúng tôi cũng không làm gì sai trái trong cuộc sống nên hoàn toàn an tâm”.

Về mặt sức khỏe, các anh khẳng định: “Chắc chắn có ảnh hưởng vì chúng tôi phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất và xác người chết.”

Xử lí xác hiến - nghề đầy thử thách và nhiều hy sinh 6
Những dụng cụ bơm hóa chất trong phòng xử lí.

Khi chúng tôi vừa bước vào phòng thiết đồ thì mắt có cảm giác cay xè, do phóoc - môn xộc ra từ những lồng kính đang ngâm các lát cắt cơ thể. Ngay tại phòng xử lí xác khi mới mang xác về và ngâm, mùi hóa chất cũng rất đậm trong không khí.

Xử lí xác hiến - nghề đầy thử thách và nhiều hy sinh 7
Với công việc này, các anh phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất. Ảnh: Bồn chứa các xác hiến.

Ông Hoàng Duy Hòa đã có hơn 19 năm gắn với nghề này. Trước ông là một người tên Sự, đã mất vì bị ưng thư. Riêng ông Hòa đã mắc phải ung thư a-mê-đan và đang bước vào giai đoạn điều trị bằng hóa chất, xạ trị. Không giải thích cặn kẽ tại sao mình lại gắn với bó công việc này, chú Hòa chỉ khẳng định: “Ở bất cứ môi trường nào, để mọi thứ diễn ra tốt đẹp, luôn cần có những hy sinh”.

Xử lí xác hiến - nghề đầy thử thách và nhiều hy sinh 8
Ông Hoàng Duy Hòa khi còn khỏe. Hiện sức khỏe ông đã giảm sút rất nhiều.

Anh Lộc là người trẻ nhất nhưng đã bắt đầu làm việc tại đây khi mới 18 tuổi cho đến nay - đã là 7 năm. Khi được hỏi, “bạn bè và người thân có ý kiến gì việc anh làm không”, anh Lộc chia sẻ: “Khi gặp lại bạn bè cũ, biết tôi làm công việc này, họ cũng rất ngạc nhiên. Có vài người cũng khuyên nên làm việc khác, nhưng tôi đã gắn bó với nghề 7 này năm, đi từ bỡ ngỡ đến thạo việc. Giờ tôi xem nó như một công việc nghiêm túc.” Anh Lộc cũng đã kết hôn. Vợ anh từng học tại đây nên chị rất cảm thông cho anh.

Luôn tôn trọng người chết

Vào khoảng cuối tháng 12 âm lịch, ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch thường tổ chức Lễ Macchabée - Lễ Tri Ân Những Người Hiến Xác. Buổi lễ có sự tham dự đông đảo của giảng viên, sinh viên và gia đình những người hiến thân cho khoa học. Những nghi thức thành kính nhất sẽ diễn ra: viếng thăm, dâng hoa, thắp hương, đọc diễn văn tưởng nhớ công lao những người hiến xác.

Xử lí xác hiến - nghề đầy thử thách và nhiều hy sinh 9
Phòng thực tập được trang trí để làm Lễ tri ân những người hiến xác. Vào dịp này, gia đình sẽ vào thăm lại thân nhân của mình. (Ảnh Tư liệu)

Bình thường, gia đình người hiến xác vẫn có thể vào thăm lại người thân. Khi ấy, nhiệm vụ của bộ phận xử lí là tắm rửa lại những cái xác, đặt ngay ngắn lên bàn, phủ vải trắng nghiêm túc để người nhà có thể thăm, nhìn. Có trường hợp vì quá luyến tiếc người thân, một năm người nhà vào thăm nhiều lần, bộ phận vẫn vui vẻ đáp ứng.

Và dĩ nhiên điều đó cũng khiến bộ phận khá vất vả: “Nếu xác chết nằm trong phòng lạnh thì dễ dàng mang ra vào. Nếu sau một năm, xác đang được ngâm trong bồn Phóoc - môn, da xác sẽ có màu đỏ vàng. Chúng tôi phải rất vất vả trong việc tắm rửa để xác lại có da vàng như đang còn sống và chúng tôi phải chịu đựng mùi hôi của hóa chất”. Nhưng dù vất vả mấy, các anh cũng không hề phàn nàn: “Họ hiến xác là hành động rất cao cả, nên chúng tôi luôn tôn trọng họ”. 

Cũng có trường hợp xác mang về rồi, đang xử lí, nhưng những thân nhân từ xa về muốn đổi ý, bộ phận vẫn trả lại để họ chôn cất như bình thường. Cũng có trường hợp đi nhận xác nhưng về tay không. Anh Bình ví dụ về trường hợp gần đây nhất: “Người hiến xác này ở Bạc Liêu. Do phải nhận xác trong vòng 24 giờ, nên khi người nhà gọi báo thì chúng tôi tức tốc đi ngay. Nhưng khi vừa đến khu vực Cần Thơ, những người thân khác đổi ý, chúng tôi đành quay về không”.

Những xác hiến sau khi dùng xong cho hoạt động nghiên cứu sẽ được hỏa táng, liên hệ thân nhân nhận về như yêu cầu trước đó, nếu không sẽ được thờ phụng chung tại Bàn thờ Tri ân của Bộ môn Giải Phẫu. 

Xử lí xác hiến - nghề đầy thử thách và nhiều hy sinh 10
Ông Hoàng Duy Hòa thắp hương trước Bàn thờ Tri ân vào mỗi trước và sau giờ làm.

Được biết, mỗi năm bộ phận được tiếp nhận từ 12 - 15 xác hiến.

“Có thể nói Giải phẫu là một trong những môn học đáng nhớ nhất đối với sinh viên Y. Đáng nhớ không chỉ vì tầm quan trọng, sự "khó nuốt" của nó, mà còn bởi đây là môn học mà chúng tôi nhận được sự hướng dẫn của “những người thầy thầm lặng”.

Họ đã biến cơ thể mình thành ngôn ngữ tối ưu nhất để truyền đạt kiến thức cho sinh viên. Chúng tôi mãi mãi biết ơn sự hy sinh cao cả này. 


Đồng thời chúng tôi rất biết ơn Bộ phận xử lí xác đã không ngại khó khăn, mang đến cho sinh viên những người thầy thầm lặng ấy”. (Một sinh viên ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch nêu cảm nhận)

Chia sẻ