Xót ruột khi thấy mẹ chồng pha sữa cho cháu trong cái bình cáu bẩn, vừa góp ý thì bà gằn giọng buông một câu

Bôm Bốp NF,
Chia sẻ

Sau khi đi công tác về, tôi nhận ra bình sữa con cầm trên tay vẫn còn nguyên dấu vết từ 3 ngày trước, khi tôi có ý phản ứng với mẹ chồng thì lại bị đổi xử thế này đây.

Công việc của tôi không nặng cũng không nhẹ, chỉ có điều phải đi lại khá thường xuyên. Vợ chồng tôi hiện có một con nhỏ hai tuổi rưỡi, mẹ chồng biết hai đứa tôi vất vả nên cũng nhận lên trông cháu một thời gian, đợi cháu lớn cứng cáp và gửi đi trẻ được mới về quê.

Thời gian đầu cuộc sống mẹ chồng nàng dâu cũng khá hòa hợp, tôi chỉ việc đi làm, về chơi với con, cơm nước hay việc dọn dẹp nhà cửa đều được mẹ chồng làm cho hết. Bà vốn là người nhà nông nên không ngại khó ngại khổ, nhà tôi lại ở chung cư nên bà cũng chẳng có bạn bè hay đi được đến đâu, cứ hễ rảnh tay ra là làm.

Bù lại, tôi cũng là đứa con dâu khá biết điều khi thường xuyên mua cho mẹ tấm áo hay chè nước. Chính vì có qua có lại nên hầu như không khí trong gia đình tôi êm ấm vô cùng. Chỉ phải tội, cho đến khi tôi đi công tác thì mọi chuyện bung bét hết cả.

Đợt cuối tuần vừa rồi, tôi theo lịch của công ty đi công tác Đà Nẵng 3 ngày. Nghĩ bà đã lên một thời gian với con cháu nên quen việc, tôi cũng chẳng dặn dò gì nhiều. Cơm nước bà nấu được, nhà cửa bà dọn được, chỉ đôi lúc bà vẫn quên quên nhớ nhớ việc bỉm sữa cho cháu nội mà thôi. 

Xót ruột khi thấy mẹ chồng pha sữa cho cháu trong cái bình cáu bẩn, vừa góp ý thì bà gằn giọng buông một câu - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Biết mẹ chồng già lại xa lạ với những khái niệm nuôi con của thời hiện đại, tôi vẫn thường xuyên canh giờ để gọi về nhà, trước là hỏi thăm hai bà cháu, sau là nhắc khéo bà vệ sinh cá nhân cho cháu hoặc cho cháu ăn, ngủ đúng giờ.

Cuối cùng, ba ngày công tác xa con dài dằng dặc cũng trôi qua. Tôi trở về nhà mang theo quà bánh và sự háo hức mong nhớ gặp lại con yêu. Vừa nhìn thấy thằng bé, đập vào mắt tôi là hình ảnh bình sữa trên tay con cáu bẩn, nhìn kỹ có thể thấy váng sữa nổi cộm trong bình đã mốc xanh mốc đỏ. Thấy con thảm hại như vậy, tôi không thể không khó chịu:

"Mẹ ơi, sao mẹ để cháu ra nông nỗi này? Mẹ không tráng rửa bình cho cháu trước khi pha sữa ạ?"

"Ôi dào ôi, làm sao mà phải tráng với rửa. Ngày xưa mẹ nuôi chồng con có phải làm gì đâu nào, vẫn lớn ngồng đẹp trai lai láng. Bây giờ cứ phải xúc với rửa đến mệt, ăn bẩn sống lâu con ạ!"

Ngán ngẩm toàn tập với lời phát biểu vô tư của mẹ chồng, dù trong lòng rất giận nhưng tôi vẫn cố nhẹ nhàng góp ý:

"Mẹ ơi, bình sữa của cháu là thứ cháu đưa vào mồm vào miệng ăn uống hằng giờ, phát sinh vi khuẩn cái là đi vào đường ruột, ảnh hưởng tới hệ tiêu hoá còn non trẻ của cháu. Ngay như người lớn ăn đồ quá một ngày là bụng dạ đã sôi ùng ục ra rồi mà mẹ!"

Xót ruột khi thấy mẹ chồng pha sữa cho cháu trong cái bình cáu bẩn, vừa góp ý thì bà gằn giọng buông một câu - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Nói rồi tôi lấy vội bình sữa con đang tu ti để mang vào nhà tắm để thay rửa, con tôi thấy mẹ giằng miếng ăn đến miệng nên khóc ngằn ngặt. Chồng tôi từ đâu chạy ra, có lẽ anh đã nghe được toàn bộ câu chuyện, mặt anh đỏ phừng phừng. Tôi tưởng anh sẽ xót con mà đứng về phía vợ, ai ngờ chồng tôi lại nắm cổ tay tôi lôi xềnh xệch ra khỏi cửa nhà:

"Em láo toét nó vừa chứ. Mẹ trông con là tốt lắm rồi còn hạch sách đủ kiểu. Bà ở quê làm sao biết sữa sủng mà em vừa về tới nhà đã bĩu miệng chê. Từ nay không sữa sủng gì hết, đói thì cho ti mẹ, thế thôi! Có cái bình sữa thôi mà đay nghiến mẹ chồng, em thấy có ai như em không?"

Lúc bây giờ tôi tủi thân muốn khóc, cảm giác một mình lạc lõng giữa cả thế giới. Mẹ chồng tôi không biết đã đành, đến chồng tôi cũng không biết thế nào là đúng sai, tốt xấu cho con hay sao?

Chia sẻ