Bị chấm dứt hợp đồng, 185 giáo viên mầm non gửi đơn kêu cứu
Hơn 10 giáo viên đại diện, thay mặt cho 185 giáo viên mầm non của Huyện Sóc Sơn gửi đơn thư kêu cứu tới Tòa soạn báo Trí Thức Trẻ trong nhiều ngày qua.
Trao đổi trực tiếp với đại diện của 185 giáo viên Mầm Non (MN –Pv) bị cắt hợp đồng không có lý do rõ ràng, các cô đều ngân ngấn nước mắt tâm sự về hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình trong thời điểm hiện tại. Nhiều giáo viên rơi vào trạng thái tiêu cực vì không thấy hướng đi công việc trong tương lai khi họ đã gắn bó gần 3 năm với công việc này. Có giáo viên bắt đầu tập đi chợ bán hoa vào những ngày rằm, lễ.
Giáo viên Đ.T.H (Trường MN Đức Hòa) cho biết mình đang rơi vào hoàn cành cùng cực. Nhà cô Đ.T.H có ba cháu nhỏ, 2 cháu sinh đôi, chồng không có công ăn việc làm nên thời gian bị đuổi việc không lý do, cô H đã khóc lóc, lo lắng rất nhiều bởi gánh nặng kinh tế gia đình.
Cô Đ.T.N thì trớ trêu không kém, trong thời gian công tác tại trường MN Tân Hưng, dù chỉ là bằng Trung Cấp, sau gần 3 năm cô phấn đấu học lên Đại Học. Ngày nhận được bằng cũng là ngày cô biết mình bị buộc cắt hợp đồng công việc. Với 2 lần đi học trong thời gian gần 6 năm trời, cô N cho hay mình bỏ ra gần 50 triệu để cho việc học lên Đh khi mà lương chỉ hơn 2 triệu đồng. Cô cho hay “Phấn đấu, cố gắng, cuối cùng chỉ ném xuống sông bể.”
Cùng với Đơn thư kêu cứu và danh sách hơn giáo viên bị thôi việc giữa chừng kèm với các chữ ký mà các cô gửi trực tiếp báo chí trong ngày 30.7.2015, trong đơn thư được tường thuật lại như sau:
“Chúng tôi được nhận quyết định của UBND huyện vào ngày 01-09-2012 là giáo viên vào làm việc tại các trường Mầm Non(MN-pv) trong huyện. Trong quyết định của chúng tôi có 1 điều khoản: “Các giáo viên phải tham gia 1 kỳ thi tuyển gần nhất tại đơn vị có chỉ tiêu tuyển dụng, nếu tham gia kỳ thi mà không đỗ hoặc không tham gia kỳ thi sẽ bị cắt hợp đồng.” Tuy nhiên năm 2013- 2014, huyện có một kỳ thi viên chức nhưng chỉ cho những giáo viên có bằng tốt nghiệp loại khá, giỏi mới được tham gia kỳ thi đó.
Đơn thư cũng cho biết như sau, trong số 185 giáo viên bị cắt hợp đồng sau này, từng có nhiều giáo viên đã tham gia kỳ thi tuyển tại nơi mình công tác nhưng họ không đạt. Và cũng nhiều giáo viên không tham gia kỳ thi, như vậy được coi là bỏ thi. Thế nhưng, bản thân các giáo viên này không bị cắt hợp đồng năm 2013, họ vẫn được giữ lại công tác trong năm học 2014-2015 với lý do “các trường MN Huyện thiếu giáo viên”.
Các chị cho biết thêm: “Năm 2014, Huyện có thi viên chức, chúng tôi đều được tham gia thi nhưng không đỗ. Chúng tôi vẫn được giữ lại công tác tiếp cho đến hết năm học 2014-2015.”
