Vừa xin sếp tăng lương, anh đưa cho tôi một xấp giấy rồi buông lời phũ phàng

M.B,
Chia sẻ

Theo như tôi được biết, sếp của mình không khổ sở tới mức như vậy...

Trước đây khi mới ra trường, tôi vào làm ở một tập đoàn lớn trong mảng dịch thuật. Lúc đó tôi nghĩ "cá bé" cần phải được bơi ở biển lớn. Dĩ nhiên, thấy bạn bè đua nhau vào làm ở công ty, tập đoàn lớn, tôi cũng muốn không bị kém cạnh. Tuy vậy, vào làm rồi mới thấy, môi trường không như mơ, chẳng giống tôi từng tưởng tượng. Đãi ngộ không cao, quan trọng là khối lượng công việc quá lớn.

Một ngày tôi phải làm từ 8 giờ sáng đến tận 6 giờ chiều, thậm chí bê việc về nhà là điều dĩ nhiên. Đến cuối tuần, trong khi bạn bè được xuống phố, đi cafe, riêng tôi vẫn phải ôm laptop chạy deadline. Khối lượng công việc lớn, các sếp ở đó cũng cực kỳ khắt khe, họ luôn muốn bào mòn toàn bộ năng lượng của nhân viên. Sau gần 1 năm gắn bó với tập đoàn lớn đó, tôi đã xin nghỉ việc. Bởi nếu cứ tiếp diễn tình trạng đó, e là tôi sẽ chẳng thể trụ được lâu.

Vừa xin sếp tăng lương, anh đưa cho tôi một sấp giấy rồi buông lời phũ phàng  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Sau khi nghỉ việc ở tập đoàn, tôi lựa chọn một doanh nghiệp nhỏ. Mức lương cũng gần bằng với lương ở công ty cũ, nhưng tôi đoán là khối lượng công việc sẽ không nhiều. Với trình độ và kinh nghiệm của mình, tôi mau chóng được nhận vào vị trí biên dịch tài liệu.

Ở công ty này chỉ có vỏn vẹn khoảng 30 nhân viên, thuê riêng một tầng trong tòa nhà lớn. Về những phúc lợi, dịch vụ dành cho nhân viên thì chẳng được như công ty cũ, được cái là đồng nghiệp hiền, tôi cũng thoải mái tâm sự hơn.

Ban đầu khi phỏng vấn, tôi không thỏa thuận được mức lương như ý mà thấp hơn nguyện vọng 2 triệu đồng. Song tôi nghĩ nếu mình thể hiện tốt thì sớm muộn cũng sẽ được tăng lương. Ngay cả trong hợp đồng lao động, cũng ghi là nhân viên được quyền đề xuất tăng lương với cấp trên.

Vậy mà sau 6 tháng làm nhân viên chính thức, tôi lại thất bại trong việc đàm phán thương lượng với sếp. Khi đó, anh lấy lý do là công ty gặp khó khăn sau đợt dịch Covid-19 kéo dài. Sếp bảo tôi hãy thông cảm và tiếp tục cố gắng, chắc chắn sớm muộn tôi cũng sẽ được thưởng lương.

Thấm thoắt lại 6 tháng nữa trôi qua, tôi ký hợp đồng thêm mà chẳng thấy mức lương tăng hơn so với trước. Lần này, tôi quyết phải nói đàng hoàng, rõ ràng với sếp. Tôi biết mình đã cố gắng nhiều trong công việc, cũng đóng góp để tạo doanh thu cho công ty. Nhưng tại sao sếp lại không nhìn ra?

Gặp anh ấy trong phòng riêng, sếp bảo tôi ngồi xuống ghế. Sau khi tôi trình bày nguyện vọng muốn tăng lương của bản thân, sếp lôi từ trong ngăn kéo bàn làm việc của anh một xấp giấy. Anh để xuống bàn nơi tôi ngồi và nói:

"Em hãy xem đi! Một tháng anh phải trả biết bao hợp đồng, hóa đơn. Đến ngay cả hóa đơn tiền điện, tiền nước trong nhà, anh cũng phải muối mặt vay bạn bè. Em mới vào làm ở công ty được 1 năm mà đòi tăng lương hả? Anh nói cho em nghe, có những anh chị thâm niên vài năm người ta còn chưa đòi hỏi gì kìa. Công ty đang giai đoạn khó khăn, đáng lý em phải thông cảm với cấp trên mới đúng. Anh thật sự thất vọng về em. Giờ em có đòi tăng lương, anh cũng chẳng biết nói gì. Em là một người có năng lực, cứ gắn bó đi, sau này khi phát đạt trở lại, anh không để em thiệt thòi đâu!"

Vừa xin sếp tăng lương, anh đưa cho tôi một sấp giấy rồi buông lời phũ phàng  - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Sếp nói phũ phàng khiến tôi im lặng không biết nói gì hơn. Trong công ty có một chị đồng nghiệp thân thiết với tôi, và chị đã được nghe lời tâm sự của tôi. Chị ấy bảo: "Sếp nói thế gây áp lực cho em thôi. Chứ sếp giàu mà, đâu có khó khăn như cách anh ta nói?"

Tôi vội vã lên mạng xã hội xem sếp thể hiện như thế nào. Đúng là anh toàn khoe đi cafe sang chảnh, đi ăn ở những nơi lịch sự, cao cấp. Thậm chí mới tháng trước anh ấy còn đi du lịch cùng gia đình. Sếp không sống khổ sở, hóa ra anh chỉ giả bộ để tôi không đòi xin tăng lương nữa. Tôi có 1 tuần để suy nghĩ việc có nên ký hợp đồng thêm một năm nữa hay không. Nếu tiếp tục làm việc ở công ty này, e là sức lao động của tôi sẽ không được coi trọng...

Chia sẻ