WHO, ILO cảnh báo về thứ gây ung thư nghề nghiệp hàng thứ 3 thế giới

Anh Thư,
Chia sẻ

Một nghiên cứu vừa công bố bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động thế giới (ILO) đã chỉ ra nguyên nhân đáng sợ gây ra 19.000 cái chết do ung thư chỉ trong 1 năm.

Theo WHO, nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ 183 quốc gia (giai đoạn 2000–2019), cung cấp bức tranh toàn cầu toàn diện đầu tiên về phơi nhiễm nghề nghiệp với bức xạ tia cực tím (UV) từ mặt trời và ung thư da không bao gồm u hắc tố.

Các kết quả xác định nơi làm việc là bối cảnh làm việc là yếu tố then chốt của dạng ung thư nghề nghiệp rất đáng lo ngại này.

WHO, ILO cảnh báo về thứ gây ung thư nghề nghiệp hàng thứ 3 thế giới - Ảnh 1.

Phơi nhiễm tia UV cao là nguyên nhân gây ung thư đáng lo ngại, ngày càng gia tăng - Ảnh: MEDICAL XPRESS

Dữ liệu được công bố trên tạp chí khoa học Environment International nhấn mạnh bức xạ tia cực tím (tia UV) nghề nghiệp được xem là nguyên nhân gây ung thư nghề nghiệp lớn thứ 3, chỉ sau amiăng và bụi silic.

Tại họp báo, TS Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO, cho biết chỉ trong năm 2019, ước tính có khoảng 1,6 tỉ người tiếp xúc với bức xạ tia UV tại nơi làm việc, tương đương 28,4% dân số trong độ tuổi lao động trên toàn thế giới.

Gần 19.000 người đã chết vì bệnh ung thư gây ra bởi lý do này trong cùng năm.

Theo Medical Xpress, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) từng cảnh báo bức xạ UV là một yếu tố nguy cơ gây ung thư da, trong khi Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế của WHO xếp bức xạ UV là chất gây ung thư Nhóm 1 (nguy hiểm nhất).

Tác giả chính của công trình - nhà dịch tễ học Franl Pega từ WHO - nhấn mạnh đây là một vấn đề lớn. Nhiều người đang làm việc trong môi trường nguy cơ là lao động tự do, ngoài ra những người làm việc quanh các môi trường phản chiếu như ngư dân cũng có nguy cơ rất cao.

TS Pega cho rằng điều quan trọng là sự thay đổi trong suy nghĩ, và hệ thống y tế nghề nghiệp buộc phải thích nghi.

Với các nhóm lao động khác, các tác giả nhấn mạnh người sử dụng lao động hoàn toàn có thể giảm thiểu rủi ro cho người lao động, ví dụ sắp xếp giờ làm tránh khung giờ nắng cao điểm, cung cấp bóng mát và quần áo bảo hộ cần thiết, thậm chí kem chống nắng.

Ngoài ra, sự cải thiện khả năng tiếp cận sàng lọc sớm ung thư da là điều mà các chính phủ và những người sử dụng lao động cần tính đến.

Kết luận nghiên cứu, WHO và ILO cảnh báo thêm rằng nguy cơ phơi nhiễm nghề nghiệp với tia UV ngày càng tăng và sẽ là một gánh nặng sức khỏe ngày càng lớn trong tương lai mà các chính phủ cần nỗ lực giải quyết.

Chia sẻ