Vụ thí sinh ngủ quên nên bị điểm 0 tiếng Anh: Giám thị đã quá vô cảm?
Vụ thí sinh ngủ quên nên bị điểm 0 tiếng Anh ở Cà Mau, nhiều độc giả cũng như các nhà giáo cho rằng, thí sinh ngủ lâu như vậy mà giám thị không gọi là sự thờ ơ, vô cảm của người coi thi.
Về lý thì không sai nhưng về tình có ổn?
Sau khi sự việc một nam sinh Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, TP Cà Mau là học sinh giỏi nhiều năm nhận điểm 0 bài thi Tiếng Anh dẫn đến trượt tốt nghiệp cũng như không thể xét tuyển ĐH dù em này có kết quả các môn khác rất ấn tượng đã có nhiều ý kiến trái chiều.
Đưa ra quan điểm chị Nguyễn Ngọc Diệp (Hà Nội ) cho rằng, theo ý kiến cá nhân thì vụ việc này về lý thì không sai, đúng là không có quy định nào buộc giám khảo phải gọi thí sinh dậy khi người đó ngủ quên cả.
“Nhưng về tình thì giám thị làm thế không được nó thiếu đi tình người, như vậy chắc khác nào bác sỹ thấy bệnh nhân có thói quen xấu có thể dẫn đến mất mạng mà không nhắc nhở, bảo ban bệnh nhân cả, và nó cũng chẳng khác nào mình thấy người đừng bên bờ sông tự tử mà mình không ngăn người ta lại”- chị Diệp nhấn mạnh.
"Nhắc đến vụ việc này làm mình nhớ đến cái tình của giám thị coi thi hồi mình thi đại học từ cách đây 20 năm. Mình nhớ cô quan sát mình làm bài rất kỹ. Cô đi qua đi lại nhìn vào bài làm môn Toán của mình. Khi sắp hết giờ (nhưng quả thực mình không biết), cô gõ gõ tay lên chỗ mình ngồi và nói to lên với cả phòng thi: còn 20 phút nữa là thu bài, anh chị nào chưa hoàn thành thì chuẩn bị cho làm xong đi còn rà lại các câu hỏi. 20 năm qua vẫn rất mang ơn cô vì hành động dù nhỏ ấy”- chị Diệp nêu quan điểm.
Còn một độc giả khác cho rằng, giám thị được phổ biến quy chế trong coi thi. Quy chế bao gồm trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi (lĩnh tiền công coi thi) của giám thị có quy định những điều như thế không ạ? Mà cả hai giám thị trông một phòng thi, đều cứ để học sinh ngủ như thế luôn?
Một phụ huynh khác ở Hà Nội cho rằng, cuộc đời ai cũng có lúc sơ sểnh, nhưng sơ sểnh của thí sinh này dẫn đến hậu quả đau lòng. Hai giám thị, giám thị biên, thanh tra phòng, sở đi ngang qua, xin chỉ cần làm vừa đủ thôi trách nhiệm của họ thôi là cuộc đời của một con người đã khác rồi”
“Đừng trách bạn ấy vô trách nhiệm với bài thi, thử nhìn bảng điểm Toán Lý Hoá Văn của bạn ấy xem, xót ruột. Chỉ vài chục phút trong cuộc đời, tại sao không tặng bạn ấy một cái nhéo tai làm phúc vậy?”- một phụ huynh khác nêu quan điểm.
Giám thị quá máy móc, không bao quát hết phòng thi
Nêu quan điểm về vụ việc, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, giám thị thì quá máy móc, không bao quát hết phòng thi…
Vì theo Ông Vinh, trong phòng thi có rất nhiều tình huống có thể xảy ra liên quan đến hành vi của thí sinh như ngủ gật, gây ồn ào, bị đau bụng, cảm mạo…Thấy có dấu hiệu lạ giám thị cần đi đến nhắc nhở, kiểm soát thí sinh mà không sợ bị quy tội “gà bài”.
