Dạo hàng ẩm thực Chợ Lớn
Được xem là China Town giữa lòng đô thị Sài Gòn, Chợ Lớn đã trở thành địa danh nổi tiếng như một trung tâm kinh tế, công nghiệp của vùng Sài Gòn xưa và TPHCM ngày nay với nhiều nét đặc trưng văn hóa của cộng đồng người Hoa, trong đó đáng kế đến là văn hóa ẩm thực đặc sắc, đậm nét truyền thống.
“Ăn cơm Tàu” là một cách nói nôm na nhưng ẩm thực của người Hoa vốn vô cùng đa dạng, phong phú từ món ăn đến cả cách ăn…
Có người từng nói rằng khắp cả vùng Chợ Lớn như một phố ẩm thực rộng lớn, đâu đâu cũng có những dãy hàng ăn với những món ăn bắt mắt, nhất là các khu ăn đêm lúc nào cũng ồn ào tiếng gọi món ăn, tiếng xào nấu ngập trong hương thơm hấp dẫn của các loại gia vị.
Phong cách Chợ Lớn
Đến Chợ Lớn, du khách sẽ bắt gặp ông thợ bán bánh vừa cán bột vừa dùng cây chày gõ vào bàn có tiết tấu và thanh điệu, hoặc ông đầu bếp vừa xào nấu vừa tung hứng thức ăn trên không như các nghệ sĩ xiếc. Những động tác này có thể thừa, nhưng lại làm tăng hứng thú cho đầu bếp và sự háo hức của thực khách, tạo không khí làm việc sáng tạo và là nét riêng độc đáo của bếp người Hoa.
Cũng như nghề thuốc Bắc, hầu hết chủ nhân các quán ăn của người Hoa đều thừa kế nghề của cha ông. Ngay cả khi xã hội phát triển, nhiều nghề mới ra đời, họ vẫn chung thủy với nghề bếp núc vốn phải đầu tắt mặt tối từ sớm đến khuya. Tại các quán ăn của người Hoa, mỗi quán, mỗi người nấu đều có bí quyết riêng. Cả phong cách phục vụ, lối bài trí cũng riêng, tạo nên nét đặc sắc, đa dạng và hấp dẫn.
Ngoài các món ăn sang trọng phục vụ trong nhà hàng – khách sạn, du khách sẽ không thể kìm được trước sức hấp dẫn của những miếng xá xíu thơm mềm, cái bánh bao nóng hổi, chân vịt rút xương đậm đà, cơm chiên Dương Châu thơm phức, đậu hũ Tứ Xuyên cay xé lưỡi, lẩu cá, cơm gà, bao tử, ruột heo, lưỡi heo, dưa cải, cháo Tiều, hủ tíu sa tế, hào chiên… đặc sắc.
Dọc theo các con đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Châu Văn Liêm, du khách dễ dàng nhận biết quán ăn nào là của người Hoa bởi bảng hiệu luôn được ghi bằng hai thứ tiếng Hoa – Việt, có màu vàng và đỏ, còn chủ quán vừa chào hỏi khách bằng tiếng Việt vừa tíu tít gọi người nhà bằng tiếng Hoa.
Cuối đường Trần Hưng Ðạo, đoạn giao với đường Châu Văn Liêm, khách có thể dừng lại ở bất kỳ hàng quán nào bên đường để thưởng thức các món chiên của người Hoa như cá, tôm viên chiên, tàu hũ chiên, cơm chiên… Khách cũng dễ dàng bắt gặp những xe hủ tíu trang trí tranh kiếng của người Hoa trên đường Triệu Quang Phục, Châu Văn Liêm, Tháp Mười, Hậu Giang với những cái tên có chữ sau cùng giống nhau như Xương Ký, Hà Ký, Phát Ký, Tài Ký…
Điểm tâm món Dim Sum
Buổi sáng, khách có thể thưởng thức điểm tâm của người Hoa tại nhà hàng Phong Lan, Thuận Kiều, Tân Lạc Viên, Cung Hỷ, Bảy Kỳ Quan, Cát Tường… Khách có thể tìm thấy món điểm tâm Dim Sum yêu thích của nhiều triệu người trên khắp thế giới gồm bánh bao, há cảo, xíu mại…
Đa số các quán ăn này lúc nào cũng để sẵn ấm trà thơm phức cho khách giải khát, đây cũng là một trong nét đặc trưng của quán ăn người Hoa. Ở những nơi này khách có thể dùng điểm tâm và thưởng thức giai điệu quen thuộc của các nhạc phẩm như Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Giang sơn mỹ nhân… với âm lượng nhè nhẹ. Vào các buổi sáng cuối tuần, khách có thể thưởng thức các chương trình nhạc sống các bản nhạc Trung Hoa hay Hồ Quảng… tại một số nhà hàng ở Chợ Lớn.
