Xem phim Sex Education, tôi bật khóc nghĩ đến tính cách hiện tại của con trai: Sẽ mất nhiều thời gian dạy dỗ nhưng tôi sẽ làm bằng được
Tôi không bắt con thay đổi trong một tuần, một tháng. Tôi chỉ kiên nhẫn lặp lại những điều mà tôi ước gì ngày xưa ai đó đã từng nói với tôi.
Tôi từng nghĩ: Con cái giống cha mẹ là chuyện bình thường – từ đôi mắt, dáng đi, đến cả thói quen nói chuyện hay cách ngủ. Nhưng tôi không ngờ, có những thứ "giống" mà mình chẳng bao giờ mong con mang theo.
Con trai tôi năm nay học lớp 7. Dạo gần đây, tôi để ý con bắt đầu trở nên… cục cằn. Cáu gắt vô cớ, không biết kiềm chế, hay gắt gỏng với em gái, nhiều lúc ăn nói như "ông cụ non khó tính". Tôi nghĩ con stress vì bài vở. Nhưng khi góp ý, con cãi lại: "Mẹ thì lúc nào cũng soi! Mẹ không bao giờ hiểu con!".
Tôi chợt lạnh người.
Vì đó… từng là giọng của chồng tôi – người cha của con, người đàn ông từng khiến tôi rơi vào nhiều năm tổn thương bởi sự nóng nảy, kiểm soát và lạnh lùng.
Chúng tôi đã ly hôn từ lâu. Nhưng hóa ra, có những "di sản" không cần sống cùng nhau, cũng tự tìm được đường quay lại.

Hiệu trưởng Michael vô thức trở thành bản sao của bố
Tôi chợt nhớ lại bộ phim Sex Education mà mình từng xem, một nhân vật mà mình từng ấn tượng. Đó là nhân vật Hiệu trưởng Michael - một người nghiêm khắc đến cay nghiệt với học sinh và vợ con. Nhưng hóa ra Michael cũng là bị hại. Ông ta từng thú nhận với Jean Milburn - mẹ của nam chính Otis về gia đình của mình. Bố ông ta cũng là một người cay nghiệt, nhiều năm sống dưới sự nuôi dạy của người bố, ông cũng vô thức trở thành một bản sao. Chính sự thiếu tình thương, sự áp đặt và nỗi sợ hãi thuở nhỏ đã khiến ông như vậy.
Và con trai tôi – cũng đang bắt đầu mang theo nét "di truyền bằng cảm xúc" ấy.
Tôi từng nghĩ: Chỉ cần rời khỏi một người đàn ông khiến mình tổn thương là đủ để bảo vệ con. Nhưng không – tổn thương không chỉ nằm trong người gây ra nó, mà còn nằm trong những điều bị bỏ mặc, không được gọi tên, không được sửa chữa.
Chúng ta luôn nói "không muốn con giống bố", nhưng lại hiếm khi dạy con cách để không giống. Vì bản thân chúng ta – những người lớn từng tổn thương – đôi khi cũng chưa đủ lành lặn để bắt đầu lại từ một nơi dịu dàng hơn.
Tôi bắt đầu ngồi lại với con không để "nắn" lại tính cách, mà để cùng con gọi tên những cảm xúc mà tôi từng bị cấm thể hiện khi còn nhỏ. Tôi kể cho con nghe nỗi sợ khi bị la mắng, cảm giác cô đơn khi không ai hỏi "hôm nay con ổn không", nỗi tủi thân khi mình bị hiểu lầm mà không được bênh vực. Tôi không kể để dạy đạo lý, mà để con hiểu rằng: Mẹ cũng từng là một đứa trẻ. Và mẹ rất hiểu những gì con đang cảm.
Tôi không bắt con thay đổi trong một tuần, một tháng. Tôi chỉ kiên nhẫn lặp lại những điều mà tôi ước gì ngày xưa ai đó đã từng nói với tôi: "Con không phải hét lên để ai đó lắng nghe. Nếu con buồn, mẹ sẵn sàng ngồi im để nghe con buồn". "Con tức giận không có nghĩa là con hư. Con chỉ đang có cảm xúc mà chưa biết cách diễn đạt".
Tôi dạy con rằng: Con có quyền mang trong mình những điều không hoàn hảo – miễn là con biết nhận ra và chọn cách đối diện bằng lòng trung thực.
Làm cha mẹ, chúng ta không thể chọn được xuất phát điểm của con. Nhưng chúng ta có thể chọn con đường mà con sẽ đi tiếp – bằng cách làm người đầu tiên nói với con rằng: "Con có thể khác".
Con không nhất thiết phải trở thành người giống ai cả – kể cả người đã sinh ra mình. Con có quyền trở thành phiên bản tốt nhất mà chính con lựa chọn.
Nếu bạn từng thấy mình và con đang lặp lại một vòng tròn – giống như cách Hiệu trưởng Michael từng trở thành "bản sao" của người cha cay nghiệt – hãy thử dừng lại và lắng nghe. Đôi khi, chúng ta không cần chạy trốn quá khứ, mà chỉ cần nhìn nó bằng ánh mắt mới – để dạy con một tương lai khác.