Vụ việc cô giáo Tuất, phụ huynh lên tiếng: Không thể đổ lỗi "Tại cô mà con tôi láo!", bởi con không phải là "sản phẩm" của riêng nhà trường
"Việc người lớn lôi trẻ con ra để làm "vũ khí" tấn công (nếu có) là cực kỳ nguy hại. Sau này sẽ rất khó để dạy trẻ một cách đàng hoàng", chị Trang kết luận.
Thời gian gần đây, dư luận xôn xao trước vụ việc của cô giáo Nguyễn Thị Tuất tại trường tiểu học Sài Sơn B, Quốc Oai (Hà Nội). Theo đó cô giáo này có phản ánh về chuyện bị BGH nhà trường "trù dập", sau khi tố cáo một số sai phạm trong phân công chuyên môn, thu chi tài chính.
Ngoài ra, cô Tuất cũng phản ánh bản thân nhiều lần bị chính học sinh của mình hành hung bằng cách bắn đạn giấy, súng nước hay trùm mặt đánh cô ngay trên bục giảng... Những chia sẻ của cô Tuất sau đó gây bão dư luận. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã lập đoàn thanh tra.
=> Xem chi tiết toàn bộ vụ việc cô Nguyễn Thị Tuất TẠI ĐÂY.
Hiện tại vụ việc của cô Tuất vẫn đang được thanh tra. Kết quả ra sao sẽ được công bố trong vài ngày tới nhưng điều dư luận quan tâm nhất lúc này, đó chính là những đứa trẻ. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi những đứa trẻ có hành vi hỗn hào?
Là một bà mẹ 2 con, chị Trần Huyền Trang (quận Ba Đình, Hà Nội) thường xuyên theo dõi các tin tức giáo dục trong và ngoài nước. Với vụ việc ở trường Tiểu học Sài Sơn B, chị Trang cũng luôn cập nhật thông tin. Không bàn đến chuyện cô Tuất hay Ban giám hiệu nhà trường đúng, chị Trang chỉ lặng người khi nghĩ đến những đứa trẻ trong clip và trách nhiệm giáo dục của người lớn. Mà ở đây chính là phụ huynh.
"Mình chỉ nói đến việc giáo dục trẻ nói chung. Nếu con mình có hành động hư hỗn, việc đầu tiên, mình sẽ hỏi chuyện con, xem rốt cuộc đã có gì xảy ra. Tất nhiên không loại trừ trường hợp con sẽ nói dối.
Sau khi nói chuyện với con xong, mình sẽ lên hỏi cô về sự việc xảy ra ở trên lớp. Nghe từ 2 phía rồi mà vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng thì mình sẽ hỏi thêm hiệu trưởng. Nếu không chỉ 1 đứa trẻ, mà cả lớp hư thì sẽ có cuộc nói chuyện giữa ban phụ huynh để kết nối với nhau, xem nguyên nhân do đâu? Đang tồn tại vấn đề gì?
Nhưng nhìn chung, mình không thể chấp nhận hành động hư hỗn của con với cô giáo. Ngay cả khi cô sai, cô dạy không đúng,.. thì mình vẫn phải uốn nắn con. Còn cô giáo sai như nào, đến đâu thì sẽ cân nhắc sau. Nếu mình thấy cô không ổn thì sẽ làm đơn xin chuyển, hoặc đưa ra 1 giải pháp khác", chị Trang bày tỏ quan điểm.
Chị Trang cho rằng không thể phủ nhận trách nhiệm của phụ huynh khi con hư. Vì nếu phụ huynh dạy tốt từ đầu thì trẻ sẽ không hỗn láo. Hành động ném giấy,... là sự vô kỷ luật. Còn nếu có sự cố trong lớp học như thiếu sót chuyên môn, bạo hành học đường,... thì phụ huynh sẽ phải nói chuyện với cô giáo hoặc Ban giám hiệu.
"Chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho cô giáo: "Tại cô mà con tôi láo!". Con không phải là sản phẩm của nhà trường, mà còn do phần lớn cách giáo dục của cha mẹ. Còn với vụ việc ở trường Tiểu học Sài Sơn B, mình chưa rõ đúng sai, uẩn khúc ra sao nên không thể bênh vực hay đổ lỗi cho phía nào được.
Tuy nhiên trẻ con chính là người tội nghiệp nhất trong câu chuyện, dù nhà trường hay cô giáo đúng. Còn việc người lớn lôi trẻ con ra để làm "vũ khí" tấn công (nếu có) là cực kỳ nguy hại. Sau này sẽ rất khó để dạy trẻ một cách đàng hoàng", chị Trang kết luận.
Cũng đồng ý kiến với chị Trang, chị Hoàng Thị Hồng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: "Mình nghĩ rằng, trẻ con sẽ không có hành động hư hỗn nếu bố mẹ không như thế. Nói chung hành động của trẻ phản ánh sự dạy dỗ của bố mẹ nhiều hơn là thầy cô.
Mình có thể chắc chắn là học sinh hỗn hào với thầy cô là tại bố mẹ. Ở đây mình nói là hỗn hào chứ không phải việc các con cãi hay phản kháng khi thầy cô sai".
Về vụ việc ở trường Tiểu học Sài Sơn B, chị Hồng cũng chưa vội kết luận bên nào đúng vì vụ việc vẫn còn đang được điều tra. Tuy nhiên chị Hồng cho rằng nghiệp vụ sư phạm của cô Tuất cũng có đôi chút vấn đề.
"Mình nghĩ với trẻ con lớp 5 thì không ai xúi được như vậy. Nếu là lớp 8, 9 thì còn có thể vì lớp 5 vẫn rất dễ bảo. Nếu cô có uy thì trẻ không dám làm vậy", chị Hồng bày tỏ quan điểm.