Vụ tai nạn xe rước dâu, 13 người chết: Cuộc họp kỳ lạ trong đêm đại tang ở thôn Lương Điền
Cuộc họp có sự tham dự của các vị chức sắc quan trọng nhất ở Lương Điền, người ngoài không được tham dự. Cuộc họp bàn về việc "chia lịch đưa tang".
Tang trắng phủ bóng làng quê
Người thanh niên trong màu bộ áo quần lam lũ cùng chiếc balo đón xe chiều từ Đà Nẵng về Quảng Trị ngay khi vừa xuống sân bay. Chiếc ô tô đầy khách, nói chuyện rôm rả bỗng lặng xuống khi có người nhắc đến vụ tai nạn thảm khốc khiến 13 người tử vong xảy ra sáng 30/7 tại Quảng Nam.
Bác tài xế vội tắt loa đang phát nhạc. Tiếng chép miệng tiếc nuối, lời đồng cảm từ những vị khách. "Tội quá. Người nhà họ sống sao nổi. Tội nghiệp cô dâu, chưa kịp bái thiên địa, bái bàn thờ tổ tiên nhà chồng…", một người nói.
Đám tang ở ngôi nhà của chú rể Nguyễn Khắc Long. Họ hàng, người thân ngồi lặng lẽ bên nhau, u buồn
Người thanh niên ngồi dãy ghế đầu tiên bỗng dưng bật khóc. Mọi người trên xe ngơ ngác nhìn nhau. Hồi lâu, anh mới giới thiệu tên là Nguyễn Khắc Tình, trú làng Lương Điền (xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), người dòng họ Nguyễn Khắc. Tình là anh em họ với anh Nguyễn Khắc Long, chú rể tử vong trong đoàn xe rước dâu định mệnh.
"Em đặt vé máy bay 2 ngày nữa mới về. Về ngày 1, ngày 2 dự đám cưới Long rồi vào lại TP.HCM làm ăn.
Long là anh em chú bác và là bạn nối khố từ thuở chăn trâu nên nghe tin đám cưới thì em về ngay. Ai dè, em phải về trước. Mà về để làm tang lễ cho nó, cho bà con họ hàng chứ không phải cưới", anh Tình lại bật khóc trước nỗi đau quá lớn.
Chuyến xe lặng thinh rồi dừng trước con đường bê tông nhỏ dẫn vào thôn Lương Điền. Tình bước xuống. Đôi chân đi như chạy. Anh bỏ lại chiếc ba lô bên vệ đường đi thẳng vào nhà chú rể Long.
Những chiếc quan tài đặt cạnh bên nhau với những nỗi đau không thể nói được bằng lời
Những người hàng xóm đứng chật kín trong nhà, ngoài sân. Những người họ hàng, chủ yếu làm ăn ở miền Nam, đổ về. Họ nhìn di ảnh Long, nhìn mặt Long trong quan tài lần cuối. Trên di ảnh, Long nở nụ cười hiền. Đó là nụ cười ngày anh chụp ảnh cưới chuẩn bị cho hạnh phúc trăm năm được người nhà phóng vội để làm di ảnh. Long cười mà mắt ai cũng đỏ hoe.
Tình bật khóc, tiếng khóc thê lương. Những người họ hàng kịp nhận ra người cháu xa phương liền dỗ dành, đỡ anh ngồi lên ghế.
Sau đó, Tình bước ra cổng, đi vào một ngôi nhà cách nhà Long không xa. Đây là gia đình ông Nguyễn Khắc Nguyền, bà Nguyễn Thị Gái. Ông bà nằm trong 2 cỗ quan tài đặt giữa nhà, 4 người con ngồi xung quanh, mắt ráo hoảnh, vô hồn. Tình thắp hương cho hai người bác họ rồi lại bước ra cổng, lại vào một đám tang khác.
Nước mắt ngập tràn thôn Lương Điền. Họ khóc vì không thể kìm nén được nỗi đau quá lớn
Lấy nhà chú rể Long làm tâm thì chỉ trong vòng bán kính 150m, 4 căn nhà khác cũng đang chịu nỗi đau mất mát khôn nguôi. 12 người cùng làng, cùng dòng họ tử vong trong vụ tai nạn thảm khốc. Đó là chuyến đi đầy nụ cười. Họ đi để rước dâu, mang về cho dòng tộc Nguyễn Khắc một người con mới. Nhưng, chuyến đi đó đành dang dở.
Những người bà con, làng xóm ở Lương Điền cũng như Tình. Họ đi thăm tang, những đám tang chỉ cách nhau vài bước chân. Tiếng thở dài, tiếng khóc đau đớn. Rồi họ ngồi im lặng, hầu như chẳng nói với nhau câu gì. Ai hỏi, họ cũng chẳng buồn trả lời.
