WHO nhận sai, nâng mức rủi ro của virus Corona tại Trung Quốc từ "vừa phải" lên "rất cao"
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thừa nhận một sai sót hôm thứ Hai (27/1) trong đánh giá rủi ro về mức cảnh báo của virus Corona.
WHO cho biết trong một báo cáo tình hình vào cuối ngày Chủ nhật rằng rủi ro là ở mức "rất cao tại Trung Quốc, cao ở cấp khu vực và cao ở cấp toàn cầu".
Trong một chú thích, WHO giải thích rằng tổ chức này đã tuyên bố "không chính xác" trong các báo cáo trước đó vào Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy rằng rủi ro toàn cầu là "vừa phải".
Cơ quan này nói thêm rằng sai lầm trong 3 báo cáo trước đó là "lỗi dùng từ".
Khi được hỏi về việc điều chỉnh mức độ, ông Antoine Flahault, đồng giám đốc của Trường Y tế Công cộng Thụy Sĩ, nói với AFP: "Đó là một sai lầm. Đó chắc chắn là một lỗi lớn ... nhưng tôi thực sự nghĩ rằng đó là một sai lầm đã được sửa chữa."
WHO vẫn chưa tuyên bố virus corona là một trường hợp sức khỏe cộng đồng khẩn cấp đang được quốc tế quan tâm - một chỉ định hiếm hoi chỉ được sử dụng cho các vụ dịch bùng phát và cần sự phối hợp ở mức toàn cầu.
Virus corona, lần đầu tiên được xác định tại thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc vào ngày 31/12/2019, kể từ đó đã lây nhiễm cho hơn 4.000 người trên toàn thế giới và khiến ít nhất 106 người thiệt mạng, đều là công dân Trung Quốc, tính đến ngày 28/1/2020.
Người đứng đầu WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, đang đến Trung Quốc để thảo luận về các cách thức ngăn chặn dịch bệnh, đã được các phóng viên đặt câu hỏi về quyết định không tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Tuy nhiên, tại cuộc họp tại trụ sở của WHO, ông Tedros đã nói rằng việc chỉ định có thể được thay đổi bất cứ lúc nào và nguy cơ toàn cầu từ vụ dịch là "cao".
"Đây là một trường hợp khẩn cấp ở Trung Quốc nhưng chưa trở thành một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu", ông nói.
WHO cho biết phân loại này là "một đánh giá toàn cầu về rủi ro, bao gồm mức độ nghiêm trọng, mức độ lây lan và khả năng đối phó".
WHO trước đó từng bị chỉ trích về việc sử dụng thuật ngữ này quá chậm hoặc quá vội vàng, lần đầu tiên được sử dụng cho đại dịch cúm H1N1 năm 2009.
Trong đợt bùng phát đó, cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc đã bị chỉ trích vì tuyên bố dịch cúm H1N1 là "đại dịch", khiến người dân đổ xô mua vắc-xin nhưng sau đó phát hiện ra loại virus này không nguy hiểm như lúc đầu.
Nhưng vào năm 2014, WHO đã gặp phải sự chỉ trích gay gắt vì đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch Ebola tàn phá 3 quốc gia Tây Phi, cướp đi hơn 11.300 sinh mạng.