Nhưng nhiều người đã nhận xét rằng “chất Chợ Lớn” bộc lộ rõ nét khi thành phố lên đèn. Phố xá nhộn nhịp. Người qua lại dập dìu. Đêm về cũng là lúc các nhà hàng – khách sạn như Đồng Khánh, Bát Đạt, Ngọc Lan Đình, Ái Huê, Á Đông, Thiên Hồng… nườm nượp khách ra vào.
Các nhà hàng này được trang hoàng rực rỡ với những ánh đèn nhiều màu sắc. Lễ tiệc long trọng dưới bầu không khí mang đậm phong cách của người Hoa. Thức ăn trong các nhà hàng đa dạng và tên gọi cầu kỳ. Những cô gái mặc áo sườn xám, miệng tươi cười sẽ phục vụ món ăn.
Dạo phố người Hoa
Phố người Hoa có những con đường bán thức ăn nổi tiếng, có lịch sử nhiều năm. Chẳng hạn như phố sủi cảo Hà Tôn Quyền có hàng chục quán bán sủi cảo, phố tiềm Phan Xích Long, quận 11, chuyên bán đồ tiềm và các món ăn của người Hoa, phố ăn đêm ở đường Hậu Giang với hằng hà sa số các quán ăn bán những món đặc trưng của người Hoa như hủ tíu xào, mì xào… Khu phố ẩm thực Phạm Ðôn mở gần đây nhất cũng có hàng chục quán bán các món ăn đặc sắc của người Hoa.
Phố người Hoa cũng là nơi có những món chè độc đáo mà nơi khác không có. Ngoài các món chè thông thường, nơi đây còn nhiều món chè đặc trưng của người Hoa, hương vị không lẫn vào đâu được. Quán chè Hà Ký trên đường Châu Văn Liêm có hơn 30 loại chè, trong đó có những món chè đặc sắc như chè tiềm, hạnh nhân, quy phục linh…
Quán chè trên đường Trần Hưng Đạo, đối diện chợ vải Soái Kình Lâm có bề ngoài xập xệ nhưng chè ngon và được nhiều người biết đến. Quán này nổi tiếng với món chè trứng gà nấu với hồng trà, ăn nóng. Trứng luộc qua rồi mới nấu với hồng trà và đường, trà thấm vào làm lòng trắng trứng chuyển sang màu nâu và dai hơn, giúp món ăn dễ tiêu hóa. Quán còn một món khác là trứng gà chưng sữa, ăn lạnh nhưng không nghe mùi tanh.
Nhà văn nữ gốc Hoa Lưu Thị Lương có lần đã nói: “Người Hoa góp phần làm cho Chợ Lớn trông no đủ hơn”. Cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn không chỉ góp phần tích cực cho sự hình thành và phát triển của một vùng đất khá rộng, bao gồm quận 5 và phần lớn các quận 6, 10, 11… mà còn góp phần vào sự định hình “phong cách Sài Gòn” xét về khía cạnh văn hóa. Phố người Hoa giữ chân du khách không chỉ bằng nét văn hóa độc đáo mà còn bằng món ăn của người Hoa chính hiệu.
Dân gian Việt Nam có câu “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây...” ngẫm lại quả không sai. Đến Chợ Lớn, bạn sẽ gặp rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến mua sắm, giải trí và cả thưởng thức các món ăn theo khẩu vị của người Hoa. Du khách nào đến Sài Gòn mà không ghé Chợ Lớn để thưởng thức vài món ăn thì thật đáng tiếc lắm thay.