WHO thúc đẩy tiêm chủng định kỳ cho trẻ em
WHO đang phối hợp với các tổ chức và cơ quan phi lợi nhuận khác nhằm khắc phục tình trạng suy giảm tiêm chủng định kỳ cho trẻ em do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Khắc phục tình trạng suy giảm tiêm chủng định kỳ cho trẻ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 là mục tiêu hành động của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng với sự phối hợp của các tổ chức và cơ quan phi lợi nhuận như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Liên minh vaccine toàn cầu (GAVI) và Quỹ Bill & Melinda Gates.
Sáng kiến trên được công bố ngày 24/4, theo đó WHO cùng UNICEF, GAVI và Quỹ Bill & Melinda Gates phối hợp tìm cách bảo vệ các quốc gia khỏi sự bùng phát của các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine như sởi hay sốt vàng da. Những nỗ lực này sẽ tập trung vào việc tăng tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em ở 20 quốc gia chiếm 75% số trẻ bỏ lỡ tiêm chủng trong năm 2021.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "WHO đang hỗ trợ hàng chục quốc gia khôi phục tiêm chủng và các dịch vụ y tế thiết yếu khác. Bắt kịp tiến độ tiêm chủng sau đại dịch là ưu tiên hàng đầu. Không để trẻ nhỏ nào phải chết vì một căn bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine”.
Việc tiêm chủng định kỳ cho trẻ em đã bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19. (Ảnh: AP)
Tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em trên toàn cầu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đại dịch COVID-19, khi các phòng khám bị quá tải và các biện pháp phong tỏa, hạn chế để phòng dịch làm gián đoạn vận chuyển vật tư y tế thiết yếu.
Theo WHO, trong năm 2021, có tới 25 triệu trẻ em dưới 1 tuổi không được tiêm các mũi vaccine cơ bản. Tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em trên toàn cầu trong năm này cũng đã giảm xuống chỉ còn 81%, so với mức 86% trong năm 2019.
Báo cáo của UNICEF công bố tuần trước cho thấy trong đại dịch COVID-19, nhiều người dân trên thế giới đã mất lòng tin vào hiệu quả của việc tiêm vaccine định kỳ cho trẻ để ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh như sởi, bại liệt...