Xót xa chuyện bà mẹ 3 lần tự tử, 6 lần đào mộ chôn con
Bà Đào Thị Kiều (Sinh năm 1951, ngụ tại xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) sinh được 8 người con nhưng đến 7 người bị nhiễm chất độc màu da cam. Bà đã 6 lần dùng tay móc đất chôn từng đứa con xấu số...
Cuộc đời lận đận
Từ khi 6 tuổi, bà Kiều đã theo mẹ nhặt ve chai gần sân bay Biên Hòa để mưu sinh. Năm 19 tuổi, bà bén duyên với người đàn ông lớn hơn mình 6 tuổi, tên Lâm Bá Trung. Tưởng rằng cuộc sống của họ bình yên hạnh phúc nhưng rồi sau đám cưới, người chồng bị bắt đi quân dịch tại chiến trường Quảng Trị. Hai tháng sau ông trở về với người đầy thương tích.
Một năm sau, bà Kiều sinh hạ được đứa con gái đầu lòng tên Lâm Kim Liên. Lúc đầu Liên phát triển bình thường, cũng biết cười, biết khóc nhưng khi 2 tuổi bắt đầu có những biểu hiện lạ: không phải ứng trước tiếng gọi, không cảm nhận được sự nựng nịu của người thân. Bác sĩ cho biết đó là nguyên nhân của di chứng nhiễm chất độc màu da cam từ ba mẹ.
Gia đình bà không rõ đó là hậu quả của những ngày bà nhặt từng miếng đồng nát có nhiễm thứ chất độc quái ác kia, do Mỹ rải vào những năm 1961 tại Chiến khu Đ (nay là huyện Vĩnh Cửu); hay do hai tháng ông ở Quảng Trị.
Bà Kiều không còn nước mắt để khóc thương cho đời mình.
Từng đứa con bị dị tật
Không nguôi hy vọng, vợ chồng bà tiếp tục sinh thêm người con thứ 2, thứ 3 rồi đến người thứ 7. Nhưng tất cả đều chung một biểu hiện, miệng ú ớ, chân tay teo dần.
Mỗi buổi sáng thức dậy, trước khi đi làm bà Kiều lại nấu một nồi cháo thật lớn độn đủ thứ các loại rau, củ xin được từ chợ chăm cho con ăn. Chiều về bà lại ẵm từng đứa con ra giếng nước để tắm đút từng muỗng các con rồi tắm rửa. Cuộc sống cứ thế kéo dài hơn mấy chục năm qua, đôi tay gầy của bà dường như chưa bao giờ nghỉ ngơi. Mặc dù những người con sống thực vật, nhưng mỗi ngày bà Kiều luôn dành thời gian trò chuyện, ôm ấp các con. “Bé Liên lớn rồi đó, phải nhường quần áo đẹp cho em Phương.”. “Bé Anh đừng lấn sang chỗ chị Bích nhé!”...
Chăm sóc đứa con đầu Lâm Kim Liên
Bà Kiều không thể nhớ rõ 6 người con mất vào năm nào. Chỉ biết rằng, có có đứa chưa đến một tháng, có đứa 2, 3 tuổi. Người con vừa mới mất Lâm Ngọc Hường vào năm 2010 ở tuổi 37.
Ngôi nhà tranh của bà chỉ có hai phòng được ngăn bởi miếng vách gỗ. Từng đứa con ra đi, từng miếng gỗ ván được cạy ra đóng làm quan tài. Bà Kiều xót xa: “Nhà nghèo, khi mấy đứa con mất ôi không thể mua cho bộ quần áo khăn tang phải dùng giấy đỏ quấn quanh thi hài”. Một tay bà bới, đào từng huyệt để chôn từng đứa con. 6 lần đào mộ, lấp đất; 6 lần đeo khăn tang - nỗi đau đó mà không thể diễn tả được bằng lời.
Ngôi nhà trống trơ, buồn lạnh, chẳng có vật gì đáng giá.
Di ảnh của chồng và chân dung của con.
3 lần tự tử
Chồng con đau ốm liên miên, một mình bà là trụ cột chèo chống cho cả gia đình. Để có tiền lo thuốc thang, đong gạo nuôi chồng con, bà phải lặn lội khắp các mỏ đá ở Biên Hòa (Đồng Nai), Bình Dương xin làm phu đá với những đồng tiền công ít ỏi. Khi các mỏ đá đóng cửa, bà một thân một mình lên tận huyện miền núi Định Quán (Đồng Nai) xin làm rẫy thuê.
