Xóm vợ lẽ
Người ta gọi, con hẻm nằm tương đối sâu bên phải, gần đầu đường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, Sài Gòn là hẻm vợ lẽ.
Bởi lẽ, không biết vì nhân duyên gì, có tới 4 người đang làm “nghề” vợ lẽ đến cư ngụ trong một dãy phòng trọ ở đây. Mới đầu, cũng chẳng ai biết hoàn cảnh của họ, nhưng sau hơn một năm chung sống, mọi chuyện rõ như ban ngày. Bởi, thay vì sống khép kín, yên lặng làm việc vì đó là một danh phận chẳng tốt lành gì, thì họ thường xuyên chơi bời, phá phách, đánh chửi nhau gây mất trật tự khu phố.
Vì tiền
Oanh (sinh 1990, quê Bình Thuận) đang là vợ lẽ của một người đàn ông tên Thuận, làm nghề xây dựng, khá giàu có. Trước đây, Oanh làm nghề cắt tóc. Trong một lần đến cắt tóc, ông Thuận đã phải lòng Oanh, cô gái 22 tuổi mơn mởn xuân thì, biết chiều chuộng, đối lập hoàn toàn với bà vợ vừa già vừa xấu của mình. Hai người vụng trộm qua lại một thời gian, thì Oanh báo với ông Thuận là mình mang thai. Là một người đàn ông truyền thống, giàu có, ông không muốn vứt bỏ giọt máu của mình, nên đã đề nghị Oanh làm vợ bé của mình, bỏ nghề cắt tóc đi. Vốn không phải là người chịu khổ giỏi, Oanh đã đồng ý, muốn dựa dẫm vào người tình giàu có.
Khi Oanh báo cho gia đình hoàn cảnh của mình, nghe nói ông Thuận rất giàu có, họ không những không buồn mà hơi có vẻ vui mừng. Thế là, người chị gái của Oanh dọn về ở hẳn với cô để tiện chăm sóc khi em gái sinh nở. Kể từ đó, phòng trọ của Oanh là gia đình thứ hai của ông Thuận, tất nhiên là chỉ thỉnh thoảng ông Thuận mới xuất hiện, ở lại một hoặc hai đêm, rồi lại biến mất.
Chị gái của Oanh cũng quen với việc đó, chẳng phàn nàn gì, chỉ cần ông Thuận chu cấp đầy đủ cho con ông ta và 10 triệu/tháng cho Oanh là ổn. Đó là thu nhập mà những người thất học như chị em cô luôn mơ ước. Quả là việc nhẹ, lương cao. Thế nên, chẳng có gì khó hiểu, khi chị gái và những người khác trong gia đình Oanh hết sức o bế mẹ con cô. Ngoài tiền hàng ngày dùng để chơi bời, làm đẹp, mua sắm, Oanh vẫn còn kha khá để gửi về cho ba mẹ ở quê.
Hôm thôi nôi con trai, Oanh đã gọi điện mời ba của mình vào chung vui với vợ chồng cô. Tất nhiên, vì ngày trọng đại của con trai mình, ông Thuận cũng len lén bà vợ già của mình đến phòng trọ Oanh. Mọi chuyện hết sức vui vẻ cho tới ngày hôm sau buổi tiệc, Oanh phát hiện ra trong điện thoại của ông Thuận có những tin nhắn lạ hết sức mùi mẫn với em gái trẻ nào đó. Nỗi uất ức bấy lâu lại cuộn lên trong lòng Oanh, dù cũng là người đang chia sẻ tình yêu của người phụ nữ khác, nhưng cô không thể chấp nhận được việc, ông Thuận lại mèo mỡ với một cô gái khác nữa. Thế là, bất chấp sự có mặt của ba mình, cô ra đứng trước cửa chửi sa sả vào mặt ông Thuận bằng những lời hết sức khó nghe, như của dân chợ búa.
Vì tình
Khác với Oanh, Lượm (sinh 1980, quê Tây Ninh) chấp nhận làm vợ lẽ của Bình, một lái xe đường trường là vì tình yêu. Vì không được xinh đẹp, gia đình lại khó khăn, Lượm cứ nghĩ mình sẽ không thể lấy chồng, ở vậy cho đến già. Tuy nhiên, trái tim của cô đã không nghe lời khi gặp Bình lần đầu cách đây vài năm, khi anh ta vào ăn ở quán cơm của cô cạnh quốc lộ. Bình, có lẽ cũng thấy được biểu hiện khác thường của cô chủ quán khi mang cơm ra cho mình, nghe mình đùa vài câu.
Càng tiếp xúc, Lượm càng yêu Bình, người đàn ông vui tính, ân cần, dịu dàng, biết trân trọng cô. Thế nên, khi Bình thú nhận là đã có gia đình, không thể đường đường, chính chính đến với cô, cô cũng mặc kệ, chỉ cần Bình không bỏ rơi cô, thì cô sẽ theo anh ta đến cùng trời cuối đất. Vài tháng sau, khi đợt hàng chở lên Tây Ninh đã hết, Bình bị điều về làm việc loanh quanh trong thành phố, Lượm ngay lập tức dẹp quán cơm, khăn gói xuống Sài Gòn với tình yêu của mình.
Hiện tại, buổi sáng, Lượm đi phụ quán cơm, còn buổi chiều và tối ngồi đợi Bình rảnh rỗi tranh thủ tạt qua. Khi chờ mãi mà Bình vẫn không đến, cô lại cùng với 3 người bạn cùng cảnh ngộ, tụ tập nhậu nhẹt hát hò để quên đi nỗi cô đơn, sầu tủi.
Chỉ khổ hàng xóm!
“Kể từ khi những người phụ nữ đó về đây cư ngụ, xóm này chẳng mấy khi yên tĩnh, nhất là cuối tuần. 4 người phụ nữ đó tụ tập với nhau, rồi còn kêu thêm người, nhậu nhẹt hát hò karaoke ỏm tỏi.
Đến nỗi, có một ông hàng xóm của tôi, không chịu được ồn ào náo nhiệt đã phải bán nhà, chuyển chỗ đi nơi khác. Với cái đà này, chắc tôi cũng phải bán nhà đi chỗ khác thôi”, chị Hoàn, làm nghề may gia công, một cư dân của xóm trọ phàn nàn.
Vốn bận bịu, chị Hoàn cũng chẳng mấy khi để ý hàng xóm của mình. Nhiều lúc khó chịu vì bị tra tấn bởi những giọng hát như “bò đực” rống của hàng xóm; nhưng vì không muốn mếch lòng, chị vẫn cứ âm thầm chịu đựng.