Xây cầu bộ hành đặc biệt ở trung tâm TPHCM

THU HỒNG - LÊ VĨNH,
Chia sẻ

Công trình sẽ giúp du khách thuận tiện hơn khi tham quan các công trình kiến trúc, lịch sử tại trung tâm TPHCM. Tuy nhiên, cần lưu ý tính mỹ thuật để hài hòa với không gian văn hóa chung.

Ngoài phố đi bộ Nguyễn Huệ thì Công viên Bạch Đằng sau khi chỉnh trang, đưa vào hoạt động năm 2021 đã thu hút đông du khách đến vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, việc đi lại của người dân giữa hai nơi này dù gần nhưng bất tiện.

Xây cầu bộ hành đặc biệt ở trung tâm TP HCM - Ảnh 1.

Giữa dòng phương tiện đông đúc, khách du lịch vất vả băng qua đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM

Du khách lúng túng

Hầu như cuối tuần nào anh Phạm Viết Trung (ngụ quận 3, TP HCM) cũng đưa vợ và 2 con nhỏ ra khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ và Công viên Bạch Đằng (quận 1) để vui chơi, thư giãn. Anh Trung nhận xét việc di chuyển qua lại giữa 2 khu vực này còn nhiều hạn chế. "Từ phố đi bộ Nguyễn Huệ muốn sang Công viên Bạch Đằng hóng gió, ngắm cảnh thì phải băng qua đường Tôn Đức Thắng. Con đường này rộng, luôn dày đặc phương tiện lưu thông nên việc băng qua rất khó khăn, tiềm ẩn nguy hiểm" - anh Trung nói.

Anh Lê Quang Dũng Phong - tài xế - thừa nhận đường Tôn Đức Thắng có lưu lượng xe rất lớn, nhất là từ 16 đến 18 giờ hằng ngày. Theo anh Phong, đây cũng là thời điểm người dân và du khách có nhu cầu băng qua con đường này để sang phố đi bộ Nguyễn Huệ và Công viên Bạch Đằng cao nhất trong ngày. "Xe đông, người đi bộ qua lại nhiều nên khu vực này thường xuyên xảy ra kẹt xe. Nhất là đoạn từ cầu Khánh Hội về cầu Ba Son" - anh Phong nói. Anh cho rằng khi người dân và du khách đến phố đi bộ Nguyễn Huệ thì thường muốn sang Công viên Bạch Đằng và ngược lại. Chính vì vậy, cần có cầu bộ hành kết nối 2 địa điểm này, không nên phó mặc sự an toàn cho may rủi khi băng qua đường.

Ông Nguyễn Văn Cao, nhân viên bảo vệ của Công viên Bạch Đằng, cũng nhìn nhận đường Tôn Đức Thắng có lượng xe đông nên nhiều người gặp khó khăn trong việc sang đường. Chỉ tay về phía nhóm 5 du khách người nước ngoài đang nhấp nhổm đợi qua đường, ông Cao kể: "Khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài, rất lúng túng. Họ cứ nấn ná bên đường thật lâu rồi mới dám qua. Nhiều người nhón chân được vài bước thì vội rụt trở lại vì thấy bóng xe đang vút tới. Những lúc như vậy rất nguy hiểm".

Hay tin có thể sắp có cầu bộ hành kết nối phố đi bộ Nguyễn Huệ đến Công viên Bạch Đằng, ông Cao nói rất ủng hộ việc này.

Xây cầu bộ hành đặc biệt ở trung tâm TP HCM - Ảnh 2.

Nhiều ý kiến ủng hộ việc xây cầu bộ hành kết nối phố đi bộ Nguyễn Huệ và Công viên Bạch Đằng. Ảnh: LÊ VĨNH

Định hình ý tưởng

Theo tìm hiểu, từ năm 2018, UBND quận 1 kiến nghị UBND TP HCM xây cầu vượt bộ hành hoặc hầm chui nhằm tạo điều kiện kết nối xuyên suốt các điểm tham quan, du lịch từ trung tâm ra phía bờ sông. Sau đó, UBND thành phố giao các sở, ngành khảo sát, đề xuất vị trí thực hiện.

Nhận định việc xây cầu bộ hành kết nối phố đi bộ Nguyễn Huệ đến Công viên Bạch Đằng là cần thiết, kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn cho rằng công trình sẽ giúp việc đi lại của du khách thuận tiện hơn khi tham quan các công trình kiến trúc, lịch sử tại trung tâm thành phố. Tuy nhiên, đây không phải là cầu vượt bộ hành thông thường nên khi thiết kế cần lưu ý tính mỹ thuật để hài hòa với không gian văn hóa chung của Bến Bạch Đằng, khu trung tâm và phố đi bộ Nguyễn Huệ.

"Cầu phía Bến Bạch Đằng nên thiết kế không gian để người dân ngắm cảnh, dưới cầu kết hợp không gian xanh, nhà vệ sinh, quán cà phê để phục vụ khách tham quan. Khi thực hiện công trình này, cần bổ sung mảng xanh cho Công viên Bạch Đằng, không cần cây to, chỉ cần cây nhỏ cho bóng mát để tạo không gian xanh" - KTS Ngô Viết Nam Sơn lưu ý.

Cho rằng công trình cần hoàn hảo từ khâu thiết kế đến xây dựng, KTS Huỳnh Xuân Thụ nhấn mạnh vị trí cầu vượt bộ hành nên được khảo sát kỹ để mang lại kết quả nhiều mặt.

Về mặt kỹ thuật, theo KTS Huỳnh Xuân Thụ, có thể bố trí thang cuốn bên phía cầu ở phố đi bộ để giúp khách tham quan dễ tiếp cận do độ tĩnh không cầu sẽ cao, đây sẽ là điểm nhấn đặc biệt mang nét hiện đại vì lần đầu tiên triển khai tại TP HCM. Bên kia cầu phía Bến Bạch Đằng là ram dốc giúp công trình nhẹ nhàng, thanh thoát bên cạnh bồn hoa, cây xanh. TP HCM cần tổ chức cuộc thi ý tưởng thiết kế rộng rãi để có ý tưởng tốt. Khi các ý tưởng vào vòng 2, vòng 3 có thể làm mô hình để người dân góp ý thêm.

Cùng quan điểm, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, nhất trí rằng nên tổ chức cuộc thi để tìm ý tưởng tốt nhất. Quanh khu vực công trình có nhiều di tích lịch sử như Bến Nhà Rồng, cảng Ba Son… nên công trình cần bảo đảm mục tiêu mỹ quan kiến trúc đô thị sau đó mới kết hợp giải quyết nhu cầu đi bộ của người dân. 

Thống nhất vị trí xây dựng

Ngày 28-3, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở Giao thông Vận tải), Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND quận 1, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt cùng nhiều đơn vị liên quan đã khảo sát vị trí xây dựng cầu vượt bộ hành từ đường Nguyễn Huệ ra Công viên Bạch Đằng.

Sau khi khảo sát, tất cả cùng thống nhất cầu vượt kết nối đường Nguyễn Huệ với Công viên Bạch Đằng băng ngang đường Tôn Đức Thắng sẽ làm giảm tình trạng ùn ứ giao thông, giảm nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông do người đi bộ băng qua đường hiện nay.

Các bên cũng thống nhất từ vỉa hè đường Nguyễn Huệ (phía đường Đồng Khởi) với Công viên Bạch Đằng là vị trí cần thiết nhất hiện nay. Ngoài ra, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật sẽ khảo sát thêm các vị trí trên tuyến phù hợp để đề xuất Sở Giao thông Vận tải xem xét.

Chia sẻ