Vụ sụp đổ ngân hàng gây chấn động ở Mỹ

Xuân Mai,
Chia sẻ

Sự sụp đổ đột ngột của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) tại Mỹ hôm 10-3 đã gây ra một làn sóng chấn động trong cộng đồng khởi nghiệp.

Cộng đồng khởi nghiệp vốn xem SVB là nguồn vốn đáng tin cậy, đặc biệt là đối với lĩnh vực công nghệ đột phá. Việc SVB dừng hoạt động đánh dấu sự sụp đổ ngân hàng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Các cơ quan quản lý ngân hàng tại California đã đóng cửa ngân hàng SVB hôm 10-3 và chỉ định Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) làm bên xử lý vấn đề tài sản.

FDIC cho biết văn phòng chính và tất cả chi nhánh của SVB sẽ mở cửa trở lại vào ngày 13-3 và những người gửi tiền được bảo hiểm có quyền tiếp cận đầy đủ số tiền gửi được bảo hiểm của họ vào sáng cùng ngày (giờ địa phương).

Vụ sụp đổ ngân hàng gây chấn động ở Mỹ - Ảnh 1.

Cửa của SVB bị khóa ở Menlo Park, bang California - Mỹ hôm 10-3. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, theo FDIC, 89% trong tổng số 175 tỉ USD tiền gửi của ngân hàng SVB không được bảo hiểm vào cuối năm 2022 và số phận của chúng vẫn chưa được định đoạt.

Sự sụp đổ diễn ra sau khi cổ phiếu của SVB Financial Group, công ty mẹ của SVB, trong phiên giao dịch 9-3, đã lao dốc hơn 60% vì ngân hàng này thông báo bán trái phiếu để bù lỗ và huy động vốn.

Theo CNBC, cổ phiếu SVB Financial Group tiếp tục lao dốc trong ngày 10-3. Diễn biến này gây áp lực lên toàn bộ lĩnh vực ngân hàng trên Phố Wall khi nhà đầu tư lo ngại nhiều ngân hàng cũng chứng kiến danh mục đầu tư trái phiếu thua lỗ nặng.

Các công ty như nhà sản xuất trò chơi điện tử Roblox Corp và nhà sản xuất thiết bị phát trực tuyến Roku cho biết họ có hàng trăm triệu USD tiền gửi tại SVB. Theo Roku, tiền gửi của họ tại SVB phần lớn không được bảo hiểm, khiến cổ phiếu của họ giảm 10% trong giao dịch.

 Các nhân viên công nghệ nhận lương qua ngân hàng này cũng lo lắng.

FDIC cho biết họ sẽ tìm cách bán tài sản của SVB và các khoản thanh toán cổ tức trong tương lai với mục đích giải quyết cho những người gửi tiền không được bảo hiểm.

Các vấn đề tại SVB đã làm nổi bật chiến dịch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác trong việc chống lạm phát bằng cách chấm dứt kỷ nguyên tiền rẻ, vốn đã phơi bày nhiều lỗ hổng trên thị trường.

Nỗi lo đang bao trùm ngành ngân hàng.

Theo ước tính của Reuters, các ngân hàng Mỹ đã mất hơn 100 tỉ USD trên thị trường chứng khoán trong hai ngày qua, trong khi các ngân hàng châu Âu mất khoảng 50 tỉ USD. Trong khi đó, các ngân hàng khu vực chứng kiến đợt bán tháo cổ phiếu hôm 10-3 (giờ địa phương).

Trước sự sụp đổ của SVB, các ngân hàng cho vay của Mỹ là First Republic Bank và Western Alliance khẳng định thanh khoản và tiền gửi của họ vẫn mạnh, nhằm xoa dịu các nhà đầu tư khi cổ phiếu của họ lao dốc. Những ngân hàng khác như Commerzbank của Đức cũng đưa ra những tuyên bố trấn an nhà đầu tư.

Ông Christopher Whalen, chủ tịch của Công ty tài chính Whalen Global Advisors, nhận định: "Thị trường chứng khoán có thể sẽ có một "cuộc tắm máu" vào tuần tới khi nhiều ngân hàng đang gặp khó khăn, các nhà giao dịch ồ ạt bán khống và họ sẽ tấn công mọi ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ hơn".

Chia sẻ