Xu hướng tiêu dùng bằng thẻ hoặc chuyển khoản của chị em văn phòng đang ngày càng nở rộ

Hồng Nhung,
Chia sẻ

Không tiền mặt, không thẻ ngân hàng, đôi khi là cả không ví, hành lý đi làm của nhiều người làm việc ở văn phòng chỉ là chiếc smartphone mà vẫn đáp ứng nhu cầu tối ưu đến không ngờ.

Không thích dùng tiền mặt

7 giờ sáng chuông báo thức reo, mất 15 phút để Quỳnh Lan, 26 tuổi hiện là một nhân viên văn phòng ở TP Hà Nội làm các thao tác vệ sinh cá nhân, thay đồ, sau đó “book” một cuốc xe công nghệ tới văn phòng lúc 7:30 mà vẫn có khoảng 30 phút thảnh thơi ăn sáng, uống cà phê tại quán cà phê ngay cạnh văn phòng. Cô nàng mất thêm vài giây thanh toán qua việc quét mã QR trên app di động rồi về văn phòng bắt đầu giờ làm việc.

Buổi trưa, vừa muốn ăn ngon lại vừa muốn ngủ trưa tại văn phòng, Lan lướt ngón tay qua các cửa hàng bán đồ ăn online trên app điện thoại rồi chọn 1 phần ăn ngon mắt, được bạn bè “review” là vừa miệng rồi thong dong đọc vài bài báo mạng chờ đồ ăn tới.

Có 1 sự thật nhiều chị em văn phòng đa số "rất lười" tiêu tiền mặt, thậm chí đi làm không có đồng tiền nào trong người  - Ảnh 2.

Quỳnh Lan rất ít khi sử dụng tiền mặt vì thanh toán online rất tiện lợi lại nhanh chóng. Ảnh: NVCC.

Điểm chung của các bạn trẻ đang làm việc tại văn phòng hiện nay là đều được đáp ứng nhanh các nhu cầu nhờ cách thanh toán nhanh gọn lẹ không cần tới tiền mặt từ các ví điện tử, thẻ visa hoặc app trên điện thoại di động. Nhanh chóng, tiện gọn và đặc biệt là đều không có sự xuất hiện của tiền mặt vì các giao dịch đã được thanh toán thông qua internet banking của các ngân hàng. Vì vậy, “hành lý” khi đi làm của họ thường chỉ là một chiếc smartphone.

Phương Trang (nhân viên văn phòng tại Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Mình dùng ví điện tử và thẻ master là chủ yếu. Nhớ có lần trong người còn không đủ 15k để mua bánh mì ăn sáng, phải ghé một cửa hàng lớn mua bánh mì giá 30k rồi quẹt thẻ trả tiền. Khi đi làm có vé tháng gửi xe không mất tiền, ăn uống bữa trưa cũng quẹt thẻ thanh toán, đến bữa tối gọi đặt hàng giao về nhà cũng thanh toán bằng ví điện tử. Trong ngày mình rất ít hoặc không cần dùng tới tiền mặt luôn cũng được.

Chính vì thế, ví tiền của mình hầu như đều trong tình trạng không có hoặc có rất ít tiền mặt. Thu nhập sau khi về thẻ mình sẽ gửi tiết kiệm, số còn lại dành chi tiêu luôn mà rất ít khi rút ra. Cũng có nhiều lúc gặp trường hợp điện thoại hết pin hay mạng lỗi thì dở, nhưng quen kiểu chi tiêu quẹt thẻ mất rồi nên không có tiền trong người mình cũng lười ra cây rút".

Trong ví của Hoàng Ngân rất ít tiền mặt hoặc có hôm là không có như thế này. Ảnh: NVCC.

Hoàng Ngân (30 tuổi, Hà Nội) cũng đã có đủ thời gian để coi việc không sử dụng tiền mặt là 1 thói quen. Ngân thì có tâm lý không muốn tiêu tiền mặt vì sợ rút ra bao nhiêu cũng hết nên để tiền trong thẻ, khi cần thì chuyển khoản. "Mình thấy xung quanh đồng nghiệp và bạn bè cũng vậy. Có lần mua đồ online mà lỡ quên thanh toán chuyển khoản, ship cod khoảng 400k-500k, chạy đi mượn tiền cả công ty nhiều khi không được.

Mình thấy chỉ trừ những người hay nhận tiền mặt thì hầu như đều sử dụng tiền trong thẻ là chủ yếu. Thấy cũng may là mấy cô chú bán cơm, bán sinh tố, bán xôi, bán bún quanh công ty đều đã có nhận chuyển tiền qua banking và ví điện tử rồi nên chúng mình mỗi giờ trưa cũng chỉ cần mang theo chiếc điện thoại để thanh toán là xong".

