WHO: Biến thể Delta nguy hiểm trên đà thống trị toàn cầu, nhiều nước lao đao
Giới chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới WHO cảnh báo, biến thể virus SARS-CoV-2 mang tên Delta – xuất hiện lần đầu tại Ấn Độ, đang dần trở thành “chủng trội” toàn cầu do khả năng lây lan cao và nguy hiểm.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những quốc gia phát triển, dịch bệnh đang bùng phát trở lại với biến thể này.
Hôm 18/6, tại cuộc họp báo, bà Soumya Swaminathan, trưởng nhóm các nhà khoa học của WHO cho biết: “Biến thể Delta đang trên đường trở thành biến thể thống trị trên toàn cầu do khả năng lây lan của nó ngày càng gia tăng”.
Trước đó, WHO đã phân loại biến thể Delta ở mức "đáng lo ngại" khi ngày càng nhiều quốc gia ghi nhận làn sóng lây nhiễm mới có liên quan đến biến thể này.
Anh báo cáo số ca nhiễm biến chủng Delta tăng mạnh. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta khiến tỉ lệ mắc Covid-19 hiện nay ở Anh tăng 50% kể từ tháng 5, trong đó rơi nhiều vào nhóm đối tượng trẻ tuổi. Cơ quan Y tế công cộng vùng England (PHE) của Anh cho biết, biến thể Delta hiện chiếm 91% số ca nhiễm mới trong tuần qua, trong khi số ca nhập viện vì biến thể này cũng tăng gấp đôi so với tuần trước.
Điều này buộc chính phủ Anh trước đó phải lùi thời gian gỡ bỏ các hạn chế đến ngày 19/7 tới; trong khi Italy mới đây cũng phải áp đặt quy định cách ly bắt buộc mới trong 5 ngày đối với các du khách đến từ Anh.
Cũng chung quan điểm với giới chuyên gia WHO, các quan chức y tế Đức cũng dự đoán biến thể Delta đang trở thành chủng virus phổ biến ở nước này, có thể là vào mùa thu tới, bất chấp việc tỷ lệ tiêm chủng vaccine cho người dân tại Đức ở mức cao.
Người đứng đầu Viện truyền nhiễm Robert Koch Lothar Wieler cho biết: “Tỷ lệ của biến thể này đang tăng lên. Do đó, chúng ta phải theo dõi chặt chẽ các diễn biến. Nó cũng phụ thuộc hành vi chống dịch của chúng ta nữa. Vấn đề không phải là chủng Delta có thể thống trị hay không mà câu hỏi đó là khi nào”.
Văn phòng Thủ tướng Đức đã phải ra lời kêu gọi người dân nước này hạn chế tập trung xem các trận đấu bóng đá tại vòng chung kết EURO 2020 để tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.
Còn tại Nga, sự bùng phát dịch bệnh trở lại trong những tuần gần đây cũng do chủng Delta gây ra. Nhiều chuyên gia cảnh báo, Nga có thể vỡ trận với sự xuất hiện của làn sóng thứ ba. Thị trưởng Moscow, ông Sergei Sobyanin cho biết, 89,3% số ca mắc mới tại thủ đô của Nga nhiễm chủng Delta. Trước diễn biến như vậy, Thị trưởng Matxcơva đã mở rộng các hạn chế phòng dịch; còn Điện Kremlin hối thúc người dân Nga đi tiêm chủng.
Tỷ lệ nhiễm chủng Delta cũng gia tăng từng ngày tại Mỹ và cũng có nguy cơ là chủng thống trị ở nước này trong thời gian tới. Các nhà khoa học ở Mỹ lo ngại rằng, biến thể Delta sẽ đe dọa những người dân chưa được tiêm chủng và một nền kinh tế đang nhanh chóng mở cửa trở lại.
Thừa nhận điều này, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: “Đó là một biến thể dễ lây lan hơn, có khả năng gây tử vong và đặc biệt nguy hiểm đối với những người trẻ tuổi. Cách tốt nhất để ứng phó với biến thể này là đi tiêm phòng đầy đủ. Biến thể Delta có thể khiến nhiều người chết hơn ở những khu vực chưa có đã tiêm phòng. Khi mọi người đã tiêm 2 mũi đầy đủ, biến thể Delta rất khó có khả năng dẫn đến bất cứ điều gì”.
Theo WHO, biến thể Delta, xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ, hiện đã có mặt ở hơn 80 quốc gia trên thế giới, là chủng phổ biến ở một số quốc gia, song có xu hướng trở thành chủng phổ biến trên phạm vi toàn cầu.