Cháo canh thành Vinh

Huyền Anh, nguồn ảnh aFamily.vn,
Chia sẻ

Gọi là cháo nhưng không phải là cháo; nhìn giống mỳ vằn thắn, nhưng đó là cháo canh, đặc sản thành Vinh.

Cháo canh mà nhiều nơi còn gọi là bánh canh. Bánh canh làm từ bột mỳ. Trước tiên, bột mỳ trộn nước lạnh được nhào kỹ cho nhuyễn. Nếu như ngày trước, người bán hàng dùng tay để nặn những sợi bánh thì nay công đoạn đó đã được máy hóa. Sợi mỳ chỉ nhỉnh hơn đầu đũa được cho ngay vào nồi nước sôi để làm chín. Những sợi bột mỳ khi ấy mới nở, mới thật dẻo và dai.
 
Mỳ cho vào nồi thường xuyên được khuấy để không bị dính vào nhau. Càng đun lâu thì sợi mỳ càng trong.
 

Sợi bánh canh dẻo, trong.

Cháo canh có nhiều vị như cháo canh tôm, cháo canh giò heo… nhưng với những người dân Vinh thì quen thuộc nhất vẫn là vị cháo canh thịt.


Cháo canh thịt lợn thân thuộc với người thành Vinh nhất.

 
Cháo canh thịt đặc biệt nhất là ở thứ nước được chan vào bát mỳ sợi. Xương lợn được ninh nhừ để lấy nước cốt làm nước dùng. Nước dùng có vị ngọt của xương thịt, vị cay cay của ớt chưng, vị ngậy ngậy thịt nạc.

Mỗi khi khách gọi món, bà chủ sẽ nhanh tay cho mỳ và múc nước dùng vào tô, rắc ít hành hoa thái nhỏ và một thìa ớt chưng lên trên để bát mỳ thêm màu sắc và hương vị. Ngoài ra, thưởng thức cháo canh đúng điệu còn cần có vài lá mùi tàu.

Nước dùng, hành hoa, ớt với màu trắng của cháo canh.

Tô cháo canh vốn đã khiến người thưởng thức thích thú bởi màu trắng trong của bánh canh bên cạnh những màu sắc hài hòa khác. Nhưng để no bụng vẫn cần gọi thêm một vài lát bánh mỳ rán giòn để ăn kèm.
 
Khi ăn nên vắt thêm ít chanh để tạo vị chua cho bát cháo canh. Những người thích cay có thể thêm ớt quả hay ớt ngâm. Tuy nhiên, thìa ớt trưng của bà chủ quán cũng đã đủ khiến người ta xuýt xoa.
 
Gọi là cháo mà chẳng giống cháo là điểm thú vị của món đặc sản thành Vinh này.
 
Một góc thành Vinh.
Chia sẻ