Được giảm giá thành sản phẩm, cước sử dụng tội gì mà không thanh toán online

Đồng tình với các ý kiến trên, Hà Nguyễn (32 tuổi, sống tại Sài Gòn hiện đang làm cho 1 công ty công nghệ) cho rằng giờ thì ai cũng có thói quen ít chi tiêu bằng tiền mặt hơn mà chủ yếu là chuyển khoản hoặc quét QR. Bởi thanh toán kiểu này ngoài nhanh chóng, tiện lợi thì còn được mã giảm giá nhiều hơn so với việc thanh toán bằng tiền mặt.

"Ví dụ ngồi ở công ty làm việc nhưng mình cũng vẫn nộp được tiền điện nước, hóa đơn ở nhà bằng thẻ và ví điện tử. Thay vì phải đến đúng địa chỉ đã định sẵn, chờ tới phiên thanh toán thì ở nhà và thanh toán trên điện thoại, máy tính cũng xong. Tất cả thao tác này chỉ mất khoảng vài phút, không phải lo nghỉ việc về nộp tiền hay di chuyển trên đường. Đối với người bận rộn hoặc phải điểm danh sớm ở văn phòng thì việc thanh toán như thế là tiện nhất".

Bên cạnh đó, việc thanh toán kiểu này cũng có nhiều ưu đãi giúp giảm giá thành sản phẩm, giảm giá cước sử dụng. Điều này thực sự có lợi và đánh trúng tâm lý của người mua. "Nếu mình nạp thẻ 100k bằng tiền mặt thì mình mất đúng 100k. Nhưng nếu nạp thẻ điện thoại qua ví điện tử, giảm 20% thì mình chỉ mất 80k là mua được chiếc thẻ 100k rồi. Hay đặt đồ ăn, nước uống buổi trưa cũng có mã giảm giá sản phẩm, rồi mã freeship,... Còn rất nhiều ưu đãi giảm giá khác từ mua hàng, đồ gia dụng, điện tử, đặt đồ ăn, đặt nước uống... mà mình nhận được khi thanh toán online. Bởi thế tội gì mà không dùng".

Có một sự thật nhiều chị em văn phòng đa số "lười" tiêu tiền mặt, thậm chí đi làm không có đồng tiền nào trong người  - Ảnh 4.

Thanh toán không tiền mặt ngoài nhanh chóng, tiện lợi thì còn được mã giảm giá nhiều hơn so với việc thanh toán bằng tiền mặt. Ảnh: NVCC.

Thói quen được hình thành

Thói quen thanh toán của nhiều người đã thay đổi, từ chỗ dùng tiền mặt chuyển qua thanh toán online qua ngân hàng điện tử, qua thẻ hoặc ví điện tử. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt và việc đẩy mạnh truyền thông về những lợi ích của các phương thức thanh toán mới cũng góp phần thay đổi hành vi của người dùng. Từ việc “nghe” nhiều người “dùng thử” và ngày càng thấy được hàng loạt tiện ích mà phương thức thanh toán này mang lại.

Trước dịch dù đặt hàng online nhiều nhưng người dùng chủ yếu trả bằng tiền mặt. Sau dịch, thói quen tiêu dùng mới đã được tạo ra và xu hướng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới vì hàng loạt lợi ích như tiết kiệm thời gian, công sức đi lại mà lại lợi hơn do được hưởng các khuyến mãi, ưu đãi từ ngân hàng, ví điện tử.

Đơn giản, nhanh chóng, hiện đại cùng những tính năng hữu dụng giúp các giao dịch không dùng tới tiền mặt hạn chế được các rủi ro do nhớ quên, tính toán nhầm, giúp quản lý tài chính cá nhân tối ưu hơn. Nó ngày càng chứng tỏ ưu thế và tăng độ phủ, đi sâu vào đáp ứng các hoạt động hàng ngày của đa phần người dùng văn phòng, nhất là tại các thành phố lớn giúp sống và tận hưởng cuộc sống nhiều hơn nhờ tiết kiệm thời gian, công sức và cả tiền bạc.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, bình quân 1 tháng có khoảng 15 triệu người sử dụng internet banking và mobile banking. Ước tính, một ngày Việt Nam có khoảng 30 triệu giao dịch thanh toán.

Các số liệu trên cho thấy, phương thức thanh toán tiền mặt đang giảm dần, thay vào đó là xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, vì đem lại nhiều lợi ích, đặc biệt ở những người trẻ vì sự năng động, nhạy bén với công nghệ và sự cởi mở với các phương tiện thanh toán mới.

Chia sẻ