Được đồng tiền nào bà lại dành dụm gửi về nuôi chồng con, phần mình thì kiếm đu đủ, sắn, chuối xanh nấu cháo ăn qua ngày. 6 lần mất con, thêm gia cảnh nghèo khó, khiến lòng bà lâu nay cứ tích tự một nỗi uất nghẹn, bi quan. Mỗi khi yếu lòng bà lại muốn tự tử.
Được đồng tiền nào bà lại dành dụm gửi về nuôi chồng con, phần mình thì kiếm đu đủ, sắn, chuối xanh nấu cháo ăn qua ngày. 6 lần mất con, thêm gia cảnh nghèo khó, khiến lòng bà lâu nay cứ tích tự một nỗi uất nghẹn, bi quan. Mỗi khi yếu lòng bà lại muốn tự tử.
Bàn tay của bà sưng tấy, co lại rất khó.
Lần đầu tiên, bà đã lấy thuốc tây trộn lẫn thuốc bắc để uống nhưng may mắn được hàng xóm vô tình phát hiện và đưa lên bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cấp cứu.
Gần một năm sau, cuộc sống khổ cực, không chịu được cảnh nợ “ngập đầu” một lần nữa bà lóe lên ý tưởng ích kỉ. Lần này, sau đi làm ruộng về bà đã ghé vào tiệm phân bón mua chai thuốc rầy để uống. Vừa mở nắp chai, mùi thuốc bay nồng nặc, ông Trung ngửi thấy đã vội chạy ra sau vườn ngăn cản vợ.
Lần thứ 3, khi bà cầm chai thuốc sâu mang ra phía góc nhà để uống, trong lúc đó cô gái út Minh Nhẫn lẽo đẽo tìm mẹ đã ngửi thấy mùi hôi vội chạy vào nhà kéo áo ba: “Ba ơi mẹ đang cầm chai gì đó bay mùi hôi lắm”. Ông lại lết cơ thể đau yếu ra chỗ vợ một lần nữa van xin bà hãy tiếp tục gượng sống vì chồng con. Thấy nét quặn đau của chồng và con gái út, bà Kiều cũng nguôi ngoai, từ đó bỏ hẳn suy nghĩ muốn kết liễu đời mình.
Ánh sáng cuối đời
Năm 2004, chồng bà mất sau một thời gian lâm bệnh nặng. Hiện tại người thân của bà chỉ còn hai người gồm cô con gái út tên Nhẫn và cô con gái đầu tên Liên. Liên vẫn là đứa vô tri vô giác nằm chõng chèo bên chiếc giường gỗ. Tóc Liên bắt đầu bạc khi bước sang tuổi thứ 41.
Nhẫn là ánh sáng cuối đời của bà. Sau khi cả 7 người con đầu đều nhiễm bệnh, bà đã hoảng sợ đến không dám sinh con nữa. Mãi 10 năm sau bà mới cầu may sinh lần cuối. Lâm Ngọc Nhẫn may mắn được khỏe mạnh, thông minh học giỏi. Đấy xem như sau bao đắng cay, nghiệt ngã, cuộc đời cũng bù đắp phần nào cho bà.
Nhẫn đã tốt loại giỏi ngành Kế toán, hiện tại vừa làm giảng viên tại trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) vừa học thêm để lấy bằng cao học. Giờ đây, Nhẫn là nơi để bà nương tựa khi đang ở tuổi già.
Nhẫn đã tốt loại giỏi ngành Kế toán, hiện tại vừa làm giảng viên tại trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) vừa học thêm để lấy bằng cao học. Giờ đây, Nhẫn là nơi để bà nương tựa khi đang ở tuổi già.
Cô con gái út Lâm Ngọc Nhẫn.
Cô là niềm tự hào và hy vọng của đời bà. Bà mong những hạnh phúc mà bà chưa được hưởng sẽ được dành lại cho cô.
Với bà: “Tôi không muốn tự sát nữa, nhưng cũng không hoảng sợ trước cái chết. Bởi tôi đã thấy toại nguyện với cuộc đời này khi được làm mẹ một cách trọn vẹn: sinh con, nuôi con khỏe mạnh, lớn khôn”.