Xu hướng mới: Mua nhà xa trung tâm
2 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp trong những lĩnh vực may mặc, logistics, ngân hàng… đều đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm bắt nhịp với đà hồi phục kinh tế. Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản lại bắt nhịp khá chậm.
Nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) cho biết, tính từ sau Tết đến nay, dù đã qua “tháng Giêng là tháng ăn chơi” nhưng chỉ có khoảng 60% nhân viên môi giới "full-time" quay lại làm việc. Về lý do, phía DN BĐS cho biết do thị trường hiện vẫn còn khó khăn, thanh khoản thấp, giao dịch chỉ đến từ khách hàng có nhu cầu ở thực, ít người mua để đầu tư. Khác với những năm trước, khách hàng hiện nay rất khó tính, họ yêu cầu nhà đất phải rõ ràng pháp lý, giá phải rẻ... nên không phải DN, nhân viên môi giới nào cũng đáp ứng được.
Đại diện Công ty CP Housezy - chuyên cung cấp dịch vụ môi giới BĐS cho biết, nhân viên môi giới ít quay trở lại công việc là do lượng khách có nhu cầu mua nhà đầu năm “nhỏ giọt”, đi làm cũng không có thu nhập nên họ quyết định nghỉ thêm hoặc làm việc khác.
Ông Phạm Kế Hưng - người đã hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS hơn 5 năm cho biết, liên hệ khách cũ để dẫn đi xem nhà nhưng họ từ chối vì bận công việc đầu năm. Liên hệ với những khách hàng khác nhưng họ đều nói không có nhu cầu. Trong khi đó, giá nhà chủ đầu tư đưa ra quá cao. Cho dù có nhiều người “hỏi thăm” nhưng cũng chỉ là để biết, còn thì hầu hết đều lắc đầu quay đi.
Tuy nhiên, thị trường BĐS cũng đang xuất hiện động thái mới: Đó là mua nhà xa trung tâm thành phố. Trước hết, do giá rẻ hơn, có thể lo được nguồn tài chính cần thiết mà không phải vay mượn quá nhiều. Tuy nhiên đó không phải tất cả.
Nhiều người có tài chính cá nhân ổn định đang chọn mua nhà xa trung tâm thành phố cho biết, do các dự án xây dựng ở những khu vực này thường tập trung vào việc phát triển các khu đô thị xanh, mang lại môi trường sống trong lành và thoáng đãng. Có nghĩa là họ mua “đón đầu” xu thế.
Phát triển đô thị theo hướng xanh đang trở thành một xu thế toàn cầu để giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển đô thị. Việt Nam hiện đang trên đà đô thị hóa và phát triển nhanh chóng, với tốc độ đô thị hóa tăng từ 30,5% vào năm 2010 lên hơn 42,6% vào năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Mục tiêu là đạt ít nhất 45% vào năm 2025 và trên 50% vào năm 2030.
Thông tin từ Bộ Xây dựng cũng cho biết, đến tháng 10/2023, Việt Nam có tổng cộng 902 đô thị với các loại khác nhau. Mỗi năm, dân số các đô thị ở Việt Nam tăng thêm khoảng từ 1 đến 1,3 triệu người.
Trong bối cảnh đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng, việc kiểm soát có lúc có nơi còn thiếu chặt chẽ dẫn đến tình trạng thiếu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, làm mất đi cảnh quan đô thị và gây ra nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông. Đặc biệt, tại các đô thị lớn, vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do cơ sở hạ tầng bị quá tải và an ninh xã hội không được đảm bảo.
Một trong những thách thức lớn là việc ô nhiễm không khí đang ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố lớn. Chính vì thế nhu cầu về không gian xanh đang ngày càng tăng cao, nhất là trong giới trẻ, những người có ý thức về một môi trường sống bền vững.
Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật của Bộ Xây dựng, tỷ lệ cây xanh trên đầu người ở các đô thị Việt Nam rất thấp, chỉ từ 2 đến 3 m2/người, so với mức tối thiểu 10 m2/người theo tiêu chuẩn của Liên hợp quốc; và xa hơn nữa là 20 - 25 m2/người theo tiêu chuẩn của các thành phố hiện đại trên thế giới.
Thực tế thì tại các đô thị, do quỹ đất trung tâm gần như đã khai thác hết và nhu cầu mở rộng nên vùng ngoại ô được ưu tiên phát triển. Đặc biệt, tại Hà Nội, TPHCM, các khu đô thị mới mọc lên ngày một nhiều ở vùng ven. Những dự án xây dựng này có kết cấu hạ tầng khá đồng bộ, thuận lợi cho cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Về khoảng cách, từ nhà ở ngoại thành vào trung tâm cũng thuận tiện hơn khi mà giao thông mở mang, phương tiện cá nhân cũng như phương tiện công cộng tăng cường. Trước đây, với 1 người mua nhà, cách trung tâm 10km đã là xa. Thì nay, con số đó đã lên ở mức trên dưới 20km.
Được sống trong không gian xanh, tránh được ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, nhưng vẫn còn đó những băn khoăn, bất tiện. Ngoài việc phải đi về xa hơn trong ngày, thì nhiều gia đình trẻ sống trong chung cư ngoại ô cho biết họ rất khó giải quyết việc chỗ ở cho con cái, do trường học thiếu. Việc tìm trường cho con, đưa đón con đi học là cả một vấn đề. Cùng đó, cơ sở y tế cũng không “song hành” với đô thị mới. Ốm đau vặt không nói, nhưng nếu cần điều trị chuyên sâu thì lại phải tìm vào các bệnh viện ở khu vực trung tâm thành phố, vừa mệt mỏi lại thêm lắm nỗi lo toan.