Chùa Hương mùa không lễ hội: Ngắm hoa súng giá 30 ngàn/ thuyền
Chùa Hương mùa không lễ hội thanh bình và yên tĩnh. Đặc biệt trên đường vào chùa có một đoạn lạch cực đẹp với hoa súng mọc dày, tạo nên một cảnh quan cực hữu tình.
Vốn không thích đi chùa vào mùa lễ hội phải chen chúc đông người, dịch vụ đắt, đi về mới biết mình… còn sống. Chúng tôi thường đi những địa điểm tham quan nổi tiếng xung quanh Hà Nội vào những dịp không phải ngày lễ.
Chùa Hương là một địa điểm nằm trong danh sách. Cụm di tích này cách trung tâm Hà Nội khoảng 58km nếu đi theo đường Ba La, Vân Đình. Còn đi theo đường cao tốc Pháp Vân - Câu Giẽ thì tới Phủ Lý (Hà Nam) rẽ vào thị trấn Quế, đi khoảng 15km nữa cũng tới chùa Hương (xa hơn so với đường cũ khoảng 8-10 km nhưng đường dễ đi, ít dân cư).
Để đi tham quan toàn bộ khu di tích chùa Hương, bắt buộc phải đi đò và cũng nên đi đò. Một số điểm dừng chân chính là đền Trình, chùa Thiên Trù, chùa Hương Tích (có cáp treo đi lên). Ngoài ra còn có hàng chục điểm chùa khác có thể di chuyển bằng đò (đi qua các rạch nhỏ) hoặc đi bằng đường bộ vòng qua núi.
Mùa vắng khách, xung quanh khu vực chùa Hương không khí rất dễ chịu, ít có cảnh chèo kéo du khách, hàng quán được dỡ bớt nên quang cảnh thanh bình, yên tĩnh. Theo quy định của ban quản lý, phí tham quan di tích mỗi du khách là 50.000 đồng, tiền đò 1 người là 40.000 đồng. Tiền gửi xe máy tùy vào gửi nhà dân, gửi ô tô là 40.000 đồng/xe.
Giá một chuyến đò là 240.000 đồng. Mỗi đò theo quy định chở tối đa là 6 người (trong mùa lễ hội con số này có thể lên tới 10-15 người/ đò). Vì thế nếu đi ít hơn 6 người mà muốn thuê nguyên đò, bạn phải trả đủ số tiền cho 1 chuyến đó, nếu nhiều hơn 6 người thì phải trả thêm 40.000 đồng/người.
Miền Bắc một ngày mùa đông ấm, gió nhè nhẹ, trời nắng, không khí trong lành, cảm giác ngồi trên thuyền trôi êm trên dòng suối Yến quả thật vô vùng tuyệt vời. Cô lái đò chèo thuyền bằng tay, chỉ có tiếng khua mái chèo nhè nhẹ, không gian xung quang gần như tĩnh lặng, rất thú vị.
Thi thoảng trên dòng suối Yến có chiếc thuyền bán hàng rong di động với đủ thứ hoa quả, đồ ăn khô, café đóng hộp hay thậm chí cả café phin. Đó là một trải nghiệm thú vị với cốc café phin “công nghiệp” giá 20.000 đồng. Điểm dừng chân đầu tiên là đền Trình, người lái đò sẽ dừng ở đây để bạn vào làm lễ thắp hương, cầu khần. Sau đó lại thong dong trên suối Yến để tới chùa Thiên Trù (cách đền trình khoảng 4km).
Mùa này đã vào mùa cạn, nên suối Yến khá trong, có thể nhìn xuyên xuống đáy, thi thoảng nhìn rõ cả những chú cá nhỏ đang bơi lội xung quanh nhưng đám rong. Hai bên bờ suối còn nhiều lau lách. Một số chỗ là cánh đồng sen đã tàn. Cô lái đò kể những chỗ trồng sen kia trước đây là cánh đồng lúa. Nhưng do có quá nhiều ốc biêu vàng nên lúa không sống được, thay vào đó là sen. Vào mùa hè, có thể vào đây ngắm hoa, chụp ảnh thoải mái, còn mua sen thì có thể tìm số điện thoại được lưu vào một cái cột cắm trên cánh đồng.
