Quá ngon mận đào trái vụ trên đất Sơn La
Giữa tháng 12 mà được ăn mận, đào tươi, một chuyện tưởng như không thể mà có thể trên những con đường lên Tây Bắc.
Mận, đào là đặc sản của khí hậu miền ôn đới. Mỗi độ tháng 7, tháng 8 hàng năm, khắp các chợ của miền Bắc đâu đâu cũng hồng rực sắc màu của mận, đào. Nhìn trái quả đã thấy cái thơm, cái ngọt chua len lỏi vào khứu giác.
Những chiếc mẹt tre bày trái cây chín dọc đường đã trở thành hình ảnh
thân quen suốt dọc cung đường lên Tây Bắc
Tuy nhiên, mùa mận, đào chỉ kéo dài khoảng 2 tháng. Đến tháng 9, tháng 10, những vụ thu hoạch cuối cùng sẽ cho những trái quả chín sậm, ăn ngọt lạ thường. Thế là hết mùa! Tình yêu với thứ trái cây kỳ diệu làm tan biến cơn khát trong mỗi người dù lớn đến đâu cũng đành gác lại, đợi đến mùa quả sang năm.
Đào rừng Mộc Châu phơn phớt hồng
Chúng tôi có dịp lên Sơn La giữa mùa đông khi tháng 12 đã trôi về cuối. Nhưng cung đường lên với đất và trời Tây Bắc vẫn đẹp hơn những gì tưởng tượng. Con đường quanh co dốc núi, qua khỏi điểm mù dày đặc hơi sương, ô tô phải bật đèn chuyên dụng, nhích từng mét là lại đến những sườn núi đầy nắng và gió.
Qua Mộc Châu, đất trời mở ra với những quả đồi chỉ lúp xúp nằm gối lên nhau. Dưới thung lũng miên man một màu vàng nhàn nhạt của gốc rạ, của màu cỏ mùa đông là những mái nhà sàn xinh xắn với mái nhà màu nâu xám. Máy ảnh của chúng tôi hoạt động liên tục.
Tuy nhiên, đúng như lời người bạn đồng hành với chúng tôi, chị Mai, còn nhiều bất ngờ ở cung đường lên Tây Bắc, một trong số đó là mận, đào trái vụ.
Mận cuối vụ trái nhỏ quắt lại, nhưng hương vị thì thật thơm ngon
Từ địa phận huyện Mộc Châu, hai bên đường là bạt ngàn những nông sản mà người nhà tự thu hoạch rồi bán cho du khách. Chao ôi, tôi không để ý đến cải mèo, không để ý đến chuối rừng, không để ý đến cam và bánh gai, tất cả mọi sự chú ý của tôi dồn về những mẹt bày la liệt mận, đào đang chín, phơn phớt hồng hoặc đỏ lựng. Chưa cắn đã nghe cái chua, ngọt dịu dàng len nhẹ vào đầu lưỡi.
Mận, đào rừng chinh phục khách hàng đến với Tây Bắc
Chị bán hàng là người dân tộc Kinh lên đây làm kinh tế mới từ hàng chục năm trước, niềm nở giới thiệu với khách đây là mận, đào tươi vừa được hái trên núi xuống. Có thể đây sẽ là đợt thu hoạch cuối cùng, vì bây giờ đa phần mận đào đã trút lá, chờ mưa xuân để bung lộc, hé nụ, trổ hoa.
Du khách xúm xít quanh hai mẹt tre bày mận, đào đang tỏa hương mời gọi. Chị Mai hỏi chủ quán có thể nếm thử một trái trước không, người bán hàng cười dịu dàng, nói cứ ăn tự nhiên.
Chúng tôi mỗi người lấy một trái mận. Cuối mùa, trái mận nhỏ quắt lại, màu đỏ thẫm, hơi mềm. Nhón thêm chút muối ớt bà chủ để sẵn trên mẹt, chúng tôi nhắm mắt tận hưởng hương vị thân quen của trái chín bấy lâu vắng bóng.
Mận cuối mùa, chỉ hơi “dôn dốt” (chua nhè nhẹ), đa phần là cái ngọt. Vị ngọt chua của trái chín vùng cao cũng khác hẳn những vị quả tôi đã từng được ăn ở dưới xuôi mùa hè, đậm đà hơn, dễ chịu hơn. Chị Mai nói có thể nó được hít thêm khí trời đất trong lành của miền Tây Bắc chăng?
Rau cải mèo cũng là một đặc sản được bày bán cùng đào, mận
trên đường tới Mộc Châu, Sơn La
Trong hành trình còn lại, bên chúng tôi có thêm 2 “người bạn” mới: đào và mận. Chị Mai nói người ta có thể dầm mận với muối, ớt, đường cho đến khi thứ quả tiết ra thứ nước đỏ sền sệt. Đào có thể ngào đường, làm mứt, tuy nhiên, với thứ trái cây hảo hạng bắt gặp trái vụ như thế này, chỉ ăn tươi, chấm thêm chút muối ớt nữa là... quên sầu!
Rời Tây Bắc, bên những bộ ảnh núi non trùng điệp, những mâm cơm thân tình nóng hổi có món cơm nếp bọc trong lá chuối xanh, những chén rượu ngô thơm nồng, chúng tôi có những tấm ảnh về những trái mận đào trái vụ, trái quả được kết tinh từ những màu hoa không còn gì đẹp hơn giữa núi rừng Tây Bắc mùa xuân...