Cho đến ngày 31-12-2014, các giáo viên này đều nhận được thông báo của phòng nội vụ huyện Sóc Sơn đưa về các trường với nội dung như sau: UBND huyện và Phòng nội vụ giao cho hiệu trưởng các trường ký thanh lý hợp đồng với các giáo viên đang làm hợp đồng. Tiếp tục gia hạn với các giáo viên đó và ký thêm hợp đồng làm việc 6 tháng từ ngày 01-01-2015 đến 30-06- 2015.
Cô D.T.L (Trường MN Bắc Sơn) bức xúc: “Chúng tôi được ký hợp đồng thẳng với cô hiệu trưởng Dương Thị Thuần (đã về nghỉ hưu) là không thời hạn, thế nhưng sau này lại có quyết định phải ký hợp đồng 6 tháng từ Huyện đưa về. Chúng tôi cảm giác như mình bị ép buộc phải ký hợp đồng này, dù chúng tôi đều là giáo viên giạy giỏi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong quá trình công tác không hề vi phạm hay bị kỷ luật gì.”
Xác nhận ý kiến của cô D.T.L, cô V.T.C (giáo viên Trường MN Quang Tiến) khẳng định thêm:“Nhà trường ép buộc phải ký vào hợp đồng 6 tháng này, khi tôi hỏi “nếu tôi không ký thì sao?”, thì phía nhà trường cho biết “sẽ bị đuổi việc ngay”.
Ngày 01-07-2015, những giáo viên này chính thức nhận được thông báo của Phòng nội vụ gửi về các trường với nội dung: “Yêu cầu kế toán các trường không đưa danh sách các giáo viên hợp đồng vào bảng lương quý 3”.
Đến ngày 13-07-2015 thì tất cả các giáo viên MN hợp đồng và các hiệu trưởng các trường MN trong huyện được mời đến Hội trường UBND huyện nghe thông báo cắt hợp đồng từ ông Lê Hữu Mạnh (Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn) và ông Hồ Việt Hùng (Trưởng phòng nội vụ.)
Qua 34 tháng công tác tại các trường của 185 giáo viên, mỗi trường lại có một cách ký hợp đồng khác nhau. Có trường thì chỉ ký duy nhất 1 lần, có trường trong vòng 34 tháng ký 3 lần hợp đồng lao động. Đến thời điểm này toàn bộ giáo viên chúng tôi chưa nhận được bản thanh lý hợp đồng hay chấm dứt hợp đồng nào từ UBND huyện hay phòng nội vụ.
Khi phóng viên chúng tôi đến trụ sở của UBND Huyện Sóc Sơn làm việc, ông Lê Hữu Mạnh (Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn) và ông Hồ Việt Hùng (Trưởng phòng nội vụ) đều đi vắng. Trao đổi qua điện thoại với ông Lê Hữu Mạnh, ông cho biết sẽ hẹn gặp và trao đổi với phóng viên trong thời gian tới.
Chúng tôi gặp gỡ ông Nguyễn Văn Xuất (Chủ tịch Công đoàn giáo dục huyện Sóc Sơn) hỏi về trường hợp Công đoàn có tiếng nói như thế nào với trường hợp 185 giáo viên mất việc. Ông nói rằng việc này phải hỏi phòng Nội vụ Sóc Sơn, vì Phòng quản lí về con người, bản thân các giáo viên này kí hợp đồng với trường và khi hết hợp đồng thì thôi. Phía giáo viên cũng không có ý kiến gì với Công đoàn.
Ông Xuất cho biết thêm: “Khi mà kí với trường chúng tôi không được tham gia gì. Sở Nội vụ Sóc Sơn đang có kế hoạch giảm biên chế. Ngay lúc đầu đã có thông báo thỏa thuận trong hợp đồng nêu rõ việc hết thời gian. Chúng tôi không thể can thiệp gì.”
Khi chúng tôi đề cập vụ việc này với Phòng Giáo Dục Sóc Sơn, ông Thanh (Trưởng Phòng Giáo Dục Sóc Sơn)cho hay “Cái đó phải làm việc lãnh đạo Huyện, chúng tôi không có thẩm quyền.”