Khi tới gần cây cầu màu đỏ bắc qua suối Yến, có một đoạn lạch khá rộng, nhìn vào bên trong rất nhiều hoa súng đang nở. Cô lái đò gợi ý, đây là đoạn duy nhất có nhiều hoa súng tại suối Yến, nhưng sẽ phải mất 30.000 đồng/thuyền cho người dân trên bờ để họ cho vào. “Gọi là phí chăm nom, giữ gìn thôi”, cô lái đò nhấn mạnh.
Du khách chụp ảnh ở đoạn lạch duy nhất nhiều hoa súng trên đường vào chùa.
Đoạn lạch này dài khoảng 50m, hoa súng mọc dày, nở rất đẹp. hai bên bờ lạch là những hàng cây đã rụng hết lá, khẳng khiu trơ trọi, xa xa, thi thoảng có đám khói mờ mờ do ai đó đang dọn lau lách tạo nên bức tranh hữu tình. “Quả đáng đồng tiền, nếu được đầu tư thêm, thì địa điểm này cũng thu hút đông khách chả kém gì những tiểu cảnh nhân tạo đang làm mưa, làm gió ở Hồ Tây”, một người trong đoàn chúng tôi nhận xét.
Sau khi đã thỏa mãn ngắm cảnh và lưu lại được khá nhiều bức ảnh đẹp, chúng tôi tiếp tục hành trình tới chùa Thiên Trù. Tại đây, du khách sẽ có 2 phương án. Đầu tiên, có thể thăm Thiên Trù rồi đi đường bộ lên Hương Tích. Thứ 2, có thể đi cáp treo lên Hương Tích, rồi về thăm chùa Thiên Trù.
Mùa vắng khách, cáp treo không hoạt động liên tục mà cứ đợi đông đông người mới mở máy một lần. Điểm cần lưu ý là vé cáp treo được bán phía dưới khu vực đông hàng quán. Lên phía trên có điểm bán vé nhưng đóng cửa. Vì thế hãy chú ý tấm biển to phía dưới để đỡ mất công leo lên khu vực đi cáp treo lại phải chạy ngược lại mua vé. Giá cáp treo khứ hồi cho người lớn là 140.000 đồng, 1 chiều là 90.000 đồng, trẻ nhỏ giá giảm 1 nửa.
Động Hương tích có cảnh sắc vô cùng hùng vĩ đúng với danh xưng: Nam thiên đệ nhất động.
Cảnh từ Hương Tích nhìn lên.
Tại khu vực này có khá nhiều hàng quán với rất nhiều món ăn. từ ăn chơi đến ăn chính. Bạn đừng bỏ lỡ món chè củ mài nổi tiếng của Chùa Hương. Nếu mang theo đồ ăn, bạn cũng có thể thuê chiếu với giá 20.000 đồng để ngồi ăn.
Đồ ăn vặt bán trên đường đi.
Chè củ mài nổi tiếng của Chùa Hương.
Buổi chiều quay trở lại bằng đò, trời vẫn khá mát mẻ, có nắng. Nếu ai chưa qua khu vực có hoa súng nở thì quả khá tiếc nuối, vì chỉ tới trưa, hoa súng lại cụp vào hết, không còn khoe sắc nữa. Thuyền chở chúng tôi lại thong dong trên dòng suối Yến, thi thoảng mới gặp thuyền đi ngược dòng. Một buổi chơi về đất Phật quả thật để lại nhiều cảm xúc.
Một lưu ý nho nhỏ về cuối hành trình. Tiền đò 40.000 đồng/người là do ban quản lý thu. Tuy nhiên, người lái đò phục vụ khá tốt, nhiệt tình và cũng có lời gợi ý luôn nên bạn “phải bo"cho họ. Thường tiền bo cho một chuyến đò tối thiểu cũng khoảng 200 ngàn đồng.