"Xóa sổ" quán xá vỉa hè: Người bán chưa hay, người ăn nuối tiếc

Punu - Thanh Thúy,
Chia sẻ

Trong khi không ít người bán hàng quán vỉa hè chưa nắm rõ quy định tại Thông tư 30 thì nhiều khách hàng lại bày tỏ sự nuối tiếc.

Kể từ ngày 20-1-2013, Thông tư 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), nhằm siết chặt công tác bảo đảm ATTP với những tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố sẽ có hiệu lực.

Chiếu theo các quy định được đưa ra thì hầu hết các quán ăn vỉa hè hiện nay sẽ bị “xóa sổ” vì không đảm bảo, đáp ứng đúng tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, theo ghi nhận tại các nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội, không ít người bán các hàng ăn vỉa hè vẫn chưa nắm rõ quy định mới này.


Chị Trần Thị Thanh (một người bán hàng ăn trên phố Kim Mã, Hà Nội) cho biết, trong những ngày qua chị vẫn buôn bán bình thường mà không thấy bất cứ ai đến nhắc nhở hay thông báo gì.

“Tôi cũng chưa nghe thấy thông tin gì về việc này. Nhưng thực sự, nếu mà quy định và làm nghiêm ngặt như vậy thì đúng là chúng tôi chỉ còn biết đường mà bỏ nghề thôi chứ lấy đâu ra vốn để sắm sánh đủ các đồ như vậy và còn cả địa điểm nữa, tiền đâu mà thuê” chị Thanh bày tỏ.

Tương tự vậy, chị Nguyễn Thị Hoa, bán hàng ăn vỉa ở khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) cũng tỏ ra khá ngạc nhiên.





“Thực sự là cũng biết bán ngoài vỉa hè, cạnh đường thế này cũng không hẳn là đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nhưng những người đã phải ra ngoài này bán là những người nghèo, không có nghề nghiệp ổn định, vốn liếng cũng ít, vậy mà đưa ra quy định như thế thì có khác gì lại tiếp tục ép chúng tôi phải bỏ nghề. Mà bỏ cái này thì biết làm cái gì, lấy đâu ra tiền mà nuôi con cái ăn học, chi tiêu gia đình…”, chị Hoa nhấn mạnh.

Cũng đã nghe phong thanh về quy định mới này nhưng chị Hằng, một người bán hàng ăn vỉa hè ở gần chợ Đồng Xuân lại thẳng thắn nhận định, việc áp dụng vào thực tế rất khó.


“Thực tế, có phải bây giờ mới quy định chặt như vậy đâu mà từ trước cũng đã có các quy định như vậy rồi nhưng nếu tủ đựng thức ăn, găng tay, quần áo gọn gàng… chúng tôi có thể thực hiện được. Còn quy định nguyên liệu, phụ gia thực phẩm… phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ… thì điều này là quá xa vời. Ngay kể cả các nhà hàng có tiếng, chưa chắc đã làm được, nói gì đến hàng vỉa hè”, chị Hằng nói.

Quán ăn vỉa hè – Văn hóa đất hội

Có thể nói, không nơi đâu mà quán xá vỉa hè lại phong phú và đa dạng như ở Hà Nội. Trên từng mét vuông nhỏ hẹp, những hàng quán chen nhau mọc lên, đáp ứng đầy đủ nhu cầu hưởng thụ của người dân.

Người ta có thể tìm thấy ở đây tất cả những gì được coi là đặc trưng tiêu biểu cho một nền ẩm thực của một quốc gia, từ những món ăn nhẹ như súp, cháo, các loại bánh, tới những món ăn chính: gà quay, vịt quay, lẩu, nướng… rồi cả những thức uống được coi là “đặc sản” như trà đá, café…

Cũng không ở nơi đâu mà nét văn hóa “ngồi lề đường” lại phổ biến và dễ dàng được chấp nhận như nơi này. Bất kể bạn là ai, bạn ở đâu, bạn đến từ đâu, khi đã đến Hà Nội, sẽ đều bị cuốn vào cái guồng quay bất tận này. Phần đông những người sinh sống tại Hà Nội lâu năm đều cho rằng: những gì tinh túy nhất, chất lượng nhất đều nằm ở vỉa hè Hà Nội. Vì vậy mà cái thú ăn chơi của người Hà thành tự bao giờ đã bổ sung thêm cái thói quen bình dân kỳ lạ này.



Thói quen này không chỉ được tạo dựng, mà còn ăn sâu vào tiềm thức của lớp lớp thế hệ con người sinh ra, lớn lên và sinh sống ở Hà Nội. Dù đi đâu, về đâu thì họ vẫn muốn được ngồi nơi quán cóc vỉa hè, ăn những món ăn quen thuộc, được thưởng thức hương vị cuộc sống qua làn khói mỏng se lạnh lúc ban mai, bên ánh hoàng hôn của buổi chiều tà, của không gian thoáng đãng nơi vỉa hè rộng sạch. Đó là lý do lý giải tại sao các quán café, trà đá vỉa hè lại mọc lên khắp nơi ở thành phố này đến vậy.