“Như vậy thể hiện trách nhiệm đầy đủ của giáo viên và với vai trò giám thị. Nói dại lỡ em đó bị “đột quị” gục xuống thì giám thị cũng lờ đi hay sao. Rất có thể giám thị là người chưa có kinh nghiệm đi trông thi, có thể lơ đãng, chủ quan trong thực thi nhiệm vụ”- ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, giám thị này cũng không phải là tuân thủ qui chế…vì tuân thủ qui chế phải quan sát, bao quát toàn bộ phòng thi. Nếu thấy bất thường thì hai giám thị trao đổi với nhau và có thể báo cho Ban chỉ đạo thi về hiện tượng thí sinh gục xuống bàn thi mà không phải đến cạnh thí sinh theo qui chế máy móc. Hiện tượng ngủ gật trong phòng thi cũng hiếm gặp nên có thể giám thị cũng có phần chủ quan.
“Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho các học sinh và cha mẹ các em phải học chăm ngay từ đầu năm học, đến ngày thi đảm bảo ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ còn tỉnh táo cho những buổi thi”- ông Vinh nói.
TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc Gia TP.HCM cho rằng, tất nhiên quy chế không yêu cầu phải đánh thức các thí sinh ngủ gục.
Tuy nhiên, theo thầy Nghĩa, thời gian thi môn tiếng Anh đến 60 phút. Vì vậy nếu thấy học sinh nằm gục trên bàn lâu quá, có thể có sự cố sức khoẻ tim mạch gì đó, thì giám thị phải can thiệp.
“Điều này nói lên giám thị đã tuân thủ quy chế nhưng thể hiện sự vô cảm”- ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Cà Mau thí sinh nhận bài thi Tiếng Anh điểm 0 là em H.N.T. Tại buổi thi môn Tiếng Anh cũng là môn cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 vừa qua, tại phòng thi của thí sinh này có 2 cán bộ coi thi, trong đó có 1 cán bộ là giáo viên của Trường THPT Phan Ngọc Hiển và 1 cán bộ coi thi đến từ Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai.
Hai cán bộ bộ coi thi khẳng định đã ngồi đúng vị trí quy định, không đi lại trong phòng thi (do quy chế quy định trong quá trình làm bài không được đứng gần thí sinh...) mà bao quát toàn bộ thí sinh từ xa.
Trong quá trình quan sát cán bộ coi thi thấy tất cả thí sinh đều tập trung làm bài, trong đó có em H.N.T. Khi thời gian coi thi trôi dần về cuối, có vài em úp mặt xuống bàn. Lúc này, cán bộ coi thi cứ ngỡ là các em đã làm bài xong, chờ hết giờ để nộp bài thi.
“Khi thời gian còn 15 phút, cán bộ coi thi trong phòng có nhắc nhở còn 15 phút, tất cả thí sinh kiểm lại, thí sinh nào tô nháp thì tô vào bài làm. Còn 5 phút, cán bộ coi thi tiếp tục nhắc còn 5 phút hết thời gian làm bài, đề nghị thí sinh kiểm tra lại bài làm, ghi đầy đủ thông tin cá nhân”, báo cáo nêu.
Chỉ đến khi hết giờ, thí sinh tiến hành nộp bài thì cán bộ coi thi số 1 thu bài mới phát hiện thí sinh H.N.T còn để giấy trắng, chưa tô câu nào. Khi đó, thí sinh có đặt vấn đề xin tô 1 số câu đã làm nháp trên đề bài. Cán bộ coi thi không đồng ý do đã hết giờ nếu cho sẽ vi phạm quy chế, sợ giám sát, thanh tra lập biên bản.
Trả lời báo chí, ông Lê Chí Nguyễn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, TP Cà Mau xác nhận việc học sinh H.N.T của trường đạt 50,22 điểm, trong đó Toán 8,0, Ngữ văn 7,75, Vật lý 9,5, Hóa học 9,0, Sinh học 6,75, và tiếng Anh 0 điểm.Cũng theo hiệu trưởng nhà trường, ba năm liền, H.N.T là học sinh giỏi và nằm trong đội tuyển môn Vật lý của trường. Riêng môn Tiếng Anh, điểm trung bình năm lớp 12 là 8,6.