Xem phim Sex Education, tôi bật khóc hiểu ra lý do vì sao con trai út lại hiểu nhầm và kể với cô giáo rằng: "Mẹ ghét em lắm cô ạ"!

Thanh Hương,
Chia sẻ

Tôi đã sững sờ vô cùng khi biết được những lời tâm sự của con với cô giáo.

Tôi là một người phụ nữ gần 50 tuổi, có 2 con trai. Nếu con trai lớn của tôi học giỏi, đang là du học sinh đại học năm cuối, được nhận học bổng toàn phần thì con trai út lại có lực học khá "bấp bênh". Hiện cháu học lớp 9, thành tích trên lớp thuộc tốp gần cuối, nhưng bù lại cháu rất ngoan. Chính vì vậy khi đi học, cháu luôn được thầy cô, bạn bè yêu quý.

Nhưng dù vậy, tôi vẫn rất lo lắng. Tôi sợ con út không thi nổi cấp 3 công lập, rồi không đỗ nổi một trường đại học tử tế, như vậy tương lai sẽ không ổn định. Dẫu biết đại học không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công nhưng tôi vẫn luôn tin rằng học tập là con đường bền vững nhất.

Chính vì vậy tôi đã nghiêm khắc hơn với việc học của cháu. Tôi sát sao trong bài vở, chọn lựa lớp học thêm, sát sao trong những kỳ thi thử, những bài kiểm tra. Tôi cũng nghiêm cấm những thứ mà tôi cho là có thể làm con xao nhãng việc học. Ngoài ra, tôi thường xuyên nhờ cô giáo chủ nhiệm để ý con kỹ.

Tôi luôn cho rằng mình là một bà mẹ yêu thương con hết mực, cho đến một ngày tôi nhận được cuộc điện thoại từ cô giáo của con, với những lời tâm sự vô cùng chân thành. Cô giáo chia sẻ, có lẽ hai mẹ con tôi đang có khúc mắc.

Khi tôi hỏi tại sao cô lại nói thế, cô cho biết, con tôi đã tâm sự với cô rằng: "Mẹ ghét em lắm cô ạ". Con trai tôi kể với cô, có lẽ vì con không được thông minh bằng anh trai nên mẹ ghét con, luôn khắt khe khiến con ngộp thở.

Nghe những lời đó xong, tôi sững sờ vô cùng. Dưới lời khuyên của cô, tôi không trách mắng con mà cố gắng suy nghĩ xem mình đã sai ở đâu, sai như nào mà khiến con đi kể với cô giáo như thế?

Xem phim Sex Education, tôi bật khóc hiểu ra lý do vì sao con trai út lại hiểu nhầm và kể với cô giáo rằng: "Mẹ ghét em lắm cô ạ"! - Ảnh 1.

Adam và bố

Bộ phim Sex Education khiến tôi nhận ra lỗi sai của mình

Tôi đã trằn trọc mất ngủ suốt 1 tháng liền, cho đến ngày tôi tình cờ xem một tập phim Sex Education và rồi xem luôn cả 4 phần phim. Bộ phim này nói về chủ đề giáo dục giới tính, gia đình, tình bạn, những vấn đề tuổi teen, có tới 4 phần nhưng cũng không hề dài, một phần chỉ có 8 tập và tôi chỉ mất 1 tuần là "cày" hết.

Xem phim, tôi nhận thấy được sự giống nhau giữa mình và con trai với nhân vật Adam và người bố Hiệu trưởng. Trong những tập gần cuối phim, cậu bé ngỗ ngược Adam từng nói với bố rằng: "Con tưởng bố ghét con", và ông Michael Groff đã giải thích: Ông không hề ghét mà còn yêu cậu rất nhiều, vì cậu là con trai ông.

Vì sao Adam lại nghĩ bố ghét mình? Đó là vì xuyên suốt bộ phim, cậu thiếu vắng tình cảm, sự công nhận từ bố, cộng thêm cách hành xử khắc nghiệt của ông Michael. 

