Vụ xe container gây tai nạn thảm khốc tại Long An: Ai bồi thường cho nạn nhân?

Luật sư LƯU TẤN ANH TOÀN ,
Chia sẻ

Trong vụ xe container gây tai nạn thảm khốc tại Long An, việc ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân là vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Hậu quả mà vụ tai nạn do tài xế xe container gây ra thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

Ngoài trách nhiệm hình sự, tài xế xe container còn phải chịu trách nhiệm về dân sự theo khoản 1 điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015 - quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại: "Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác".

Vụ xe container gây tai nạn thảm khốc tại Long An: Ai bồi thường cho nạn nhân? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn vào chiều 2-1 tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An Ảnh: MINH SƠN

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là xe container là nguồn nguy hiểm cao độ. Vậy nên, căn cứ điều 601 Bộ Luật Dân sự 2015 thì "Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác".

Chủ sở hữu chiếc xe container trong vụ tai nạn là Công ty Thạnh Đức. Theo quy định của pháp luật dân sự, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại này phải dựa vào việc ai là người đang chiếm hữu, sử dụng chiếc xe. Như vậy, nếu người gây tai nạn là người được thuê lái xe thì không phải là người chiếm hữu, sử dụng chiếc xe mà chủ xe mới là người có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng.

Do đó, trong trường hợp này, chủ xe là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn. Chủ phương tiện có thể khởi kiện tài xế để giải quyết đòi lại số tiền bồi thường ở vụ kiện dân sự khác (nếu có yêu cầu). Trường hợp không khởi kiện thì hai bên thỏa thuận về số tiền bồi thường. Nguyên tắc là xét trên cơ sở chủ phương tiện là người có điều kiện để bồi thường.

Về vấn đề bảo hiểm, hiện nay, theo quy định tại khoản 1 điều 4 Thông tư 22/2016/TT-BTC, chủ xe container phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc. Đây là loại hình bảo hiểm mà tất cả cá nhân, tổ chức sở hữu xe cơ giới tại Việt Nam đều phải tham gia theo quy định của nhà nước nhằm bảo đảm quyền lợi cho bên thứ ba trong trường hợp nếu chẳng may chủ xe, tài xế gây thiệt hại cho họ. Loại bảo hiểm này là bắt buộc phải mua theo quy định pháp luật; luôn phải mang theo xe khi đi đường, phải mua trước khi hết hạn thì mới được đăng kiểm/xét xe. Khi không may xảy ra tai nạn giao thông, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc có tác dụng bảo hiểm cho bên thứ ba - nghĩa là chủ xe sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường số tiền mà họ phải đền bù cho người thứ ba chịu thiệt hại theo quy định của Luật Bảo hiểm dân sự về những thiệt hại xảy ra cho người thứ ba do việc sử dụng xe cơ giới gây ra.

Mức trách nhiệm bồi thường của bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc được quy định tại phụ lục đính kèm Thông tư 22/2016/TT-BTC, cụ thể là:

Đối với thiệt hại về người: tối đa 100 triệu đồng/người/vụ, không giới hạn số người.

Đối với thiệt hại về tài sản: tối đa 100 triệu đồng/vụ.

Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp được quy định tại điều 12 Thông tư 22/2016/TT-BTC, cụ thể:

1. Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, tài xế hoặc của người bị thiệt hại.

2. Tài xế gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới.

3. Tài xế không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có giấy phép lái xe. Trường hợp tài xế bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không thời hạn thì được coi là không có giấy phép lái xe.

4. Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.

5. Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.

6. Chiến tranh, khủng bố, động đất.

7. Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt".

Ngoài bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, do đặc thù của xe đầu kéo là vận chuyển hàng nặng, liên tục và với tốc độ khá cao nên rủi ro lớn, một khi xảy ra tai nạn thì mức thiệt hại là rất nghiêm trọng, thường trên 100 triệu đồng nên các chủ doanh nghiệp có thể mua thêm bảo hiểm trách nhiệm dân sự tự nguyện hoặc bảo hiểm vật chất xe đầu kéo. Những loại bảo hiểm này là không bắt buộc và có phạm vi bảo hiểm riêng biệt đối với từng loại bảo hiểm. 

Chia sẻ