Xôn xao cử nhân ĐH giơ bảng xin việc giữa đường
Tôi vừa tốt nghiệp, tôi đã là Bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con” – là thông điệp xin việc của một nam thanh niên vừa tốt nghiệp đại học.
Sáng 17/8, nhiều người qua đường ở ngã tư giao cắt giữa Cầu Giấy – Đường Láng không khỏi tò mò trước hình ảnh một chàng thanh niên trẻ cầm tấm biển ghi dòng chữ “Tôi vừa tốt nghiệp, tôi đã là bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con. Bạn cần tuyển tôi. L/h: conanbn90@gmail.com”. Cuối dòng thông điệp là phần “ký tên”: Thiên Thần Đá.
Theo tìm hiểu, nam thanh niên trên tên Phùng Đức Ninh (25 tuổi, quê huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), là cử nhân trường Đại học Điện lực, vừa thi đỗ tốt nghiệp và đang đợi lấy bằng.
Chia sẻ về hành động cầm tấm biển đứng giữa ngã tư xin việc trên một tờ báo, Ninh cho hay, cậu xuất thân trong gia đình khốn khó, ba anh em ăn học đều do một tay bố chu cấp.
Trước đây, Ninh học hệ Cao đẳng của trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, sau đó liên thông trường Đại học Điện lực. Trong thời gian học liên thông Đại học, Ninh đã lấy một cô vợ cùng quê, cả hai vừa đón cô con gái nhỏ cách đây ít hôm. Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền đổ lên đầu ông bố trẻ khiến Ninh phải tìm việc gấp để mưu sinh.
“Vì gia đình khó khăn nên mình cũng cố gắng đi làm thêm phụ giúp cha mẹ trong quá trình theo học. Tuy nhiên sức khỏe yếu khiến mình không làm được nhiều việc nặng. Mình từng bưng bê, dọn dẹp hàng quán hơn 1 năm trước khi bị đau ruột thừa và phải nằm viện 2 tháng”, Ninh chia sẻ.
“Suốt thời gian qua, mình rong ruổi khắp nơi chỉ mong tìm được một công việc để có thể trang trải chăm lo cho gia đình nhỏ của mình nhưng đi nhiều nơi ở Hà Nội đều không thể xin được, có nơi yêu cầu bằng trên đại học, có nơi yêu cầu kinh nghiệm ít nhất 2, 3 năm trở lên… Vợ mình vừa mới sinh nên không thể làm gì được, cha mẹ đều già yếu, chỉ giúp đỡ được phần nào. Bản thân mình đang cảm thấy vô cùng bế tắc, không có hướng đi cho tương lai nên quyết định làm tấm biển xin việc mong doanh nghiệp, công ty nào đó cho mình một cơ hội để thử thách”, Ninh nói thêm.
Cần tìm việc nhẹ nhàng: Nghe đã thấy nản!
Ngay khi hình ảnh và câu chuyện của chàng trai trẻ trên được chia sẻ trên mạng xã hội, cư dân mạng đã nổ ra một cuộc tranh luận gay gắt. Bên cạnh những ý kiến cảm thông cho hoàn cảnh của chàng trai thì rất nhiều ý kiến cho rằng thay vì đứng đường giơ bảng chờ người ta tuyển, chàng trai hãy chủ động đi tìm việc.
Độc giả Đỗ Cường cho rằng, chỉ đọc thông tin ghi trên tấm bảng thôi người ta đã không muốn tuyển rồi. “Tại sao lại là “bạn cần tuyển tôi” mà không phải là “xin hãy tuyển tôi”. Thất nghiệp nhưng vẫn muốn thanh cao. Cần công việc nhưng lại đòi việc nhẹ nhàng. Nghe đã thấy nản. Bao nhiêu người không có bằng cấp ĐH mà họ vẫn tìm được việc làm và nuôi dưỡng con cái. Có thể cậu này chỉ muốn tìm việc đúng chuyên môn và lương cao. Phải biết tuỳ cơ ứng biến trong mọi tình huống chứ”, độc giả này chia sẻ.
“Thật sự khi nhìn mail và bức tranh vẽ nhố nhăng mình cứ thấy thế nào ấy. Ừ thôi thì tranh ảnh gây chú ý nhưng mà cái địa chỉ mail là tên bộ truyện tranh, lập 1 cái mail nghe tử tế chắc không mất đến 5 phút, mail đấy thật sự để đi làm thì ai hỏi mình đọc lên cũng thấy ngượng mồm”, một cư dân mạng chia sẻ.
Một vị bác sĩ khi đọc được tin này cũng chia sẻ trên trang cá nhân rằng anh có thể cho chàng trai hàng trăm hộp sữa nhưng sẽ không bao giờ tuyển dụng người như này đi làm.
“Ngày xưa có một thằng lười, nằm dưới gốc cây sung há miệng ra chờ sung rụng xuống trúng miệng rồi ăn mà không trèo lên cây hái quả kể cả đói đến sắp chết. Ngày nay, nhìn tấm ảnh dưới bạn nghĩ gì? Hỡi các bạn trẻ, thay vì chờ sung rụng. Hãy xách balo lên và đi, lăn vào cửa hàng này, xông vào cơ quan nọ. Chỉ sợ bạn sợ khó, chứ chắc chắn không thiếu việc cho các bạn. Rửa bát là xấu ư, quét rác là xấu ư. Bố mẹ chúng ta ngày xưa còn tranh nhau từng bãi phân trâu, phân bò kia”, vị bác sĩ này chia sẻ.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi chưa thể tìm được việc làm ưng ý thì chàng trai nên kiếm việc gì đó làm tạm để có tiền mua sữa cho con như làm công nhân phụ hồ, bưng bê, rửa bát…
“Bạn có thể xin đi thực tập ở đâu đó, không nhất thiết là phải đúng ngành nghề, miễn là học cách làm việc và có một thu nhập ban đầu. Con trai bạn tôi tốt nghiệp thạc sĩ nước ngoài về sẵn sàng đi bưng bê ở quán ăn, sau đó đi thực tập tháng 2 triệu ... Công việc sẽ mở ra cơ hội bạn ạ”, TS Khuất Thu Hồng đưa ra lời khuyên.