Vừa tiêu Tết hết đống tiền thì bị sa thải: Người về quê "lánh tạm", người chuyển gấp chỗ trọ, nhưng quan trọng nhất là 1 nguyên tắc này!

Vân Anh - Design: Anh Đức,
Chia sẻ

Họ đã thay đổi ra sao để thích nghi với hoàn cảnh mới không mong muốn này?

Dân văn phòng thường đùa nhau rằng: "Ra Tết là mùa viết đơn xin nghỉ việc." Nhưng nếu lướt qua các hội nhóm tuyển dụng gần đây, bạn sẽ thấy một thực tế khác: Kết thúc kỳ nghỉ Nguyên đán cũng là thời điểm nhiều công ty tiến hành sa thải nhân sự. Làn sóng layoff vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trước khi kịp tìm kiếm cơ hội mới, nhiều nhân viên văn phòng đã nhận quyết định mất việc ngay sau những ngày vui xuân.

Vừa tiêu Tết hết tiền, hết Tết lại mất việc

Hoàng Linh (28 tuổi, nhân viên Kế toán) mới nhận được email từ phòng nhân sự với tiêu đề "Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động" từ 1 tuần trước. Cô nàng bị cho thôi việc ngay khi vừa quay lại công ty sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trước đó, Linh không nhận được bất kỳ tín hiệu nào về đợt cắt giảm nhân sự.

"Mình sốc đến mức không tin vào mắt mình. Bởi lẽ chỉ vào tuần trước, sếp còn giao mình xử lý các báo cáo tài chính cho quý mới. Giờ thì mình thành người thất nghiệp mà không hề có sự chuẩn bị", Linh tâm sự.

Hiện tại, Linh đang chật vật vì chỉ trong tháng 1, cô đã chi tiêu khá nhiều để mua quà Tết cho gia đình và chuẩn bị cho chuyến du lịch ngắn ngày. "Mình cứ nghĩ rằng tháng 2 sẽ có lương đầy đủ, cộng thêm thưởng quý I nên đã không quá lo lắng. Giờ thì số tiền trong tài khoản của chẳng còn bao nhiêu, trong khi mình vẫn phải trả tiền thuê nhà và các chi phí sinh hoạt hàng ngày", Linh nói.

Vừa tiêu Tết hết đống tiền thì bị sa thải: Người về quê "lánh tạm", người chuyển gấp chỗ trọ, nhưng quan trọng nhất là 1 nguyên tắc này!- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Tương tự, Chung Dũng (27 tuổi, nhân viên IT) cũng bị sa thải ngay trong ngày đầu tiên đi làm sau Tết. Trước đó, công ty anh chàng vẫn tuyển dụng thêm nhân sự, không có dấu hiệu khó khăn tài chính. "Mình đã kỳ vọng vào một năm mới với cơ hội phát triển tốt hơn, thậm chí còn nghĩ đến chuyện xin tăng lương sau 3 năm gắn bó. Nhưng rồi nhận được quyết định sa thải như một gáo nước lạnh dội thẳng vào đầu", Chung chia sẻ.

Lương của Dũng ở công ty thuộc nhóm khá trong ngành IT. Tuy nhiên Dũng lại vừa đầu tư một khoản lớn vào chứng khoán nhưng chưa kịp rút ra, dẫn đến anh chàng chưa tìm được cách xoay sở dòng tiền cho sinh hoạt phí trong những tháng kế tiếp."Nếu biết trước mình sẽ bị sa thải, mình đã không chi tiêu hào phóng vào dịp Tết hay đổ gần hết tiền vào đầu tư rủi ro như vậy. Giờ mình vừa thất nghiệp, vừa kẹt vốn, đúng là khủng hoảng kép", anh than thở.

Trong khi đó, Huyền Thương (25 tuổi, nhân viên ngân hàng) còn chưa kịp thích nghi với công việc sau kỳ nghỉ thì nhận thông báo chấm dứt hợp đồng. "Lý do họ đưa ra là cắt giảm chi phí, tái cơ cấu nhân sự. Nhưng mình biết đây là cách để công ty tối ưu lợi nhuận. Giờ thì mình bị sa thải khi vừa tiêu hết tiền Tết mà chưa có kế hoạch tài chính dự phòng", Thương chia sẻ.

Với Thương, quyết định sa thải đồng nghĩa với việc không còn được nhận khoản thưởng hiệu suất mà cô đã kỳ vọng.

"Ngành ngân hàng thường xét thưởng theo quý. Mình đã làm việc chăm chỉ suốt ba tháng trước Tết với hy vọng có một khoản kha khá. Giờ thì chẳng còn gì, chỉ được nhận đúng lương tháng 2, không có thêm trợ cấp thôi việc nào đáng kể", cô nàng nói.

