Đi ăn bánh bèo Quảng Bình chuẩn vị ở Sài Gòn
Sài Gòn là nơi tứ xứ hội tụ, thế nhưng để những người con Quảng Bình tìm được món ăn như bánh bèo đúng chuẩn quê nhà để xoa dịu nỗi nhớ chẳng phải dễ.
Quán bánh bèo nằm trên góc đường vắng Nguyễn Cảnh Chân, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 rất nhỏ, chỉ đủ cho 2 – 3 bàn khách ngồi ăn, thế nhưng đây lại là địa chỉ quen thuộc của những người con Quảng Bình đang sống, làm việc tại Sài Gòn. Đơn giản, vì chỉ quán ăn này đem lại được cái vị bánh bèo đúng gốc quê nhà.
Bánh bèo chén
Bánh bèo, bánh lọc, bánh nậm kiểu Huế, có lẽ quá dễ tìm ở Sài thành, từ quán cao sang đến gánh hàng rong. Nhưng tìm mùi vị bánh bèo Quảng Bình thì thật chẳng dễ. Thoạt trông, bánh bèo Huế và bánh Quảng không khác nhau là mấy, nhưng có nếm vào, có ăn rồi, mới thấy rõ rệt sự khác biệt.Bánh bèo Huế luôn đổ dày bột hơn, bột thiên về cứng mình nhiều hơn là dai, mùi vị tổng thể của phần bánh bèo - nậm - lọc kiểu Huế ít vị mặn hơn.
Bèo Huế không dùng hành phi, các thức dùng kèm cũng đơn giản hơn và vị thanh hơn, ăn cảm giác “nhẹ” hơn bánh Quảng Bình. Bánh Bèo Quảng Bình trước hết có mùi vị đậm, đậm ở đây không hẳn là mặn mà là các thức đi kèm đa dạng nên phần bánh đủ vị đủ màu sắc hơn, từ hành phi, mỡ hành, đậu phộng rang đến vị chua của củ cải ngâm, mặn mà ngọt hậu của nước mắm pha kĩ.
Cái thú của người thích ăn bánh bèo là gọi thật nhiều chén rồi ăn đến đâu xếp chồng cao lồng nhồng đến đó, đến khi “tàn cuộc” nhìn chồng chén mà cả bàn đều rôm rả cười.
Bánh bèo Quảng Bình của quán được yêu thích vì bột bánh đổ ngon. Theo chia sẻ của dì chủ quán, bột gạo được dùng đổ bánh phải xay từ hạt gạo ra, không được dùng bột gạo công nghiệp, có như vậy bánh mới dai mới mịn, dù bánh đổ mỏng vẫn ăn được vị ngọt thơm, phần rìa không khô cứng.
Quán có hai loại bánh bèo là bèo chén và bèo dĩa. Bèo chén được đổ trong chén đá, loại chén để đựng nước chấm cỡ lớn. Lớp bánh bèo đổ tương đối dày, sau khi hấp có màu trắng đục, cho vào miệng dai mềm, thơm thảo vị gạo. Bên trên bánh, rắc ruốc tôm giã nhuyễn, hành phi thơm lừng. Rưới vào chén một đôi thìa nước mắm vẫn còn ấm nóng, mằn mặn ngòn ngọt, ăn vào đến đâu thì bao nhiêu xúc cảm vị giác đều vực dậy đến đấy. Thòm thèm khó quên.
Bèo dĩa được đổ mỏng hơn, trong chén đá nhỏ hơn, khi ăn người bán sẽ lẩy từng lớp bánh mỏng mịn ấy lên đĩa, phết nào mỡ hành, ruốc tôm, hành phi, khi dọn ra đầy màu sắc bắt mắt bắt dạ. Dì chủ quán với chất giọng Quảng đặc trưng, chia sẻ thêm, bánh bèo để ăn ngon nhất định phải dùng với nước mắm còn nóng ấm, chứ thứ nước mắm lạnh tanh chỉ làm “uổng phí” cái công người làm đổ bánh bèo.
Bánh bèo dĩa.
Chén sứ đá để đổ bánh bèo dĩa cũng mỏng và nhỏ hơn.
Ngoài bánh bèo, bánh bột lọc và bánh nậm ở đây cũng mang đậm phong vị xứ Quảng. Bánh lọc lá tức được gói và hấp trong lá chuối, được chấm mới nước mắm kẹo. Thứ nước mắm được sên với đường cho đến khi sánh kẹo lại, đưa lát bánh quện một miếng, cho vào miệng, vị ngọt tan ra, vị mặn đọng lại, bánh lọc dai sần sật, nhai phải miếng tôm ngọt lịm thật không gì thú bằng.
Bánh lọc quai vạc có nhân tôm, ăn rất lạ miệng vì hiếm nơi đâu có. Bánh được gói ngoài là bột lọc dai, nhân bên trong mặn mòi thêm vị ngọt thịt.
Đĩa bánh bèo khiến những người con xa quê thèm thuồng mỗi khi nhớ về.
Vì diện tichs nhỏ, nên quán O Hảo chủ yếu bán theo dạng giao đi, khách quen gọi điện thì giao đến tận nơi (trên 100.00 đồng mới giao). Điểm trừ ở quán là chỗ ngồi quá nhỏ, không được mát mẻ. Giá các món rất bình dân, dao động từ 5.000 – 20.000 đồng.