Hà Nội xử lý các trường hợp "phớt lờ" cầu bộ hành, băng qua đường

Tuyết Mai,
Chia sẻ

Trước tình trạng người đi bộ “phớt lờ” cầu bộ hành, băng qua đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội giao Thanh tra Sở phối hợp với các đơn vị chức năng của Công an thành phố, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp mang tính cưỡng chế như lắp hàng rào, trồng cây xanh tại dải phân cách để ngăn chặn vi phạm.

Hà Nội xử lý các trường hợp "phớt lờ" cầu bộ hành, băng qua đường - Ảnh 1.

Nhiều người đi bộ vẫn băng qua đường không đúng nơi quy định.

Toàn thành phố hiện có 70 cầu bộ hành phục vụ người đi bộ sang đường, chủ yếu ở các nút giao cắt và khu vực gần trường học, bệnh viện là những khu vực có mật độ giao thông đông đúc. Sau khi đưa vào hoạt động, các cây cầu này đã giúp người đi bộ sang đường thuận lợi an toàn.

Tuy nhiên, do muốn rút ngắn thời gian sang đường, nhiều người đã “phớt lờ” cầu bộ hành, băng qua đường gây nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông trên đường.

Điển hình như tại cầu bộ hành trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), đoạn gần nút giao Mai Dịch - Phạm Hùng và trước cổng Trường Đại học Quốc gia; nút giao thông Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa), Bệnh viện K Tân Triều (huyện Thanh Trì); cầu vượt Xã Đàn, gần ngã tư Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch; cầu bắc qua đường Giải Phóng - Lê Thanh Nghị, đối diện cổng Bệnh viện Bạch Mai...

Mặc dù các cây cầu này đi vào hoạt động đã lâu nhưng nhiều người, từ học sinh, sinh viên, đến cả người cao tuổi vẫn chưa xây dựng được thói quen tham gia giao thông đúng quy định. Vẫn có thể dễ dàng bắt gặp cảnh người dân băng qua đường, thậm chí trèo qua dải phân cách khi các phương tiện lưu thông trên đường đông đúc. Điều này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông mà còn khiến các cây cầu nhiều tỷ đồng xây xong không phát huy tác dụng, lãng phí ngân sách của nhà nước.

Thời gian qua, khi phát hiện vi phạm, các lực lượng chức năng chủ yếu nhắc nhở, hướng dẫn người dân đi đúng phần đường, không gây trở ngại cho người khác tham gia giao thông. Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội tổ chức hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên dịp đầu năm học mới giúp các em hiểu rõ hơn về những quy tắc ứng xử thông qua các bài giảng trực quan, sinh động, từ đó giúp các em có thể bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia giao thông, để giảm thiểu tình trạng trên, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân cũng cần tăng cường các biện pháp mang tính cưỡng chế và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định

Trước đó, năm 2019, tại lễ khởi công đầu tư xây dựng 18 cầu dành cho người đi bộ tại các tuyến phố: Chùa Bộc, Láng Hạ, Giảng Võ, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai, Tây Sơn, Nguyễn Trãi, Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy, Trần Khát Chân, Giải Phóng, Thái Hà, Ngọc Hồi thuộc dự án tăng cường an toàn giao thông, đại diện Ban quản lý dự án trọng điểm đô thị Hà Nội cho biết, mục tiêu của dự án là tăng cường an toàn trên các tuyến phố xây dựng cầu, hạn chế tai nạn giao thông của người đi bộ, cải thiện giao thông dọc những tuyến đường chính trong hệ thống trục đường đô thị Hà Nội, cải thiện môi trường sống của dân cư.

Việc 18 cầu bộ hành trên được đưa vào khai thác đồng bộ với các dự án thành phần thuộc dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, giai đoạn 1, bao gồm: Nút giao thông Ngã Tư Sở, Nút giao thông Ngã Tư Vọng, Nút giao thông Kim Liên; Nút Nam cầu Thăng Long, đường trên đê Hữu Hồng, đường vành đai 1 – đoạn Kim Liên – Ô Chợ Dừa; góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông cho Thủ đô.

Chia sẻ