Vừa tiêu Tết hết đống tiền thì bị sa thải: Người về quê "lánh tạm", người chuyển gấp chỗ trọ, nhưng quan trọng nhất là 1 nguyên tắc này!- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Cắt giảm tối đa chi phí để xoay xở, nhưng quan trọng nhất là không phụ thuộc chỉ 1 nguồn thu!  

Bị sa thải đột ngột nên cả Hoàng Linh, Chung Dũng và Huyền Thương đều buộc phải thay đổi kế hoạch chi tiêu để thích nghi với hoàn cảnh mới.

Trước khi quay lại công việc sau Tết, Hoàng Linh từng nghĩ rằng năm mới sẽ là thời điểm tốt để phát triển sự nghiệp, hoặc ít nhất cũng có một khoảng thời gian để tìm kiếm cơ hội mới. Nhưng cú sốc sa thải khiến cô lâm vào thế bị động cả về mặt sự nghiệp và tài chính.

"Mình chưa từng nghĩ bản thân sẽ thất nghiệp ngay sau Tết. Mình luôn làm tốt công việc, chưa từng bị nhắc nhở hay cảnh báo. Bây giờ mình mới hiểu rằng, không phải cứ chăm chỉ là sẽ an toàn trong công ty", Hoàng Linh nói.

Không còn thu nhập ổn định, Hoàng Linh quyết định hủy chuyến du lịch đã đặt trước đó, chấp nhận mất 30% phí đặt cọc để tiết kiệm gần 5 triệu đồng. "Ngoài ra, mình cũng cũng bắt đầu tìm nhà trọ rẻ hơn, chuyển từ căn hộ 5 triệu xuống phòng trọ nhỏ 3 triệu/tháng để giảm áp lực tài chính", cô chia sẻ.

Chung Dũng, người vốn có thói quen ăn ngoài và chi tiêu thoải mái, nay chia sẻ đã phải cắt giảm những khoản không cần thiết. "Trước đây mỗi tháng mình tiêu khoảng 3 triệu cho các buổi gặp gỡ bạn bè và cafe, giờ thì mình tự nấu ăn ở nhà. Mình cũng tạm hoãn việc nâng cấp máy tính dù đã lên kế hoạch mua máy mới trước Tết", anh nói.

Anh chàng chia sẻ khi còn đi làm văn phòng, anh đã có công việc freelancer trong ngành IT. Nhưng hiện số tiền kiếm được từ công việc tay trái khó có thể bù đắp ngay cho phần thiếu hụt của mức lương cũ. "Mình chưa kịp lên kế hoạch tiết kiệm hay tìm kiếm cơ hội mới thì đã bị sa thải", Dũng nói.

Vừa tiêu Tết hết đống tiền thì bị sa thải: Người về quê "lánh tạm", người chuyển gấp chỗ trọ, nhưng quan trọng nhất là 1 nguyên tắc này!- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Trong khi đó, Huyền Thương phải đưa ra quyết định lớn hơn, đó là chuyển về quê sinh sống tạm thời để giảm áp lực chi phí. "Ở thành phố, chỉ riêng tiền thuê nhà và sinh hoạt phí mỗi tháng của mình cũng hơn 8 triệu. Mình không thể duy trì lâu dài khi chưa có thu nhập, nên tạm thời về quê một thời gian để tìm kiếm công việc mới", cô nàng cho biết.

Chỉ mới bị sa thải cách đây vài ngày nhưng Huyền Thương đã bắt đầu cảm thấy lo lắng khi nhận ra thị trường tuyển dụng đầu năm không dễ dàng như cô nghĩ. "Mọi người bảo mình cứ thử nhảy việc, nhưng thực tế là các vị trí phù hợp không nhiều, mà số người tìm việc lại quá đông. Mình không thể ngồi không quá lâu, nhưng cũng không muốn nhận một công việc tạm bợ chỉ để duy trì cuộc sống", cô nói.

Sau cùng, cô nàng cho biết trải nghiệm này giúp cô nhận ra bài học cho riêng mình. Đó là bạn luôn cần 1 quỹ dự phòng ít nhất 3-6 tháng sinh hoạt phí, không chủ quan với sự ổn định công việc và cần sẵn sàng thích nghi với những biến động bất ngờ. "Cuối cùng, điều quan trọng nhất là không đặt toàn bộ tài chính của mình vào một nguồn thu duy nhất. Chỉ khi có nhiều phương án, chúng ta mới không bị động khi biến cố xảy ra", Thương kết luận.

Chia sẻ