Vụ tấn công bằng dao ở London và nỗi lo khủng bố ra tù
Vụ tấn công bằng dao ở London (Anh) ngày 29/11 mà tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận tiến hành cho thấy còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết cho dù IS đã bị đánh bại.
Một trong số đó là làm gì với hàng trăm tù nhân IS bị kết án khắp châu Âu sắp được thả trong những năm tới. Theo kênh CNN, rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật: Ai có nguy cơ tái phạm tội? Có cách nào theo dõi họ hiệu quả sau khi họ ra tù không? Các chương trình cải tạo hay xóa bỏ tư tưởng cực đoan có hiệu quả không?
Vụ tấn công trên Cầu London
Usman Khan là tên kẻ thực hiện vụ đâm dao trên Cầu London khiến 2 người chết, 3 người bị thương. Vụ đâm chém bắt đầu ở một tòa nhà tên là Fishmongers’ Hall gần cầu London trong một hội thảo về cải tạo cựu tù nhân do Đại học Cambridge tổ chức.
Khan cũng tham gia sự kiện và bắt đầu đâm chém trong tòa nhà rồi di chuyển ra phía Cầu London. Theo cảnh sát, hắn đeo áo gài bom giả và bị bắn chết ngay tại hiện trường.
Khan 28 tuổi, từng là thành viên của một nhóm được mạng lưới khủng bố al-Qead truyền cảm hứng. Hắn bị kết án liên quan tới khủng bố năm 2012 vì lên kế hoạch đánh bom các quán bar, tấn công Sàn giao dịch chứng khoán London và lập trại huấn luyện tay súng thánh chiến ở Pakistan.
Mặc dù hắn bị kết án 16 năm tù xong hắn được tạm tha tháng 12/2018 với điều kiện đeo vòng theo dõi ở cổ chân và tham gia chương trình phục hồi do chính phủ tổ chức dành cho những người từng liên quan tới khủng bố. Sau vụ việc, Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết sửa đổi các quy định liên quan tới phóng thích sớm tù nhân khủng bố.
Chính luật sư của Khan là Vajahat Sharif cũng cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy thân chủ cũ của mình có thể tái phạm. Khan là một thiếu niên khi bị kết án năm 2010. Luật sư Sharif cho hay ông rất sốc khi khách hàng cũ thực hiện vụ khủng bố ngày 29/11 vì ông cho rằng trong nhiều năm qua, Khan có dấu hiệu muốn tránh xa chủ nghĩa cực đoan.
Năm 2012, Khan đã viết thư trong tù đề nghị được tham gia khóa học xóa bỏ tư tưởng cực đoan. Sau khi ra tù năm 2018, Khan không nói về chính trị cũng như tư tưởng thánh chiến mà hắn nói chuyện rất tích cực. Hiện vẫn chưa rõ điều gì đã thay đổi trong tư tưởng của Khan hay liệu mong muốn cải tạo của hắn chỉ là vỏ bọc để lừa gạt mọi người.
Nguy cơ từ các cựu tù nhân khủng bố
Vụ tấn công do Usman Khan thực hiện đã trở thành đề tài chính trong chiến dịch vận động bầu cử ở Anh khi cả hai đảng chính liên tục đổi lỗi cho nhau vì các phán quyết lỏng lẻo.
Khan bị kết án 16 năm tù nhưng thời gian tối thiểu ở trong tù có thể chỉ là 8 năm. Khi kết án Khan, thẩm phán đã cảnh báo rằng dù sau một thời gian dài ở trong tù, những người như Khan vẫn sẽ là nguy cơ lớn với cộng đồng dù được thả kèm điều kiện như đeo vòng giám sát ở cổ chân.
Tuy nhiên, Khan vẫn được thả với điều kiện đó mà không phải trải qua phiên tòa nào. Sau vụ việc, Bộ Tư pháp Anh đã rà soát khẩn cấp điều kiện phóng thích của mọi tên khủng bố bị kết án và đã được thả ở Anh. Quá trình rà soát sẽ áp dụng với 70 cá nhân.
Năm trong số các tòng phạm của Khan trong vụ âm mưu khủng bố năm 2010 đã được thả. Một trong số đó là Mohibur Rahman, được thả sớm sau khi hắn đăng ký chương trình xóa bỏ tư tưởng cực đoan, nhưng lại bị bắt giam tháng 8/2017 vì âm mưu tấn công hàng loạt vào mục tiêu cảnh sát và quân đội cùng hai tên khác. Rahman nhận mức án 20 năm tù.
Trong nhiều vụ khắp châu Âu, thời gian trải qua trong các nhà tù chật chội, thiếu kinh phí hoạt động cũng là yếu tố cực đoan hóa tù nhân. Ít nhất một trong những kẻ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Pháp đã bị cực đoan hóa trong tù.
Một báo cáo của Chính phủ Anh năm 2016 cảnh báo rằng chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo đang là một vấn đề ngày càng lớn trong các nhà tù và cần có chiến lược phối hợp toàn diện ở cấp trung ương để giám sát, đối phó.
Một trong số những tên thánh chiến Hồi giáo Pháp khét tiếng nhất được thả là Fabien Clain. Hắn sau đó đã tới Syria gia nhập IS và là kẻ đọc tuyên bố nhận trách nhiệm với vụ tấn công Paris năm 2015 khiến 130 người chết.
Giờ đây, dưới sự hối thúc của Mỹ, một số nước tìm cách hồi hương các tay súng nước ngoài và gia đình trong các trại giam ở Syria về châu Âu. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hồi tháng 10: “Tôi muốn nói với người châu Âu rằng nếu các ông không tiếp nhận họ, tôi sẽ thả họ ngay ở biên giới các ông”.
Trong những năm gần đây, các nhà tù khắp châu Âu chật cứng các tay súng nước ngoài đã gia nhập IS ở Syria và Iraq. Khi “vương quốc” IS sụp đổ và nhều tay súng chết hoặc mất tích, khoảng 1.6000 tên đã trở về nhà ở châu Âu và nhiều tên nhận án tù.