Tác giả SGK bị loại ở vòng 2: Không tâm phục khẩu phục
Đến nay có 11 bản thảo SGK bị đánh giá “Không đạt”. Một số tác giả sách bị loại lên tiếng về quyết định của Hội đồng thẩm định.
TS Ngô Thị Tuyên tác giả cuốn Đạo đức - Công nghệ 1 bị loại từ vòng 2 cho biết, nhóm tác giả không chấp nhận kết quả của Hội đồng thẩm định quốc gia.
TS Tuyên nói, nhiều ý kiến của Hội đồng không chính xác, không cụ thể, mâu thuẫn nhau, cứng nhắc và hình thức. Hội đồng thẩm định không hiểu biết về tâm sinh lý của học sinh lớp 1.
Sau vòng thẩm định lần 1, bản thảo được chỉ ra các lỗi để tác giả sửa chữa trong vòng 1 tháng. Vì sao cuốn Đạo đức buộc phải dừng lại?
Có nhiều lý do, mỗi lần nói một khác, nhưng lý do buộc phải dừng lại thì tác giả không rõ. Bản thân tác giả cũng bị bất ngờ. Hội đồng mâu thuẫn với chính những quyết định của mình.
- Trả lời báo chí bà cho rằng, Hội đồng thẩm định có những nhận xét vênh nhau, cụ thể là gì, thưa bà?
Lần 1 ngày 28/9, Hội đồng thẩm định đánh giá: “Đạt - Phải sửa chữa”. Tác giả đã sửa chữa hầu hết các góp ý và gửi báo cáo cho Hội đồng.
Lần 2 ngày 2/10, Hội đồng nhận định: “Đạt - Phải sửa chữa về mặt cấu trúc”. Phải nói thêm, khi đó, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao chỉnh sửa của tác giả và khẳng định cấu trúc chung của sách đã đảm bảo. Sách rất có ưu điểm về nội dung, các bài học gắn với hành vi đạo đức cụ thể nên phong phú, sinh động, thiết thực. Chủ tịch hội đồng còn đề nghị tác giả tranh thủ sửa một số phần thuộc về cấu trúc bài học và yêu cầu chuyển cho tác giả file tài liệu tiêu đề Ví dụ minh chứng sử dụng trong đánh giá bản mẫu sách giáo khoa (Theo các tiêu chuẩn sách giáo khoa quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGD ĐT ) để tác giả tranh thủ sửa cho kịp thời gian 14/10 nộp bản thảo.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là ngày 5/10, vẫn bản thảo đó, nhưng Hội đồng mời tác giả lên họp, đưa ra đánh giá: “Không đạt” và không cho thời gian sửa chữa đến 14/10 như đã thông báo trong cuộc gặp lần 2.
Cụ thể, tại biên bản vòng 2, Hội đồng nhận xét: “Về cơ bản, các bài học bám sát chủ đề trong chương trình, chú trọng giáo dục các hành vi đạo đức cụ thể, gần gũi với đời sống học sinh lớp 1, chú trọng tích hợp kỹ năng sống”. Nhưng tiếp theo Hội đồng lại viết: Nhiều bài học thiếu hoạt động vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn (ngoài lớp học): 20/32 bài.
Trong biên bản vòng 2, về phương pháp, Hội đồng đánh giá: “Nhìn chung các bài học được thiết kế theo các hoạt động học tập”, nhưng về cấu trúc lại viết Cấu trúc bài học chưa đảm bảo theo đúng quy định của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (chưa được thiết kế theo các hoạt động). Hội đồng cũng đưa ra nhiều yêu cầu không đúng quy định.
Với kinh nghiệm biên soạn và triển khai môn Giáo dục lối sống trong nhiều năm, nhóm tác giả rất tự tin cuốn Đạo đức 1 được Đạt yêu cầu. Trước đó, Hội đồng thẩm định đã rất khen nội dung của cuốn sách vì đã thiết kế được thành kỹ năng sống ở toàn bộ các nội dung. Các tác giả cũng đã giải thích cách thiết kế các hoạt động để đạt mục đích của từng bài học, cách hướng dẫn giáo viên để sử dụng sách. Tuy nhiên sau đó, Hội đồng lại loại bộ sách này. Do vậy, chúng tôi không tâm phục khẩu phục.
- Theo bà các tiêu chí, tiêu chuẩn thẩm định có đầy đủ, thuyết phục không?
Các tiêu chí không có vấn đề, mà là sự hiểu biết về tiêu chí của Hội đồng có vấn đề, rất chi li, hình thức và cứng nhắc.
Ví dụ, trong quá trình thẩm định, Hội đồng yêu cầu bắt buộc phải có chỉ báo về các hoạt động bằng màu xanh, đỏ, tím, vàng tô vào số thứ tự bài tập hoặc chỉ căn cứ vào chỗ nào có chữ “luyện tập” hay “thực hành” thì mới là bài “luyện tập”, “thực hành”, trong khi đó Thông tư không ghi như vậy, miễn là trong sách có đủ các dạng hoạt động theo quy định.
Phần luyện tập đã được thiết kế rất kỹ ở quy trình nắm mẫu, bài học nào cũng có phần vận dụng, nhưng Hội đồng không nhận ra hoặc không công nhận. Trong khi đó, chính Chương trình cũng chỉ ra có thể sử dụng các động từ khác để nói tới hoạt động vận dụng như Xác định, thực hiện được, điều chỉnh được, hình thành được, không đồng tình hoặc phê phán hành vi không chuẩn mực, đề xuất được, lựa chọn được… Những dạng bài tập này đều được thể hiện trong 32 bài học của Đạo đức 1.
Hội đồng cương quyết không xem xét sách giáo viên, nơi thiết kế các bài dạy rất chi tiết theo quy trình 4 hoạt động trên mà yêu cầu phải bê nguyên cả sách giáo viên vào sách học sinh. Họ không phân biệt được sách nào dùng cho đối tượng nào. Rất vô lý ở chỗ giáo viên đang rất cần được tập huấn cách dạy theo sách mới thì họ lại không coi sách giáo viên là tài liệu quan trọng.
- Theo bà Hội đồng thẩm định có đủ thời gian trao đổi công tâm với các tác giả đủ để khẳng định họ cởi mở, tôn trọng sáng tạo của các tác giả hay không?
Thực ra, họ cũng cố gắng nhưng họ bị hạn chế bởi năng lực về bậc học (Chủ tịch, Phó chủ tịch và Thư ký đều là những người không có chuyên môn về bậc tiểu học, đặc biệt về lớp 1) và lối tư duy hình thức, cứng nhắc, lý thuyết về Chương trình và Thông tư.
- Cảm ơn bà.