"Năm sau liệu có dạy trẻ thể hiện lòng dũng cảm bằng cách thò tay vào ổ điện?"
Rất nhiều phụ huynh học sinh tỏ ra bức xúc trước cuốn giáo trình dạy lòng dũng cảm được cho là phản cảm này.
Phu huynh tá hỏa vì sách nhảm
Không ít bậc phụ huynh đặt câu hỏi: "Năm nay sách dạy trẻ thể hiện lòng dũng cảm bằng đi trên thủy tinh vỡ, liệu năm sau có dạy trẻ con thò tay vào ổ điện, nhảy từ tầng 18 chung cư Linh Đàm để chứng minh?" khi xem bài học "Vượt qua nỗi sợ" của sách "Thực hành kĩ năng sống dành cho học sinh lớp 1" do TS Phan Quốc Việt chủ biên, phần câu chuyện minh họa sử dụng mẩu chuyện Bạn An dũng cảm (trang 77). Trong đó có chi tiết học sinh đi qua thảm thuỷ tinh để thử thách lòng dũng cảm, bất cứ phụ huynh nào xem xong cũng đều bàng hoàng, lo lắng.
Nhiều phụ huynh sau khi được xem những hình ảnh trong cuốn sách dạy kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 đi trên thủy tinh cảm thấy hoang mang, lo lắng vì nội dung chứa nhiều yếu tố nguy hiểm.
Là người rất hay để ý tới việc học hành của con, chị Mỹ Ngọc (Yên Phụ, Hà Nội) – có con đang chuẩn bị bước chân vào lớp 1, chị chia sẻ: “Tháng 9 tới con tôi bắt đầu đi học mà sao đọc những nội dung này tôi lo sợ thật sự. Những nội dung đó trong cuốn sách hoàn toàn không phù hợp với việc giáo dục trẻ nhỏ. Trẻ con 5, 6 tuổi nhận thức còn quá ít, sao lại ra đời những cuốn sách dạy con lòng dũng cảm dựa trên sự nguy hiểm chết người như thế này”.
Cũng có cùng quan điểm này, anh Quốc Cường (Hoàng Quốc Việt) bức xúc cho rằng: "Tại sao lại dạy trẻ cách mà chúng có thể tự khiến mình bị thương, và sẽ là đại họa nếu như những đứa trẻ hiếu động tự đập chai ra và thực hành cách mà sách gọi là thể hiện lòng dũng cảm. Dũng cảm là gì? Là có thể thấy người già bị ngã, em nhỏ sang đường và mình đỡ họ dậy, dắt tay họ sang, là cứu động vật, là dám làm sai thì dám chịu phạt... Chứ ai lại dạy trò dại dột này. Tác dụng thì chưa thấy, tôi chỉ thấy nếu để những cuốn sách này công khai thì chỉ có rước hậu quả mà thôi”.
Chị Minh Hà – một giáo viên dạy tiểu học cho biết, với cương vị là một người gõ đầu trẻ, hơn ai hết chị biết sứ mệnh của những người làm giáo dục là muốn nhận thức của trẻ phát triển, thời đại ngày nay trẻ con cần nhiều hơn những câu chuyện cổ tích Tấm Cám, trẻ con cần thực hành. Tuy nhiên, cô Hà cũng không đồng tình khi sách giáo khoa đưa ví dụ về lòng dũng cảm như vậy. “Có rất nhiều cách để minh họa cho bài học thể hiện lòng dũng cảm nhưng tuyệt đối không nên ví dụ như trong sách đã nêu”, cô nhấn mạnh.
Không chỉ ở câu chuyện bạn An mà nhiều câu chuyện ở những sách tham khảo đang bày bán tràn lan dạy cho trẻ nhỏ những kiến thức mà phụ huynh đọc xong ai cũng bị choáng váng.
Thị trường nhốn nháo
Các năm gần đây, thị trường sách cho thiếu nhi được coi là thị trường màu mỡ của nhiều đơn vị xuất bản, bởi nhu cầu trên thực tế khá lớn.
Sẽ không có gì lạ khi những bộ sách truyện cổ tích Việt Nam, truyện cổ tích thế giới xuất hiện tràn ngập trên thị trường. Tuy nhiên, sự phát triển nở rộ của thị trường sách thiếu nhi đang dẫn đến nguy cơ: lượng thì tăng mà chất thì giảm mạnh.
“Hỏi đáp nhanh trí” (tác giả Đức Trí, NXB Văn hóa – Thông tin) là cuốn sách mà đọc xong phụ huynh nào cũng hoảng sợ. Anh Hiếu (Định Công, Hà Nội) bức xúc: “Tôi bận rộn ít có thời gian đọc sách với con, dạy con học, tôi khá tin tưởng sách do những đơn vị uy tín phát hành. Thế nhưng khi đọc được ấn phẩm dạy con có nội dung bạo lực, phản giáo dục tôi bức xúc vô cùng”.
Một số nội dung phản cảm được phóng viên ghi nhận như sau:
"Người nào suốt ngày xoa vào mông người khác?", đáp án "Y tá tiêm cho bệnh nhân"
"Anh A bị chặt đầu lúc 40 tuổi, vậy con cái anh A bị làm sao?", đáp án: "Bị mồ côi"
"Ðánh vào chỗ nào thì sẽ không có cảm giác đau?", đáp án: "Ðánh vào người khác”
"Bạn có thể kể tình hình cơ bản nhất của các tác gia vĩ đại trong thế kỷ 18?", đáp án: "Họ đều mất rồi"
"Một người sau khi bị chặt đầu sẽ như thế nào", đáp án: "Bị thay đổi chiều cao"
"Người nào không bao giờ phải lo lắng nghĩ ngợi?" đáp án: "Người chết"
Chị Thủy Tiên (Liễu Giai, Hà Nội) cho biết, là mẹ của con nhỏ, chị không hiểu sau này nếu con mình tiếp thu những loại sách này vào người, bé sẽ bị lệch lạc như thế nào và "không biết tiêu chí "nhanh trí" được người làm sách đặt ra là căn cứ vào đâu, mà chỉ thấy tràn ngập trong cuốn sách là những kiến thức rất đáng sợ như vậy? Học rồi hành theo sách thì thành tật chứ sao thành người được!".