Xôn xao SGK môn thể dục: Bộ GD&ĐT nói tất cả môn học đều phải có sách
Sáng 16/10, tại hội nghị tập huấn cán bộ cấp sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT tại 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc về chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Tất cả các môn học đều phải có SGK.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 9/2019, toàn quốc có 1.151.873 giáo viên mầm non, phổ thông. So với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định số giáo viên này còn thiếu dù đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là 71.941 trường hợp.
Ở các cấp học vẫn tồn tại tình trạng thừa, thiếu cục bộ do không điều tiết được giáo viên trong cả nước cũng như giữa các môn học. Nếu mỗi trường THPT dự kiến bố trí 1 giáo viên môn âm nhạc và 1 giáo viên Mỹ thuật thì cần đào tạo khoảng 5.400 người. Toàn quốc cũng đang thiếu khoảng 5.600 giáo viên tiếng Anh, 5.600 giáo viên Tin học và công nghệ ở tiểu học.
Với thiết bị dạy học tối thiểu, Bộ GD&ĐT cho biết, mầm non đạt 47,9% nhu cầu, tiểu học 56,1%, THCS đạt 54,3%, THPT đạt 58,9% nhu cầu.
Bộ khẳng định, các điều kiện đảm bảo để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới hoàn toàn có thể chủ động và đáp ứng được. Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức và tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức nói chung nhưng có tính đến đặc thù của công chức, viên chức ngành giáo dục cho phù hợp và hiệu quả.
Ngoài ra nghiên cứu chế độ lao động, định mức lao động kinh tế kỹ thuật của giáo viên mầm non, phổ thông và tiến hành rà soát, khảo sát về định mức giáo viên mầm non, phổ thông làm căn cứ để điều chỉnh định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tính toán định mức giáo viên để hướng tới tất cả các cấp học phổ thông thực hiện dạy 2 buổi/ngày.
Lựa chọn SGK phù hợp với địa phương
Ông Thái Văn Tài cho biết, SGK thẩm định theo 4 điều tại Thông tư 33 nhưng đây chỉ là quy định khung, không phải là quy định nội dung chi tiết của SGK. Sự đa dạng nằm ở cách tiếp cận khác nhau của tác giả. Ví dụ chủ đề yêu thiên nhiên, có việc làm thiết thực với thiên nhiên, đối với âm nhạc, tiếng Việt cách tiếp cận của các tác giả có khác nhau.
Nhưng SGK thiết kế phải có từng bộ, từng bài, cấu trúc của bài học, có phần mở đầu, khởi động, lên lớp dạy và học, rèn luyện phẩm chất năng lực. Trước khi thẩm định theo thông tư 33, Hội đồng thẩm định sẽ kiểm đếm xem có thực hiện theo đúng thông tư 32 không. Ông Tài đưa ví dụ chương trình quy định 50 tiết/năm học nhưng tác giả viết tới 70 tiết thì chắc chắn không đạt.
Về SGK môn thể dục và môn hoạt động trải nghiệm đang nhận được sự phản ứng nhiều chiều của dư luận, ông Tài một lần nữa khẳng định, theo quy định của thông tư 32, các môn học bắt buộc đều phải có SGK. Chương trình mới hướng đến phát triển năng lực của học sinh nên phải có tài liệu cho các em tham khảo.
Nhưng việc lựa chọn bộ SGK nào sau khi được hội đồng thẩm định và Bộ GD&ĐT thông qua là trách nhiệm của địa phương. Ông Thái Văn Tài nhấn mạnh đến tính phù hợp của bộ sách với địa phương đó. Ông lấy ví dụ dạy cảnh đẹp thiên nhiên ở các trường Yên Bái thì nên lấy những cảnh minh họa ở khu vực phía Bắc vì nó gần với học sinh hơn.