Người Lương Điền biết tin vụ tai nạn thảm khốc từ sáng sớm nhờ cuộc điện thoại từ bệnh viện. Rồi họ ngồi lo lắng, ngóng chờ từng tin tức. Ông Nguyễn Hữu Phú, trưởng thôn Lương Điền, kể: Tin báo lúc 5h có 3 người chết, 6h đã 10 người rồi đến 7h là 13 người, trong đó 12 người của làng.
Chuyến xe định mệnh cướp đi sinh mạng 12 người con làng Lương Điền
"Cả làng choáng váng. Người nhà ôm nhau khóc. Hàng xóm ôm nhau khóc. Ai cũng khóc. Có người ngất xỉu đưa đi trạm xá.
Rồi đám đàn ông, thanh niên cứng rắn hơn, chung tay nhau dựng rạp. 5 cái rạp đám tang trong một ngày. Cả làng đang chuẩn bị ngày hỉ cho thằng Long bỗng chốc quay ngược chiều thành đám tang.
Cả một góc làng phủ màu tang trắng, chỉ còn nước mắt với nhau. Cả làng chẳng ai dám cười một cái dù đang đứng ở đâu", ông Phú xót xa.
Cuộc họp "chia lịch đưa tang"
Chị Y. thất thần, ngã quỵ khi về đến nhà chồng. Cô gái trẻ với móng tay sơn đỏ sẵn sàng cho ngày hạnh phúc trăm năm bỗng rơi vào nỗi đau bất tận
Hơn 21h ngày 30/7, từ đình làng, ông Phú vừa rời khỏi một cuộc họp gồm các vị bô lão, chức sắc trong làng và chưa từng có trong lịch sử của Lương Điền. Họp để chia thời gian, chia lịch đưa tang. 12 người tử vong trong 5 gia đình sẽ được đưa tang trong 2 ngày. Ngày 1/8 có 4 người về cõi vĩnh hằng. Ngày 2/8 là những người còn lại, trong đó có chú rể Long cùng gia đình.
Ông Phú bước trở về nhà. Tấm thiệp cưới của Long còn đặt trên bàn. Ngày thành hôn, giờ tổ chức tiệc mừng với bà con họ hàng vẫn còn ghi rõ ràng vào 2/8. "Cái ngày nớ chừ thành ngày đưa tang, đưa nó về với đất. Ông trời khéo trêu người", ông Phú than thở.
Trưởng thôn Nguyễn Hữu Phú cho hay làng Lương Điền phải chia lịch để đưa tang những người xấu xố
Ông Phú kể lại, thời điểm gần 11h trưa những chiếc xe cứu thương lần lượt về làng. Dấu hiệu chữ thập đỏ trên từng xe của hơn 5 bệnh viện khác nhau. Tất cả là 12 chiếc xe cứu thương, 12 chiếc cáng được đưa xuống, 12 thi thể về từng nhà. Những người đàn bà đứng ôm nhau khóc, gào thét vọng cả vùng.
Đàn ông trong làng sau phút hoảng loạn chia nhau làm việc. Trại hòm ở trung tâm xã Hải Sơn không đủ, người làng phải vào thị xã Quảng Trị để mua thêm.
Những chiếc xe cứu thương từ Quảng Nam, Đà Nẵng lần lượt đưa 12 người con Lương Điền về quê nhà
Người Lương Điền khóc suốt ngày 30/7. Một ngày dài đằng đẵng trong tâm trí họ. Họ khóc khi nhận tin dữ báo về từ Quảng Nam, khóc khi những chiếc xe cứu thương về làng và khóc khi chị L.T.Y, người con gái đất võ Bình Định - cô dâu trong ngày cưới, ngược đường Nam Bắc trở ra chịu tang chồng.
Chị Y. vật vã, than khóc. Những người phụ nữ Lương Điền dìu cô dâu dậy, ôm chặt. Nước mắt họ chảy dài trên vai nhau, ướt đẫm tấm áo mỏng manh.
Ngày cưới thành ngày đưa tang
"Mấy chục năm rồi, làng này chưa có ngày nào đau thương đến thế", một cụ ông nhìn thấy chép miệng.
Đêm 30/7 ở làng Lương Điền, một góc làng sáng trưng ánh điện. Ánh điện vàng leo lét, những phông màn vàng, trắng, những chiếc khăn tang khiến không khí u tịch. Những tiếng khóc trong đêm thỉnh thoảng lại vang lên, vọng ra xa trong đêm tối nơi những cánh đồng lúa đang vào thì con gái, trổ đồng.