Tập trung hóa và chuyên môn hóa là nét đặc thù của quán xá vỉa hè Hà Nội. Chúng được phân chia thành những khu rất rõ ràng, chuyên kinh doanh và nổi tiếng về chỉ một món chuyên biệt. Có thể kể ra vô vàn ví dụ cho điều này: bít tết Hòe Nhai, caramen Hàng Than, bún ốc ngõ chợ Đồng Xuân, hải sản tươi sống phố Cầu Gỗ, đồ nướng Gầm Cầu, đồ nướng Cát Linh, phố café và phố lẩu Nguyễn Du… với thời gian hoạt động gần như xuyên suốt ngày và đêm.


Ẩm thực vỉa hè Hà Nội ngày càng phong phú hơn với các món ăn đến từ nhiều vùng, miền khác nhau khiến cho bức tranh ẩm thực đất Kẻ Chợ vốn đã sống động nay càng trở nên đa dạng, phong phú và đặc biệt hơn. Chẳng vậy mà từ thói quen, quán xá vỉa hè đã trở thành một nét văn hóa của riêng thủ đô Hà Nội, được thừa nhận và đón nhận ở khắp mọi nơi. 

Ẩm thực vỉa hè Hà Nội luôn gây được ấn tượng khó phai trong lòng người Hà Nội cũng như du khách thập phương khi tới đây, luôn lọt top những địa danh có ẩm thực vỉa hè tuyệt vời nhất trên thế giới.

Khách hàng tiếc nuối

Trong khi người bán hàng chưa nắm được thông tin mới này thì nhiều “tín đồ” của các hàng quán vỉa hè lại bày tỏ sự tiếc nuối bởi đây dường như đã trở thành “nét văn hóa” ẩm thực, địa điểm thường xuyên lui tới của nhiều người Hà thành.

“Ở nhiều nước như Thái Lan, Hàn Quốc… họ cũng có những quán ăn ngoài phố như thế nhưng các món của của họ không đặc sắc và không thể đi đâu cũng gặp quán vỉa hè như Việt Nam. Chưa kể các quán vỉa hè này nhiều chỗ cũng ngon và đặc biệt tiện lợi, cứ đói, tạt vào bên đường là măm được.

Vì thế chúng ta không nên xóa sổ các điểm ăn đó mà cần thiết hơn là nên tuyên truyền để người bán, người ăn cần giữ vệ sinh, giữ cảnh quan chung hay chỉ cấm ở một số tuyến phố chính", chị Nguyễn Thị Phương Uyên (Cát Linh, Hà Nội) bày tỏ.

Chị Hương (ngõ Thổ Quan – Khâm Thiên) thì lại có suy nghĩ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội gần 40 năm nay. Có thể nói, là người chứng kiến sự phát triển và thay đổi chóng mặt của diện mạo phố phường Hà Nội. Trong đó, quán xá vỉa hè là một bộ phận không thể tách rời. Nếu chiếu theo những quy định được nêu ra, rất khó để có thể có một kết luận chính xác và khách quan về việc “Thế nào là sạch”. Bởi vốn dĩ, sự sạch nó cũng rất vô cùng. Ở Việt Nam, chưa có một thang barem chuẩn cho việc này. Vì vậy quy định đặt ra chắc sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện. Nhưng khi thực hiện thành công thì sẽ nâng tầm quán xá Hà Nội lên một mức tiến vượt bậc, thu hút thêm rất nhiều du khách đến với Hà Nội như một thiên đường ẩm thực cần phải được khám phá”.

Chị Phạm Thu Hạnh, nhà ở phố Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội cho rằng: “Thực sự, các quán ăn vỉa hè giờ đây có khác gì một thói quen, một nét văn hóa trong ăn uống của người Hà thành. Do đó, các cấp quản lý nên tìm một biện pháp hữu hiệu nhất thay vì cấm, hay đưa ra những quy định khó thực hiện nêu trên".


Chị Phạm Thu Hạnh cho rằng không nên cấm quán ăn vỉa hè Hà Nội vì đó là một nét
văn hóa được cả khách quốc tế tới du lịch Việt Nam thích thú.


Nói là các hàng quán này mất vệ sinh, gây ách tắc giao thông cũng đúng nhưng nhiều tiện lợi về ngon, rẻ, nhanh… thì không thể phủ nhận.

Đó là chưa kể, thực tế, ở Hà Nội giờ đâu đâu chả có các quán ăn vỉa hè, liệu rằng có làm nghiêm, cấm được hết không và nếu cấm thì một bộ phận lớn người dân lao động sẽ làm gì để sinh nhai đây?”.
Chia sẻ