Đèo Hải Vân - đệ nhất hùng quan đang bị quên lãng

Giang Hoàng, nguồn ảnh: aFamily.vn,
Chia sẻ

Hầm Hải Vân thông xe, người ta đã tưởng đỉnh đèo mù sương chìm vào quên lãng nhưng cái chốn giữa trời xanh mây nước ở cái khúc ruột Tổ quốc vẫn đủ làm bồi hồi lữ khách.

Lối lên đèo Hải Vân giờ đã thưa vắng hẳn, thỉnh thoảng mới gặp một vài chiếc xe máy hay đôi ba chiếc xe bồn chở xăng ì ạch leo đèo. Con đèo dài 22km là một trong những con đèo nguy hiểm nhất nhưng cũng hùng vĩ bậc nhất trên đường Bắc - Nam.

Đường đèo cheo leo, hiểm trở.
 
 
Giữa trời mây nước bao la, một bên là núi với quanh năm sương trắng bao phủ và một bên là biển xanh hiền hòa soi mình trong ánh nắng vàng. Thiên nhiên hùng vĩ mà đẹp thơ mộng làm cho lòng lữ khách khi ngang qua đây dậy lên bao niềm cảm xúc.

Dấu tích của "Hải Vân quan".
 
Miếu thờ trên đỉnh đèo.
 
Con  đường nhỏ vào cổng Hải Vân Quan, dốc và chỉ có thể leo bộ. Cổng vòm cao bám đầy rêu xanh mang dấu ấn thời gian. Cổng Hải Vân giờ chẳng còn người đi qua, cũng chẳng còn người đứng gác...

Một bên là biển xanh Lăng Cô.
 
Một bên là thành phố cảng Đà Nẵng.
 
Từ đây, du khách có dịp thả tầm mắt nhìn bao quát cảnh non nước hữu tình; một bên là đầm Lập An, làng chài Lăng Cô đẹp như tranh vẽ, thấp thoáng những chiếc thuyền đánh cá  ra khơi, một bên là toàn cảnh thành phố Đà Nẵng, xa xa đỉnh Sơn Trà quanh năm mây phủ.

Hải Vân quan sừng sừng giữa trời xanh.
 
"Thiên hạ đệ nhất hùng quan".
 
Hải Vân Quan của 200 năm trước, đèo núi hoang sơ, ngút ngàn lau sậy. Chẳng thế mà lời xưng tặng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” không chỉ là cảm xúc trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà còn ẩn chứa lòng tự hào về quê hương, đất nước, về sức mạnh của con người.
 
Nằm ở vị trí hiểm trở nên Hải Vân được xem là yết hầu của vùng Thuận Quảng, là cửa ngõ của kinh kỳ nước ta thời ấy. Hải Vân hùng vĩ đã đi vào bao áng thơ văn. Lê Thánh Tông, đã làm bài thơ “Hải Vân hải môn lữ thứ” trên đường khải hoàn sau cuộc bình Chiêm hay Chu thần Cao Bá Quát có những câu thơ: “Ngoái lại Hải Vân không với tới/ Ròng ròng lệ nhỏ nhớ mù u”.

Còn khá nhiều lô cốt nằm rải rác trên đỉnh đèo.
 
Dù chìm khuất trong cỏ dại. 
 
Bước chân lên Hải Vân Quan còn thấy gần chục lô cốt rất vững chắc, dẫu không còn sử dụng nhưng sừng sững giữa trời như chứng tích. Những lô cốt này được người Pháp xây dựng lên từ hàng trăm năm trước, có nhiều hình dạng, quay về các hướng khác nhau để canh phòng, kiểm soát tuyến đường huyết mạch nối liền đất nước.

Những lỗ châu mai từng là nơi kiểm soát con đường.
 
Những chứng tích của lịch sử.

Những lỗ châu mai - nguyên là đài quan sát, những họng súng... giờ đầy hoa cỏ, lau lách bình yên. Nó đã chứng kiến bao thăng trầm của đất nước, bao cuộc chiến đi qua, bao nhiêu đoàn du khách tứ phương về thưởng ngoạn khu danh thắng...

Chia sẻ