Hội An lạ mà quen qua 5 Hội quán cổ ở tuyến phố trung tâm
Chỉ mất không đến 1 giờ đồng hồ là du khách có thể tham quan trọn vẹn 5 kiến trúc Hội quán cổ, bắt đầu từ đường Nguyễn Duy Hiệu đến hết con đường Trần Phú - trục đường trung tâm nhất Hội An.
Đô thị cổ Hội An trước đây là một thương cảng lớn, trên bến dưới thuyền, là nơi sinh sống và làm ăn của các bộ phận Hoa Kiều. Trong thời gian này, người Hoa đã xây dựng các hội quán để làm nơi sinh hoạt tâm linh chung của cộng đồng. Cho đến nay, những công trình kiến trúc này vẫn còn mang đậm dấu ấn thời gian, góp phần làm nên nét đặc trưng của Hội An trong lòng khách thập phương.
Đến Hội An, bên cạnh tham quan phố cổ, thưởng thức ẩm thực, bạn đừng quên ghé những Hội quán này để cảm nhận rõ ràng và đầy đủ hơn về đô thị cổ. Chỉ mất không đến 1 giờ đồng hồ là du khách có thể tham quan trọn vẹn 5 kiến trúc Hội quán cổ này.
Hội quán Quảng Đông (số 176 Trần Phú)
Hội quán Quảng Đông (hay còn gọi là Hội quán Quảng Triệu) được xây dựng vào năm 1885. Thoạt đầu để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử, sau năm 1911 chuyển sang thờ Quan Công và Tiền Hiền. Hội quán có kiến trúc khá đẹp bởi sự kết hợp hài hòa giữa các chất liệu gỗ, đá trong kết cấu chịu lực cùng họa tiết trang trí công phu, chạm trổ tinh xảo,… mang lại cho công trình một vẻ đường bệ, lộng lẫy, uy nghiêm.
Hội quán Quảng Đông với kiến trúc công phu, chạm trổ tinh xảo.
Khoảng giữa sân còn có hồ nước lớn, đắp nổi hình rồng uốn lượn uyển chuyển theo tích “lý ngư hoá long”. Nơi đây hiện hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật bằng gốm sứ, các hình tượng mô phỏng lại các vở tuồng về văn hóa và nhiều văn bản ghi lại cuộc sống của cộng đồng người Quảng Đông ở Hội An.
Hình ảnh rồng uốn lượn uyển chuyển theo tích “lý ngư hoá long”.
Hội quán Dương Thương (số 64 Trần Phú)
Hội quán Dương Thương (hay còn gọi là hội quán Ngũ Bang, hội quán Trung Hoa) được xây dựng từ năm 1741 với sự đóng góp của các thương nhân 5 bang: Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam, Gia Ứng. Đây là nơi thờ Thiên Hậu Ngũ Bang và sinh hoạt đồng hương của người Hoa ở Việt Nam.
Hội quán Dương Thương được người Hoa xây dựng sớm nhất tại Hội An.
Hội quán mang đậm phong cách kiến trúc Trung Hoa, trải qua nhiều lần trùng tu nhưng cơ bản vẫn giữ nguyên gốc theo lối kiến trúc nguyên thuỷ ban đầu. Bên trong có ba tấm bia đá, ghi chép lại việc xuất xứ, trùng tu, đổi tên gọi và đề cập đén món bảo vật là chiếc đỉnh sắt 500 năm tuổi. Hội quán còn thờ thần Thiên Lý Nhãn, Thuận Phong Nhĩ và mô hình thuyền buồm, mẫu thuyền được người Hoa dùng làm phương tiện hàng hải giao thương.
Trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được lối kiến trúc nguyên thuỷ.
Hội quán Phước Kiến (số 46 Trần Phú)
Trong 5 hội quán cổ thì Phước Kiến là hội quán lớn và được nhiều du khách biết đến nhất. Tương truyền, tiền thân Hội quán là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu vào năm 1697. Qua nhiều lần trùng tu, hội quán càng trở nên rực rỡ, khang trang.
