Xe khách 40 chỗ nhồi gần 100 người, giá vé cao gần gấp 3 ngày thường
Lượng khách tối đa cho phép của mỗi xe khách là 40 người, thế nhưng sau Tết, nhiều nhà xe đều nhồi nhét gấp đôi lượng khách, có xe chở đến gần 100 người.
Trên các trang mạng xã hội, hình ảnh hành khách chen chúc, la liệt trên các xe khách giường nằm được đăng tải nhan nhản. Hầu hết nội dung các bài đăng đều than thở vì bị nhồi nhét đến mức nghẹt thở.
Anh Nguyễn Anh Minh (quê Nghệ An) cho biết, năm nay, lịch trở lại làm việc tại TP.HCM của anh là 30/1 (tức mùng 9 Tết). Do giá vé máy bay quá cao (hơn 4 triệu đồng/chiều), anh buộc phải lựa chọn ô tô khách làm phương tiện di chuyển. Vì đi xe khách, anh phải đi trước 2 ngày để kịp lịch làm việc.
Ngày 26/1, anh gọi điện cho các nhà xe thì được báo giá từ 1,7 - 1,9 triệu đồng/chiều. Mức giá này tăng gần gấp 3 lần so với ngày thường là 700 nghìn đồng/chiều.
Theo lịch hẹn của nhà xe A.H., tối 28/1, anh có mặt tại điểm đón để xuất phát. Lên xe, anh giật mình khi thấy xe được kê thêm luồng ở tầng trên, hành khách vật vạ, chen nhau giữa các luồng. Vì không gian chen chúc trong xe phức tạp, cả chuyến đi anh Minh chỉ dám chợp mắt vài lần.
"Lên xe cũng phải kiểu bò lên chứ không đi được vì tầng trên bị kê thêm luồng rồi. Nằm thì như không cử động được luôn. Lúc dừng chân xuống ăn trưa tôi đếm được hơn 80 người. Cũng may là nhà xe còn dừng cho ăn đủ 3 bữa, chuẩn bị đầy đủ nước uống và kem đánh răng... Chứ như bạn tôi, lúc trước Tết, từ TP.HCM về Nghệ An, nhà xe nhồi nhét gần 100 người", anh Minh nói.
Nhà xe nói trên là L.T., một trong những nhà xe khá tai tiếng chạy tuyến Nghệ An - TP.HCM bị không ít hành khách phản ánh vì nhồi nhét và cắt phần ăn của hành khách. Chạy 28 tiếng, nhà xe chỉ dừng cho hành khách ăn một lần.
Anh Quân (quê Hà Tĩnh) cho biết, hôm 24 tháng Chạp, anh đặt xe L.T. từ TP.HCM về Hà Tĩnh, giá vé là 1,7 triệu đồng. Trên xe thời điểm đó có gần 100 người.
"Giá vé đã gần gấp 3, đã nhồi nhét gần 100 người. Một tuyến như thế nhà xe cũng thu về hơn 160 triệu đồng rồi, thế mà nhà xe chỉ dừng cho chúng tôi ăn 1 bữa. Bình thường các xe khác sẽ lo ăn 3 bữa. Ai cũng bức xúc, phản ánh thế nào nhà xe cũng mặc kệ", anh Quân cho hay.
Ngoài những hành khách bức xúc phản đối, vẫn nhiều hành khách cho rằng nên thông cảm cho nhà xe. Theo những hành khách này, các ngày trong năm, nhà xe chỉ lác đác khách nhưng vẫn phải chạy đủ chuyến, vì vậy Tết là dịp để các nhà xe làm bù trong năm.
Cụ thể, trên một số hội nhóm liên quan đến giao thông trên Facebook, dưới bài đăng phản ánh tình trạng xe khách nhồi nhét người, nhiều bình luận cho rằng "nên đặt mình vào vị trí của nhà xe".
Tài khoảng T.H. viết: "Những ngày thường người ta chạy ghế trống rất nhiều, Tết phải cho người ta bù lại chứ. Ai cũng muốn kiếm tiền mà".
Tài khoản P.N. bình luận: "Tết thì giá cao là hiển nhiên rồi, vé máy bay cũng thế thôi. Tết nhất đừng bàn đến giá".
Một số tài khoản lại cho rằng, "có xe để đi là may lắm rồi".
"Lễ Tết thì khách đông, nhà xe có ép lên xe đâu mà giờ than. Người ta còn chạy cho mà đi là may rồi", tài khoản N.M. viết.
Việc nhồi nhét hành khách với loạt hệ quả luôn rình rập như cháy nổ, nghiêng đổ... có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thế nhưng, dường như đây lại là minh chứng rõ ràng nhất cho tình trạng "con voi chui lọt lỗ kim" hiện nay khi không bị một lực lượng chức năng nào kiểm tra, xử lý.
"Đi cả chặng từ Bắc vào Nam vậy mà đâu thấy CSGT kiểm tra gì đâu. Khách bị nhồi nhét thở không nổi mà vẫn xe vẫn băng băng chạy", một tài khoản Facebook viết.
Khoản 4 và Điểm a Khoản 8 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng trên mỗi người vượt quá trên xe khách. Trường hợp vượt trên 100% số người quy định được phép chở của phương tiện thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng.
Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn phải bố trí phương tiện khác để chở số hành khách vượt quá quy định được phép chở của phương tiện.