Xem phim Sex Education, tôi ngỡ ngàng nhận ra mình suýt "dạy" con trai thành "kẻ phản diện"

Mỹ Hạnh,
Chia sẻ

Tôi không ngờ bộ phim Sex Education lại là một cuốn sách quý báu để tôi học hỏi về cách dạy con.

Tôi là hiệu trưởng một trường trung học cơ sở. Vợ tôi là giảng viên đại học. Gia đình tôi luôn được mọi người ngưỡng mộ, ca tụng. Họ nói chúng tôi viên mãn, thành công, gia giáo. Chính tôi cũng thừa nhận điều này và luôn muốn tỏa sáng trong mắt thiên hạ. 

Là những người có vai vế trong xã hội, tôi đặt áp lực phải giỏi giang lên con trai duy nhất. Sau khi sinh con, vợ tôi bị băng huyết, phải cắt bỏ tử cung để bảo toàn mạng sống. Con trai trở thành đích tôn quý tử, thành đứa trẻ được cưng chiều nhất nhà. Đi cùng với đó là gánh nặng về sự thành công vượt trội so với ba mẹ cũng được đè lên vai con.

Thuở bé, con luôn nằm trong top học sinh xuất sắc của trường. Lên cấp 2, con học ở trường của tôi làm hiệu trưởng. Cái danh "con trai thầy hiệu trưởng" càng khiến con phải trở nên nổi bật. Tối nào, tôi cũng nhắc nhở con phải gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động trường lớp, luôn là thành viên xuất sắc nhất trường để xứng với cái danh ấy.

Năm ngoái, con tôi học lớp 8 và bắt đầu nổi loạn. Con học hành sa sút, thường lén xem điện thoại, tập tành ăn mấy món chiên rán như xiên que, trà sữa, chân gà... (những món vợ chồng tôi cấm tiệt). Con nói chuyện trống không, tỏ thái độ cáu bẳn với bố mẹ. Từ học sinh đứng đầu trường, con rớt xuống hạng 5. Tôi điên cuồng mắng la, đe dọa con phải học, không được chống đối.

Xem phim Sex Education, tôi ngỡ ngàng khi nhận ra mình quá giống 2 nhân vật quyền lực, suýt "dạy" con trai thành kẻ "phản diện" - Ảnh 1.

Tôi càng làm như thế, con càng chống đối hơn. Vợ tôi nhẹ nhàng khuyên can thì con lại nghe theo. Vì dạy con mà vợ chồng tôi rơi vào cảnh bất đồng quan điểm. Vợ bảo phải nhẹ nhàng, dùng tình cảm để thấu hiểu, cảm hóa, gần gũi con. Tôi lại gay gắt phản đối vì cho rằng "thương thì cho roi cho vọt", càng nhân nhượng thì con càng nhanh hư hỏng.

Cho đến tháng 3 năm ngoái, tôi vô tình biết đến bộ phim Sex Education. Là người bận rộn, tôi không xem hết phim mà chỉ xem trích đoạn. Trong đó, cô hiệu trưởng Hope Haddon và ông Michael Groff là 2 nhân vật khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất. Có lẽ lý do ban đầu là vì họ đều là hiệu trưởng, cũng giống tôi.

Cả 2 nhân vật đó đều rất quyền lực. Họ áp đặt, đe dọa, hà khắc, thiếu tinh tế trong cách ứng xử với mọi người và học sinh của mình. Nhất là ông Michael, ông luôn muốn con trai Adam trở nên giỏi giang, ông quyết định mọi chuyện trong cuộc sống con trai. Và rồi Adam đã phản kháng lại cha mình, đã chống đối quyết liệt, biến thành "kẻ xấu" trong mắt bạn bè để che giấu đi sự yếu đuối nội tâm.

Tôi hoảng hốt khi nhận ra, mình đang đi sai hướng trong cách dạy con. Tôi đang đặt gánh nặng tâm lý lên con quá lớn. Bởi tôi không thấu hiểu con nên càng cứng nhắc trong cách nói chuyện, cư xử với con. Vô tình, tôi khiến con ghét bỏ và căm hận bố. 

Câu nói của vợ lại văng vẳng bên tai tôi: "Nếu anh còn dạy con bằng sự áp bức và quyền lực của một người hiệu trưởng, chắc chắn con anh sẽ biến thành kẻ báo đời để trả thù cha". Vì câu nói đó mà vợ chồng tôi cãi nhau lớn. Tôi còn gọi điện cho mẹ vợ, kể lại cho bà nghe rồi đòi ly hôn. Giờ ngẫm lại, vợ tôi đang nói đúng.

Bộ phim Sex Education càng giúp tôi nhìn nhận sâu sắc hơn vấn đề. Từ đó, tôi cũng nhận ra rằng, chỉ có tình yêu thương, sự thấu hiểu mới là cách dạy con tốt nhất. Đã đến lúc tôi gạt bỏ quyền uy của một "thầy hiệu trưởng" ra khỏi căn nhà của mình rồi.

Chia sẻ