XÉT XỬ VỤ ÁN CÔNG TY ALIBABA: Hàng loạt cách thức truy sát khách hàng
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện trực tiếp biên soạn Cẩm nang các kỹ năng bán hàng với những phương pháp có tên gọi sale phone, treo đầu dê, bán thịt chó... để dạy nhân viên cách chào bán sản phẩm.
Chiều 10-12, TAND TP HCM tiếp tục xét xử bị cáo Nguyễn Thái Luyện, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba) và 22 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền".
Xuất bản... hàng trăm cuốn cẩm nang
Trước đó, để minh oan cho mình và đồng phạm, Nguyễn Thái Luyện cho biết bị cáo là người am hiểu và tuân thủ pháp luật; bản thân đã xuất bản hàng trăm cuốn cẩm nang về quy định pháp luật, phát hành nội bộ công ty. Tuy nhiên, phần xét hỏi sau đó của đại diện VKSND TP HCM đối với bị cáo Huỳnh Thị Ngọc Như, cựu Phó Tổng Giám đốc phụ trách đào tạo Công ty Alibaba, đã phơi bày sự thật một trong những cẩm nang đó.
Cụ thể, Luyện tự biên soạn "Cẩm nang các kỹ năng bán hàng" và chỉ đạo Huỳnh Thị Ngọc Như dạy lại cho nhân viên nhằm bồi dưỡng kỹ năng chào bán các sản phẩm của công ty. Làm rõ nội dung này theo yêu cầu của đại diện VKSND TP HCM, Như giải thích "phương pháp sale phone" là cách gọi điện thoại cho khách hàng để chào bán đất dự án. Khi kiểm sát viên hỏi về tần suất, cách thức gọi điện cụ thể, Như không trả lời.
Các bị cáo tại phiên xét xử Nguyễn Thái Luyện, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Alibaba và 22 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”
Về "phương pháp treo đầu dê, bán thịt chó" và "phương pháp truy sát khách hàng", Như quanh co chối rằng "không nhớ", "không hiểu" dù HĐXX đã cung cấp cẩm nang này cho Như đọc lại. Bị cáo Như nói rằng mình chỉ có nhiệm vụ "truyền đạt", nếu nhân viên thấy phù hợp thì làm; bản thân không áp dụng những kinh nghiệm Luyện dạy để bán đất.
Khi đại diện VKSND TP HCM hỏi về việc tổ chức họp báo vào ngày 19-9-2019 để phát sóng trực tiếp trên YouTube với thông tin sai sự thật, che giấu khách hàng về sai phạm của Nguyễn Thái Luyện ngay sau khi Cơ quan CSĐT thi hành lệnh bắt bị can, khám xét trụ sở Công ty Alibaba và các chi nhánh, Như phủ nhận và cho rằng mình chỉ trấn an khách hàng "như lời Luyện dặn trước đó".
Số khách hàng thực tế nhiều hơn trong cáo trạng?
Về phía Nguyễn Thái Luyện, trả lời nhiều câu hỏi của luật sư, bị cáo đều đáp rất mập mờ.
Chẳng hạn, khi luật sư hỏi các dự án dân cư tại 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu mà Công ty Alibaba bán cho khách hàng có thật không, Luyện trả lời: "Gọi là dự án vì đó là những dự định trong tương lai!". Luyện một mực cho rằng "Công ty Alibaba sở hữu hợp pháp các thửa đất nông nghiệp nên có quyền tách thửa bán cho khách hàng và đã thông qua cơ quan chức năng".
Nguyễn Thái Luyện còn tự tin khẳng định những lô đất nông nghiệp mà công ty đã bán có thể "ra sổ" vì khu đất này được quy hoạch thổ cư hoặc có sẵn quy hoạch thổ cư, do đó bị cáo ký bán đất thổ cư là không sai. Luyện còn nhấn mạnh mình không gian dối vì "khách hàng đi xem đất thực tế, nếu đi xem về mà không đồng ý mua thì công ty vẫn trả lại tiền, thanh lý hợp đồng".
Tuy nhiên, thực tế, nhiều cá nhân đại diện pháp luật của Công ty Alibaba và 22 công ty con đã ký hợp đồng bán đất thổ cư cho khách hàng trong khi hiện trạng là đất nông nghiệp. Thậm chí, có trường hợp, dù không ký hợp đồng đặt cọc hoặc nhận chuyển nhượng lô đất nông nghiệp thuộc sở hữu của người dân đang sử dụng nhưng Luyện vẫn tự đặt tên dự án, phân lô, chia nền, trên đất nông nghiệp của người khác để thu hút nguồn tiền từ khách hàng.
Đáng chú ý, bị cáo Luyện cho rằng cáo trạng chưa đúng vì thực tế, Công ty Alibaba bán 1.000-2.000 lô đất dự án mỗi tháng, kéo dài nhiều năm trước khi Luyện bị bắt. Do vậy, số người mua đất phải nhiều hơn rất nhiều so với con số khoảng 4.500 người mà cáo trạng nêu. Về nội dung này, chủ tọa phiên xử - thẩm phán Trần Minh Châu cho biết có sự trùng lặp dữ liệu và đang rà soát lại con số chính xác. Tuy nhiên, số liệu thực tế chỉ dao động khoảng 4.000 người. Ngoài ra, HĐXX vẫn tiếp tục nhận được đơn tố cáo của các bị hại trong vụ án.