Xem phim Sex Education, tôi nhận ra mình là ông bố cứng nhắc với con: Chỉ 1 câu nói ngắn đã khiến tôi phải thay đổi lập tức
Lúc đó, tôi lại định lên lớp. Nhưng nghĩ lại câu nói trong phim, tôi bỗng dưng dịu xuống.
Tôi không nghĩ mình là người quá nghiêm khắc. Nhưng đúng là, với con, tôi từng hơi cứng.
Nhà tôi có hai anh em. Thằng lớn năm nay lớp 11, cháu hoạt ngôn, tự tin, đụng gì cũng xông vào – kiểu đứa trẻ “mạnh mẽ”, ai cũng quý. Còn đứa em thì khác. Nó học lớp 8, ít nói, cái gì cũng lùi lại một bước. Gặp chuyện không vừa ý, thằng anh cãi tay đôi. Còn thằng em, im. Gặp bạn bè trêu, anh nó bật lại. Còn nó, im.
Tôi hay nói với nó: “Con phải biết phản ứng chứ. Sống kiểu gì mà ai làm gì cũng chịu? Không phải cái gì cũng nhịn được đâu con”.
Nó chẳng cãi. Chỉ gật đầu, kiểu như hiểu rồi. Nhưng hôm sau, vẫn thế.
Mãi đến một lần, tôi đọc đâu đó đoạn thoại trong phim Sex Education – có cô gái tên Abbi nói với bạn mình: “Not everyone can fight, and that’s okay.” (Không phải ai cũng có thể chiến đấu. Và điều đó không sao cả).

Nữ sinh Abby
Rồi đến buổi tối – thằng bé ngồi học ở bàn, tôi thấy nó cứ lén nhìn điện thoại rồi thở dài. Gặng hỏi mãi, nó mới nói: “Bạn con gửi ảnh ghép con, có mấy bạn cười theo”. Tôi hỏi: “Con có nói gì không?”. Nó lắc đầu: “Con nghĩ nói cũng không ai hiểu”.
Lúc đó, tôi lại định lên lớp. Nhưng nghĩ lại câu nói trong phim, tôi bỗng dưng dịu xuống. Không phải nó không biết tự bảo vệ mình. Nó chỉ chọn cách không đối đầu. Không muốn ồn ào. Không tin là cãi nhau sẽ làm mọi chuyện tốt hơn.
Từ hôm đó, tôi thay đổi một chút. Không còn ép con phải phản ứng theo kiểu tôi thấy đúng nữa. Tôi bắt đầu hỏi: “Nếu con không thích cãi lại, con nghĩ cách nào khiến con đỡ buồn?”, “Bố không bắt con phải giống anh. Nhưng bố muốn con đừng ôm trong lòng mãi”.
Có lần, tôi thấy con lặng lẽ gửi cho bạn kia một tin nhắn rất ngắn: “Tớ không thích bị trêu như thế”. Không nặng nề. Không dài dòng. Nhưng cũng không im lặng mãi.
Tôi nhìn tin nhắn ấy, không nói gì. Nhưng trong lòng thấy nhẹ hẳn.
Con tôi không phải đứa yếu. Nó chỉ là một người không thích chiến đấu, và như Abbi nói – điều đó không sao cả.
Bài học tôi rút ra – không phải ai cũng cần dạy cách phản kháng, có người cần được dạy cách được là chính mình
Lâu nay, người lớn chúng ta hay gán cho sự im lặng một nhãn mác tiêu cực: yếu đuối, rụt rè, thiếu bản lĩnh. Nhưng có những đứa trẻ như con tôi – không phải vì yếu mà không nói, mà vì chúng đang cân nhắc hậu quả, đang tự xoay xở với cảm xúc bên trong, và đôi khi, đang bảo vệ bản thân theo cách an toàn nhất mà chúng biết.
Tôi rút ra một vài điều giản dị nhưng tôi nghĩ đáng để giữ: Không phản ứng không có nghĩa là thụ động. Im lặng cũng là một phản ứng. Và đôi khi, đó là cách duy nhất mà con thấy còn kiểm soát được. Hãy dạy con những cách khác – nhưng đừng phủ nhận cách mà con đang dùng.
Đừng dạy con “phải giống ai đó” – kể cả là chính anh/chị/em ruột của nó. Mỗi đứa trẻ có một cách điều chỉnh với thế giới. So sánh không khiến con tốt hơn, chỉ khiến con thêm mặc cảm.
Hãy hỏi con muốn gì trước khi dạy con nên làm gì. Câu hỏi “Con thấy sao?” quan trọng hơn “Con nên làm gì?”. Chỉ khi con được hiểu, con mới đủ tự tin để thay đổi.
Làm cha mẹ, đôi khi giúp con không phải là đẩy con tiến lên, mà là lùi lại nửa bước để con tự bước. Không ép. Không áp. Nhưng luôn ở phía sau.
Con tôi không phải là đứa bé yếu đuối. Nó chỉ không phải kiểu người sẽ xông ra giữa sân trường để nói lớn: “Dừng lại đi”. Nó chọn cách lặng lẽ, kiên nhẫn, và chờ một thời điểm an toàn hơn. Và như Abbi từng nói trong phim Sex Education: “Không phải ai cũng có thể đấu tranh – và điều đó không sao cả”.
Chúng ta lớn lên với áp lực phải mạnh mẽ. Nhưng với con cái mình, tôi tin: Nếu ta dạy con được sống đúng với bản thân mà vẫn thấy được yêu thương, thì con đã đủ mạnh rồi.