Phước Kiến là hội quán lớn nhất và được nhiều du khách biết đến tại Hội An.
Công trình có kiến trúc theo kiểu chữ Tam, theo thứ tự: cổng tam quan, sân, hai dãy nhà Đông Tây, chính điện, sân sau và hậu điện. Hội quán thể hiện sâu sắc triết lý Á Đông về hạnh phúc con người. Nơi này được cấp bằng di tích lịch sử - văn hoá quốc gia (17/02/1990), góp phần tô điểm diện mạo kiến trúc đô thị cổ Hội An.
Kiến trúc theo kiểu chữ Tam, kéo dài từ đường Trần Phú đến Phan Chu Trinh.
Hội quán Hải Nam (số 10 Trần Phú)
Hội quán Hải Nam (hay còn gọi là Quỳnh Phủ hội quán) được Hoa kiều bang Hải Nam - Trung Quốc đóng góp tiền của xây dựng vào năm 1875. Hội quán thờ 108 thương nhân người Hoa bị chết oan do quan quân nhà Nguyễn tưởng nhầm là tàu của giặc cướp nên đã nã đại bác bắn chìm thuyền. Sau khi điều tra rõ sự tình, vua Tự Đức sắc phong họ là “Nghĩa Liệt Chiêu ứng”, cho phép xây đền thờ cúng để thờ cúng.
Hội quán Hải Nam thờ 108 thương nhân người Hoa.
Hội quán Hải Nam được kiến trúc theo hình chữ quốc với quy mô rộng lớn gồm Nhà tiền điện, chính điện và 2 nhà Đông, Tây lang. Chính điện được tạo dựng khá quy mô với các hàng cột lớn đứng trên những chân tảng bằng đá cẩm thạch. Các khám thờ trong chánh điện được điêu khắc tinh vi thể hiện sự tài tình giàu nghệ thuật trong kỹ thuật điêu khắc truyền thống. Đặc biệt, án thờ gian giữa chạm khắc nổi, mạ vàng cảnh sinh hoạt tam giới “trời, đất, thuỷ cung” hết sức lộng lẫy, uy nghi.
Đây là nơi sinh hoạt cộng đồng của người Hải Nam và Gia Ứng ở Hội An.
Hội quán Triều Châu (157 Nguyễn Duy Hiệu)
Hội quán nằm trên đường Nguyễn Duy Hiệu (từ đường Trần Phú chạy về hướng biển Cửa Đại), mang dáng vẻ trầm lắng, lặng lẽ theo thời gian, được cộng đồng người Hoa gốc Triều Châu xây dựng vào năm 1845 để làm nơi sinh hoạt cộng đồng và thờ thần Phục Ba - vị thần chuyên chế ngự sóng gió, giúp cho việc đi lại buôn bán trên biển được bình yên, thuận buồm xuôi gió.
Hội quán Triều Châu mang dáng vẻ trầm lắng, lặng lẽ theo thời gian.
Đây là một trong những công trình có giá trị đặc biệt trong quần thể kiến trúc tại đô thị cổ. Những bộ khung gỗ, các khám thờ, hệ cửa được trạm gỗ chạm trổ sắc sảo; những họa tiết trang trí theo các điển tích, truyền thuyết dân gian và những tác phẩm đắp nổi bằng sành sứ công phu và tuyệt đẹp trên các bờ nóc, bờ chảy. Hằng năm, vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch, Hội quán tổ chức lễ cúng Nguyên tiêu và giỗ tổ tiền hiền rất linh đình, với sự tham gia của đông đảo người Hoa gốc Triều Châu ở Hội An và các địa phương lân cận như Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi…
Những bộ khung gỗ, các khám thờ, hệ cửa được trạm gỗ chạm trổ sắc sảo…
Lưu ý: Trong 5 công trình kiến trúc trên, có 2 hội quán mà du khách được tham quan tự do là hội quán Dương Thương và hội quán Hải Nam. Các công trình còn lại thu phí với giá vé 80.000 đồng/ 3 địa điểm (trong số 22 điểm tham quan tính phí tại đô thị cổ Hội An).