Michael Groff là người có tính cách cứng nhắc, nghiêm khắc và khó thể hiện cảm xúc yêu thương. Ông thường áp đặt những kỳ vọng cao đối với Adam nhưng lại không biết cách giao tiếp một cách cảm thông. Adam là người học hành không giỏi, hay gặp rắc rối và không đạt được những tiêu chuẩn mà bố mong muốn. Điều này khiến Adam cảm thấy mình không đủ tốt trong mắt bố.

Michael Groff còn thường kiểm soát Adam một cách thái quá, coi việc con làm sai là sự phản ánh tiêu cực về bản thân ông với tư cách là người cha. Thay vì tìm hiểu con, ông lại áp đặt và đưa ra những hình phạt cứng rắn. Ngoài ra, cả Adam và bố đều không giỏi trong việc bày tỏ cảm xúc. Điều này dẫn đến những hiểu lầm và sự xa cách giữa hai cha con.

So với trường hợp của gia đình tôi, tôi vì muốn tương lai của con tốt hơn nên đã quá nghiêm khắc trong chuyện học tập. Tôi cũng chưa bao giờ tâm sự, nói với con những suy nghĩ của mình nên có lẽ, con đã cho rằng, tôi xấu hổ vì con học dốt, trong khi anh trai thì học giỏi, được nhiều người khen ngợi. Ngược lại, con cũng chưa từng tâm sự với tôi về những áp lực của nó.

Sự nghiêm khắc, kỳ vọng thái quá của tôi, sự thiếu thấu hiểu, sẻ chia của cả hai đã khiến mối quan hệ mẹ - con bị bế tắc. Tôi đã khóc rất nhiều khi nhận ra điều này.

Tôi nhận ra mình phải làm gì để sửa sai

Sau nhiều ngày mất ngủ, tôi nhận ra mình phải làm gì để sửa sai. Thứ nhất, tôi phải học cách lắng nghe. Trẻ em cần cảm thấy được lắng nghe và tôn trọng. Lắng nghe không chỉ là nghe lời nói của con, mà còn là hiểu được cảm xúc và suy nghĩ đằng sau những lời nói ấy. Thay vì áp đặt ý kiến, cha mẹ nên dành thời gian để hiểu nhu cầu và mong muốn của con. Khi trẻ cảm nhận được sự thấu hiểu, chúng sẽ trở nên tự tin và cởi mở hơn.

Thứ hai, mỗi đứa trẻ đều là một cá nhân độc lập, với tính cách, sở thích và ước mơ riêng. Tôi cần tránh so sánh con với người khác và không nên áp đặt những kỳ vọng không phù hợp. Thay vào đó, hãy khuyến khích con phát triển dựa trên thế mạnh và sở thích của con.

Thứ ba, thành công không chỉ nằm ở kết quả, mà còn ở quá trình học hỏi và nỗ lực. Không chỉ tôi mà mọi bậc cha mẹ nên khuyến khích và khen ngợi con vì sự cố gắng, thay vì chỉ tập trung vào điểm số hay thành tích.

Thứ tư, trẻ em phát triển theo tốc độ riêng của mình, và việc thúc ép trẻ quá mức có thể gây áp lực và tổn thương. 

Cuối cùng, hãy thể hiện tình yêu thương với con cái một cách rõ ràng. Trẻ cần cảm nhận được sự yêu thương và an toàn từ cha mẹ để phát triển một cách lành mạnh về mặt cảm xúc. Đừng ngần ngại bày tỏ tình yêu với con qua lời nói, hành động và thời gian dành cho con. Sự gắn kết tình cảm bền chặt sẽ là nguồn sức mạnh to lớn cho trẻ.

Nuôi dạy con cũng chính là nuôi dạy chính mình. Quá trình nuôi dạy con cũng là cơ hội để cha mẹ học cách trưởng thành, hiểu bản thân và cải thiện các mối quan hệ.

Bài học này khiến tôi nhìn nhận lại hành trình làm cha mẹ của mình. Trên hành trình này, không thể tránh được những sai lầm, nhưng tôi chắc chắn sẽ không ngừng hoàn thiện bản thân và tận hưởng niềm vui bên con cái.

Chia sẻ